Hoài sơn hay còn gọi là Sơn dược, Sơn ngẫu, Chính hoài, củ khoai mài, củ mài, củ lỗ không chỉ là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn là vị thuốc quý của Đông y.

Cái tên “sơn dược” ý chỉ đây là một loại dược liệu quý miền sơn cước (miền núi). Theo y học cổ truyền hoài sơn có vị ngọt, tính bình, vào 4 kinh tỳ, vị, phế và thận. Thảo dược có rất nhiều công dụng nhưng quý nhất là tác dụng bồi bổ tỳ vị, phế và thận. Xung quanh nguồn gốc tên gọi của vị thuốc này là câu chuyện khá thú vị.

Câu chuyện nguồn gốc của vị thuốc Hoài Sơn

Chuyện rằng, cách đây rất lâu có hai nước mạnh và yếu giao tranh. Phần thắng thuộc về bên mạnh hơn và chiếm được nhiều đất đai của nước yếu. Cuối cùng, chỉ còn lại vài nghìn người, họ nhất định không chịu đầu hàng nên rút vào một ngọn núi sâu.

Quân mạnh cố nhiên không tha, đuổi theo vào tận rừng sâu, nhưng núi rừng hiểm trở, dễ thủ mà khó công. Quân bên mạnh tấn công nhiều lần đều vô hiệu, trái lại còn bị tổn thất cả người và ngựa. Tướng quân bên mạnh bèn ra lệnh bao vây rừng núi, ý định chặn đường vận chuyển lương thực để đợi địch đói thì phải đầu hàng.

Hoài sơn có tính bổ tỳ, tăng cường chức năng tiêu hóa. Vì thế thường được dùng chữa bệnh dạ dày. (Ảnh: zhuanlan.zhihu.com)

Một tháng trôi qua, quân bên yếu trên núi không có động tĩnh gì. Các tướng của bên mạnh dự đoán lương thảo của họ sắp cạn. Nhưng ba tháng rồi bốn tháng trôi qua, đoàn quân trên núi vẫn không có động tĩnh như đã biến mất khỏi thế giới. Người đứng đầu của bên quân mạnh lại đoán chắc là bao nhiêu chiến mã của bên yếu đều đã bị dùng làm lương thực, ngoài đầu hàng không còn cách gì khác nữa .

Các vị tướng của bên mạnh muốn tấn công tận diệt quân địch, nhưng cũng cẩn thận chờ thêm vài ngày. Mấy hôm sau, quân sĩ được lệnh kêu gọi quân trên núi bỏ khí giới đầu hàng sẽ được tha . Nhưng mỗi lần nghe được, quân trên núi lại trả lời bằng tên bắn xuống như mưa, tỏ ý quyết không quy hàng.

Hai bên cầm cự thấm thoát đã 8 tháng. Quân bao vây tưởng tàn quân trên núi đã hết lương thực, ngựa chiến bị ăn thịt hết, quân sĩ chết đói la liệt, nếu còn quân sống sót, chắc cũng giống hình bộ xương khô, không lết nổi. Với sự phỏng đoán lạc quan ấy, vòng vây canh gác cũng nới lỏng, không cẩn thận như trước.

Các Tướng bên mạnh đều nghĩ rằng mình chẳng cần đánh nhau, khỏi tổn thương quân sĩ, không mất công cũng sẽ đại thắng, chỉ cần lên núi thu dọn tử thi là xong. Cả tướng cũng như quân vui vẻ, hứng khởi với viễn cảnh đại thắng, nên binh sĩ được phép mở tiệc ăn mừng, đàn ca, rượu thịt khao quân trước mấy ngày liền.

Một vài ngày sau, qua 8 tháng bao vây canh phòng mệt nhọc, lại vừa nhiều ngày khao quân nên cả tướng và quân bên mạnh mệt nhừ, đêm lăn ra ngủ say như chết. Trong rừng núi yên tĩnh, hàng nghìn tiếng ngáy vang vọng rất xa. Bỗng nhiên có tiếng reo hò ầm ầm vang dậy chấn động núi rừng. Tất cả doanh trại bị phóng hỏa, quan quân đang ngủ say hốt hoảng bừng tỉnh dậy, thấy lửa bùng cháy khắp nơi. Tướng chỉ huy đang ngủ mê man, giật mình tỉnh giấc nghe tin bị tấn công, không kịp mặc áo giáp, đeo khí giới, nhảy lên ngựa chạy trốn. Đoàn quân không có người chỉ huy thì náo loạn lo sợ không còn biết phải làm gì.

Quân mạnh bao vây dưới chân núi đợi quân yếu đói cạn lương thực thì phải đầu hàng. (Ảnh: dragonsarmory.blogspot)

Quân địch ào ào tấn công, tiếng la hét vang dậy đất trời. Trận đột kích thành công trong thời gian rất ngắn, cả đoàn quân nửa tỉnh nửa say, đầu hàng bị bắt gọn. Đại thắng rồi, nước yếu chiếm lại được tất cả thành trì đất đai đã mất, dân chúng lại được an cư lạc nghiệp như xưa.

Một vấn đề cần đề cập tới ở đây đó là, đoàn quân bị vây trên núi gần một năm, bên trong rừng không có cây trái rau quả gì có thể làm lương thảo, bên ngoài cũng không có quân cứu viện.Toán quân yếu này đã làm thế nào để không bị chết đói lại thắng quân địch mạnh khỏe tinh nhuệ gấp bội. Sự thực là sâu bên trong rừng, sinh sản một thứ cây lá cành rất rậm rạp, mùa hạ nở hoa màu trắng, cây tròn to và rất dài như một cánh tay người lớn .

Khi đoàn quân bị vây không lâu, thấy hết lương thực, binh lính đã bắt đầu đói khát. Các tướng đang phân vân không biết nên quyết đấu đến chết, hay đầu hàng để sống. Một hôm, có binh sĩ đói quá đào một thứ củ trong rừng ăn thấy ngon lành dễ nuốt. Thế là từ đó vấn đề lương thực của cả đoàn được giải quyết. Người ăn củ, ngựa ăn cành lá, đợi ngày phản công.

Thắng trận rồi, mấy hôm sau nước yếu tổ chức ăn mừng. Tất cả các tướng sĩ đều nói: “Chúng ta thắng trận, công đầu phải là nhờ núi rừng. Nếu không có quà tặng của núi rừng ban cho, chúng ta đã chết đói, có khi chiến mã cũng thành lương thực. Chính cái lộc của núi rừng này đã giúp chúng ta chiến thắng và khôi phục được giang sơn”.

Để ghi nhớ thứ củ đã giúp họ qua cơn đói khát, bèn đặt tên là Sơn Ngẫu, nghĩa là ngẫu nhiên gặp được trên núi lúc tính mệnh bị nguy hiểm. Từ đó, dân chúng bèn đào củ ấy làm lương thực. Sau khi ăn nhiều, lâu dần người ta phát hiện ngoài giúp no bụng, thảo dược còn bổ Tỳ, Vị, Thận, Phế. Rồi không biết từ lúc nào, những người Tỳ Tạng suy nhược, hay bị chứng lỵ đều nhờ ăn nó mà lành. Nó từ món ăn đã biến thành dược thảo. Rồi cũng không biết từ bao giờ, và vị y sư nào đó đã gọi Sơn Ngẫu là Sơn Chi Dược, nghĩa là dược thảo quý hiếm của rừng núi, rồi thành tên cho đến bây giờ.

Hoài sơn có tên dân dã là củ mài. Nó không chỉ là một món ăn của dân gian mà còn là vị thốc quý được sử dụng lâu đời. (Ảnh: baomoi.com)

Công dụng và bài thuốc dân gian từ Hoài sơn

Theo Đông y, Hoài sơn có vị ngọt không mùi, tính bình không độc là thuốc bổ mát có tác dụng dưỡng vị sinh tân, ích phế bổ thận, chỉ khát chữa tỳ vị suy nhược, nóng sốt khát nước, mồ hôi trộm, đi tiểu nhiều, ăn khó tiêu, đau dạ dày, viêm ruột, đái tháo đường, mụn nhọt, kiết lỵ lâu ngày, di tinh, bạch đới. Các bài thuốc có dùng Hoài sơn.

Thuốc bổ máu cho người cao tuổi: Hoài sơn 100g, củ súng, hạt sen, Ý dĩ, mỗi vị 50g. Tất cả sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 20g với nước cơm, chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài, kiết lỵ mạn tính ở trẻ em.

Thuốc kiện tỳ tiêu thực, cho trẻ em gầy yếu: Hoài sơn (sao) 60g, Phục linh, Bạch biểu đậu (sao), Sơn trà, Mạch nha, Thần khúc, Đương quy, mỗi vị 45g; Bạch truật (sao), Trần bì, Sử quân tử, mỗi vị 20g; Hoàng liên, Cam thảo, mỗi vị 10g. Tất cả tán bột, rây mịn, trộn với mật làm viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3-5g.

Thuốc bổ dùng cho người bệnh dạ dày và ruột: Hoài sơn 10g, Bạch truật 8g, Phục sinh 6g, Trần bì 5g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa suy dinh dưỡng trẻ em có kèm theo tiêu chảy: Hoài sơn, Ý dĩ, Mạch nha, mỗi vị 100g, Đảng sâm hoặc Sâm bố chính, Bạch truật, mỗi vị 50g; hạt cau, vỏ quýt, mỗi vị 25g. Tất cả sao vàng, tán rây một mịn, trộn đều. Ngày uống 16 – 20g.

Hoài sơn 60g, Ý dĩ 120g, lá lách lợn 1 cái. Tất cả thái và nghiền nhỏ, nấu với gạo nếp thành cháo ăn trong ngày.

Theo Sohu
Kiên Định biên dịch