Không chỉ là món rau quen thuộc cho món canh cua, theo Đông y rau rút còn có tác dụng an thần, mát gan, giải nhiệt độc, và nhiều lợi ích khác nữa…

Rau rút còn có tên rau nhút, là cây thảo nổi trên mặt nước, quanh thân có phao trắng, lá kép lông chim. Rút là loại rau ăn rất thông dụng, mùa hè nấu canh với khoai sọ và riêu cua.

Loại rau này có mùi thơm đặc biệt như mùi nấm hương, thân ăn giòn… Rau rút có hàm lượng protein cao vượt xa các loại rau khác như xà lách, mồng tơi, rau muống. Rau rút có thể nấu canh với cua, khoai sọ hoặc với tôm, thịt lợn nạc, thịt gà… Những món ăn này có tác dụng ngon miệng, mát, bổ, làm cho dễ ngủ.

Theo Đông y, rau rút có vị ngọt, tính hàn, không độc, tác dụng an thần, mát gan, giải nhiệt độc, có tác dụng chữa chứng mất ngủ, trị nóng trong sinh mụn… làm thông huyết mạch, điều hòa tỳ vị, thông thủy đạo, lợi tiểu tiện, tiêu viêm, nhuận tràng, hạ sốt.

(Ảnh qua zimbabweflora.com)

Các thầy thuốc Đông y sử dụng rau nhút như một vị thuốc chữa nhiều bệnh thường gặp.

1. Hỗ trợ điều trị bướu cổ

Rau rút 300g, cá rô 200g, gia vị vừa đủ. Cá làm sạch chỉ lấy phần nạc, ướp gia vị. Xương cá giã nhỏ vắt lọc lấy nước thêm nước cho đủ khoảng 500 ml, đem đun sôi rồi cho rau rút (làm sạch thái đoạn ngắn) và cá nạc vào nước đang sôi, quấy đều, chờ sôi lại, nhắc ra ăn nóng với cơm. Ngày một lần, dùng liền 5 ngày.

Cũng có thể dùng theo công thức: Rau rút 30g, cải trời 20g, mạch môn 15g, sinh địa 15g, sài hồ, kinh giới, xạ can đều 8g. Đổ 800ml nước sắc còn 250ml nước. Chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 10 ngày.

2. Chữa nóng trong

Người nóng (nội nhiệt) có thể gây chảy máu cam, mụn nhọt.

Lấy rau rút 300g, đổ 800ml nước sắc uống thay trà hằng ngày. Đồng thời kết hợp ăn các món nấu từ rau rút, không ăn các chất cay nóng, kích thích.

Rau rút thường được nấu canh cua, làm nộm… (Ảnh: Internet)

3. Chữa nóng khát táo bón, tiểu tiện đỏ sẻn

Rau rút khô, sắc với 400ml nước còn 200ml, uống thay nước uống trong ngày hoặc ăn thường xuyên rau rút sống trong bữa ăn (hái lấy ngọn non, nhặt bỏ rễ và lớp phao trắng bên ngoài, rửa sạch, ăn cả cọng lẫn lá, như các loại rau tươi khác).

4. Chữa chứng mất ngủ

Rau nhút có tác dụng an thần, hỗ trợ giấc ngủ.

Rau rút 300g, khoai sọ 25g, lá sen 10g tất cả rửa sạch đem ninh nhừ với nước, cho gia vị vừa đủ, ăn cả bã lẫn nước. Tuần ăn 3 – 5 lần, nên ăn khi còn ấm, tốt nhất ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ 30 phút.

Lưu ý:

  • Rau nhút có tính hàn, với người yếu mệt, người hay bị lạnh bụng, đang bị tiêu chảy, trẻ nhỏ… thì không nên ăn.
  • Chỉ ăn rau nhút khi đã nấu chín, tuyệt đối không được ăn tái, sống. Vì rau nhút mọc dưới nước ở các hồ ao, ruộng nước, nên rau dễ bị nhiễm nhiều vi khuẩn nguy hiểm.
  • Trước khi ăn cần phải sơ chế thật sạch như: Cắt khúc, ngâm nước muối, hoặc rửa trong dụng cụ làm sạch rau quả chuyên biệt.

Ngoài ra, nên chọn mua rau nhút tại các cửa hàng rau sạch, tránh mua ở những nơi không đảm bảo vệ sinh.

Minh Thành

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.