Ngày 29 tháng 10 năm 2018, các nhà chức trách liên bang Hoa Kỳ vừa ra lệnh tạm ngưng một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 về điều trị tim bằng cách sử dụng tế bào gốc có tên là C-kit.

Tế bào C-kit này được cho là tế bào gốc tim được nhóm các nhà khoa học ở Bệnh viện Brigham and Women’s Hospital (BWH) thuộc Trường Y Harvard, đứng đầu là Giáo sư Anversa đã “tìm ra” trong mô tim (nguyên văn tiếng Anh: stem cell in the heart called a C-kit+ cell). Tuy nhiên, kết quả này không thể lặp lại được bởi một số các phòng thí nghiệm nghiên cứu khác. Điều này đã dẫn đến các nghi ngờ xoay quanh phương pháp trên.

Năm 2014, tạp chí hàng đầu về tim “Circulation” đã đồng ý với đề nghị từ phía Harvard gỡ bỏ bài nghiên cứu chính gây nhiều tranh cãi của Giáo sư Anversa. Và sự việc không dừng ở đây, các cuộc điều tra trong nội bộ vẫn được tiếp tục để kiểm tra tính chân thực của nghiên cứu này và dẫn đến quyết định gần đây nhất (ngày 16 tháng 10 năm 2018) từ phía Harvard là đề nghị gỡ bỏ thêm 31 bài báo đăng về công trình khoa học của nhóm GS.Anversa liên quan đến tế bào gốc này đăng trên các tạp chí danh tiếng vì có bằng chứng về sự “giả tạo kết quả” (falsified and/or fabricated data).

Một bài báo đăng về công trình khoa học này đăng trên trang Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ đã cập nhật trạng thái: Bị tạm ngưng ( do Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI) ở Bethesda, Maryland bắt đầu tạm dừng để phản hồi các thông cáo báo chí liên quan đến việc không dùng thử phương pháp này).

Quyết định gỡ bỏ hàng loạt các bài báo khoa học từ nhiều tạp chí danh tiếng đã khiến cho nhà chức trách phải ra lệnh tạm ngưng thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành (bắt đầu từ năm 2015) dựa trên kết quả nghiên cứu về tế bào gốc C-kit vì lý do an toàn. Thí nghiệm lâm sàng này đang được thực hiện trên 125 người bệnh tim, trong đó 117 người đã được lấy tế bào gốc máu và 90 người đã được lấy mô tim.

Các nhà chức trách vẫn chưa cho biết là lúc nào sẽ đưa ra kết luận cuối cùng cho thử nghiệm lâm sàng này vì họ cần phải xem xét lại tất cả 31 bài báo khoa học mới được đề nghị gỡ xuống này để xem nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến thí nghiệm lâm sàng. Do những người tình nguyện tham gia hầu hết là có bệnh tim mãn tính và phân nửa trong số này có thể chết trong vòng 5 năm. Như vậy, kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra sớm nhất có thể.

Điều gì được rút ra được từ sự việc này?

Thứ nhất, một phương pháp điều trị của Tây Y được phát triển dựa nền tảng khoa học bằng chứng, phương pháp điều trị trên người phải được công bố một cách rõ ràng, chi tiết và quan trọng hơn hết là phải có khả năng lặp lại kết quả bởi người khác. Ở đây, không có chuyện may rủi hay bí quyết, nhóm GS Anversa không thể nói là chỉ có tôi/nhóm tôi mới biết cách tách được tế bào gốc C-kit mà phải chứng tỏ làm sao phương pháp của ông là đúng và các nhà nghiên cứu khác dựa trên phương pháp của ông cũng có thể làm được. Tuy nhiên, ông đã không chứng minh được điều này cho các nhà khoa học khác!

Thứ hai, một nhà khoa học đưa ra một phương pháp mới phải dựa trên sự thật. Công trình khoa học càng quan trọng thì càng bị nhiều nhà khoa học khác “xoi mói”, chỉ những sự thật mới có thể đứng vững và tiếp tục phát triển thành những sản phẩm hữu ích cho nhân loại.

Thứ ba, “An Toàn” là vấn đề hàng đầu trong việc thử nghiệm các loại “chưa được gọi là thuốc/phương pháp điều trị chính thống”. Do vậy, người bệnh được điều trị bằng thuốc/phương pháp mới này phải được chăm sóc, quan sát rất kỹ trong các thử nghiệm lâm sàng này. Các tổ chức Y Tế cũng như các cơ quan chức năng luôn có vai trò giám sát chặt chẽ các thử nghiệm này để nó có thể được tiến hành một cách an toàn nhất và ra kết quả đáng tin cậy nhất.

Bài viết được đăng dưới sự đồng ý của tác giả – TS. Nguyễn Hồng Vũ
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, City of Hope, California, US

Tài liệu tham khảo:

https://www.sciencemag.org/news/2018/10/federal-officials-pause-trial-testing-stem-cells-heart-disease?fbclid=IwAR0yxwp_K5hL8B8f3NHytpgVCjWEB0u6SuquwmpC5CG7YNg7-Qkm-ak7ME4

https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT02501811