Thanh long là một loại trái cây nhiệt đới đã trở nên ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Đây là loại quả có vẻ ngoài và hương vị độc đáo, không những thế còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến độc giả dinh dưỡng, lợi ích của trái cây này.

Thanh long thuộc họ Xương rồng, chỉ nở hoa vào ban đêm. Cây có nguồn gốc từ miền Nam Mexico và Trung Mỹ. Ngày nay, chúng có mặt ở trên khắp thế giới. Có nhiều loại thanh long nhưng hai loại thường gặp là thanh long ruột trắng, hạt đen và thanh long ruột đỏ, hạt đen. Quả thanh long có ít calo, giàu chất xơ và cung cấp vitamin, khoáng chất như magie và sắt rất tốt.

1. Cung cấp một số chất oxy hoá

Thanh long có những hợp chất oxy hoá bảo vệ các tế bào. (Ảnh: Pexels)

Thanh long có chứa một số loại chất chống oxy hóa. Đây là những hợp chất bảo vệ các tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, có liên quan đến các bệnh mãn tính và lão hóa.

Đây là một số chất chống oxy hóa chính có trong bột quả thanh long:

  • Betalains: Được tìm thấy trong cùi của thanh long đỏ, những sắc tố màu đỏ đậm này đã được chứng minh là có thể bảo vệ cholesterol LDL không bị oxy hóa hoặc hư hỏng.
  • Hydroxycinnamates: Nhóm hợp chất này đã chứng minh hoạt động chống ung thư của nó trong các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật.
  • Flavonoids: Nhóm chất chống oxy hóa lớn, đa dạng này có liên quan đến sức khỏe của não bộ tốt hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

2. Hỗ trợ bệnh nhân đái tháo đường và gan nhiễm mỡ

Cả hai giống thanh long đỏ và trắng đều được chứng minh là làm giảm kháng insulin và gan nhiễm mỡ ở chuột béo phì. Chất xơ có lẽ được biết đến nhiều nhất với vai trò trong tiêu hóa, nhưng nghiên cứu cho thấy nó cũng có thể đóng vai trò bảo vệ chống lại bệnh tim, kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2 và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Cơ quan y tế khuyến nghị 25 g chất xơ mỗi ngày cho phụ nữ và 38 g cho nam giới. Thanh long là nguồn thực phẩm toàn phần cung cấp chất xơ tuyệt vời.

3. Thúc đẩy hệ thống ruột khoẻ mạnh

Ăn thanh long giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá. (Ảnh: Pixabay)

Thanh long có chứa prebiotic – có khả năng cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn tốt trong ruột của bạn. Prebiotic là một loại chất xơ đặc biệt thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn ruột. Tiêu thụ thường xuyên prebiotic trong thanh long có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng trong đường tiêu hóa và bệnh tiêu chảy.

4. Tăng cường hệ thống miễn dịch

Vitamin C và carotenoids trong thanh long có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách bảo vệ các tế bào bạch cầu của bạn khỏi bị hư hại. Các tế bào bạch cầu trong hệ thống miễn dịch có vai trò tấn công và tiêu diệt các chất có hại. Tuy nhiên, chúng cực kỳ nhạy cảm với các gốc tự do. Là chất chống oxy hóa mạnh, vitamin C và carotenoids có thể vô hiệu hóa các gốc tự do và bảo vệ các tế bào bạch cầu.

5. Cung cấp sắt cho cơ thể

Thanh long là một trong số ít trái cây chứa sắt. Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nó cũng góp phần trong việc chuyển hoá thức ăn. Trên thực tế, người ta ước tính rằng 30% dân số thế giới bị thiếu sắt.

Để chống lại mức độ sắt thấp, điều quan trọng là tiêu thụ nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt. Nguồn sắt phong phú bao gồm thịt, cá, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc. Thanh long có thể là một lựa chọn tuyệt vời khác, vì một khẩu phần chứa 8% lượng khuyến nghị hàng ngày. Nó cũng chứa vitamin C, giúp cơ thể tăng cường hấp thụ chất sắt.

Như vậy, trái thanh long vỏ đỏ, ruột nhiều ‘hạt vừng đen’ sẽ là một lựa chọn tốt trong thực đơn lành mạnh hằng ngày của gia đình bạn.

An Chi