Sinh năm 1911, trải qua thời gian cả 2 lần chiến tranh thế giới, tiến sỹ Shigeaki Hinohara, người Nhật được biết đến là bác sỹ hành nghề y lâu nhất thế giới. Nước Nhật tôn vinh ông là một huyền thoại y học, người dân coi ông là báu vật sống của quốc gia.

Người bác sĩ giỏi là người ít dùng thuốc nhất

Dù đã hơn 100 tuổi, tiến sỹ Hinohara vẫn không ngừng cống hiến, ông làm việc 18h mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Những người gặp ông đều cảm thấy kinh ngạc trước một con người dường như luôn tràn đầy năng lượng.

Bác sỹ Hinohara mừng sinh nhật lần thứ 105, sinh nhật cuối cùng của ông

Trong ngững ngày qua, nước Nhật tràn ngập trong nỗi tiếc thương trước cái chết của một người bác sỹ xuất chúng – bác sỹ Hinohara qua đời hôm 18/7, thọ 105 tuổi. Cho đến những năm tháng cuối đời, bác sỹ Hinohara vẫn tận tụy với công việc thiêng liêng: thăm khám và đưa ra lời khuyên hữu ích cho người bệnh.

Ông từng lãnh đạo 5 cơ sở y tế và làm chủ tịch Bệnh viện Quốc tế St Luke ở Tokyo suốt nhiều thập kỷ. Chính ông đã giúp thiết lập hệ thống y tế nước Nhật, khiến trở thành một trong những quốc gia mà người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới. Ông chú trọng nhiều liệu pháp chữa trị không dùng thuốc và thực hành các lối sống lành mạnh.

Tiến sỹ, bác sỹ Shigeaki Hinohara đã qua đời nhưng di sản ông để lại sẽ vẫn mãi trường tồn theo thời gian. Luôn sẵn sàng thử những điều mới mẻ, ông đã xuất bản khoảng 150 cuốn sách kể từ ngày sinh nhật lần thứ 75 của mình, bao gồm một cuốn “Living Long, Living Good” đã bán được hơn 1,2 triệu bản.

Dưới đây là những lời khuyên sức khỏe và những tư tưởng tràn đầy cảm hứng về cuộc sống của ông mà bạn có thể áp dụng cho mình:

Năng lượng đến từ việc cảm thấy tốt đẹp, không phải đến từ ăn nhiều hay ngủ nhiều

Chúng ta đều nhớ rằng lúc còn nhỏ, khi đó chúng ta luôn vui vẻ, thường quên ăn, quên ngủ. Tôi tin rằng chúng ta cũng có thể giữ tâm thái đó khi trưởng thành. Tốt nhất là đừng khiến cơ thể bạn mỏi mệt với quá nhiều quy tắc như ăn bữa trưa hay bữa đêm.

Tất cả những ai sống thọ – bất kể quốc gia, chủng tộc hay giới tính nào – đều có chung một điểm, không ai thừa cân

Bữa sáng tôi uống cà phê, một cốc sữa, vài cốc nước ép cam có thêm vài thìa dầu oliu. Dầu oliu rất tốt cho mạch máu và giúp tôi có làn da khỏe mạnh. Bữa trưa là sữa và một vài chiếc bánh, hoặc không ăn gì nếu tôi quá bận rộn. Tôi không bao giờ cảm thấy đói vì tôi luôn tập trung vào công việc. Bữa tối là rau, một chút cá, cơm và 100g thịt nạc hai lần mỗi tuần.

Luôn lên kế hoạch cho tương lai

Lên kế hoạch để có mục tiêu hướng tới, bánh lái cho con tàu ước mơ của bạn

Quyển sổ của tôi đã lên kế hoạch đến năm 2014 (viết từ năm 2009), gồm lịch giảng bài và lịch làm việc tại bệnh viện. Mặc dù năm 2016 tôi có một vài niềm vui, nhưng tôi lên kế hoạch dự Thế vận hội Tokyo (năm 2020)

Nghỉ hưu không bao giờ là cần thiết, nhưng nếu ai đó phải nghỉ hưu, thì nên muộn hơn 65 tuổi

Cách đây nửa thế kỷ, độ tuổi nghỉ hưu được quy định là 65 tuổi, khi đó tuổi thọ trung bình người Nhật là 68 và chỉ có 125 người Nhật sống trên 100 tuổi. Đến nay phụ nữ Nhật trung bình thọ 86 tuổi, nam giới là 80 tuổi và chúng ta có 36.000 người trên 100 tuổi. Đến những năm 20 chúng ta sẽ có khoảng 50.000 người trên 100 tuổi.

Chia sẻ những điều bạn biết

Tôi có 150 bài thuyết giảng mỗi năm. Một số dành cho học sinh trung học, phần còn lại dành cho người kinh doanh. Tôi thường nói chuyện 60-90 phút, trong tư thế đứng để giữ sự mạnh mẽ.

Khi một bác sỹ khuyến nghị bạn làm một test kiểm tra hay phẫu thuật, hãy hỏi xem vị bác sỹ đó có đề nghị vợ/chồng hay con mình làm điều này hay không

Trái ngược với niềm tin phổ biến, các bác sỹ không thể chữa khỏi cho tất cả mọi người. Vì vậy tại sao lại gây nên những nỗi đau không cần thiết bằng phẫu thuật. Tôi nghĩ rằng liệu pháp âm nhạc và liệu pháp động vật (dùng thú cưng để mang tình cảm đến cho bệnh nhân) có thể giúp ích nhiều hơn tưởng tượng của hầu hết các bác sỹ.

Để sống khỏe, hãy luôn leo cầu thang và mang vật dụng bên mình

Mỗi bước đi tôi bước 2 bậc cầu thang, để cơ bắp được khỏe mạnh.

Nỗi đau thật bí ẩn, và niềm vui là cách tốt nhất để quên đi đau đớn

Nếu một đứa trẻ bị đau răng và bạn bắt đầu chơi đùa cùng nó, thì ngay lập tức đứa trẻ sẽ quên đi cơn đau. Các bệnh viện phải cung cấp nhu cầu cơ bản cho bệnh nhân: tất cả chúng ta đều cần có niềm vui. Tại bệnh viện Luke chúng tôi có liệu pháp động vật, liệu pháp âm nhạc và các lớp học nghệ thuật.

Đừng quá say mê vào tích lũy vật chất

Hãy nhớ: Bạn không biết khi nào mình tới số, và bạn sẽ không thể đem theo của cải vật chất đến thế giới bên kia. Khi đến thế gian này bạn “trần chuồng” và không có gì, khi ra đi cũng sẽ là như vậy.

Chỉ khoa học đơn thuần sẽ không thể cứu chữa hay giúp đỡ người bệnh

Khoa học gộp tất cả chúng ta lại, nhưng bệnh tật là của từng cá nhân. Mỗi người là một thực thể độc nhất, và bệnh tật có liên hệ với tâm hồn của họ. Để hiểu bệnh và giúp mọi người, không chỉ cần kiến thức y học, chúng ta cần nghệ thuật quan sát và sự thấu hiểu.

Cuộc sống đầy những sự cố, cần sẵn sàng đón nhận

Vào ngày 31 tháng 3 năm 1970, khi tôi 59 tuổi, tôi lên tàu Yodogo, một chuyến bay từ Tokyo đến Fukuoka. Đó là một buổi sáng đầy nắng đẹp, và khi núi Phú Sĩ xuất hiện, chiếc máy bay này đã bị tấn công. Tôi phải mất bốn ngày kế tiếp bị còng tay vào ghế trong khi thân nhiệt lên đến 40 độ. Là một bác sĩ, tôi đã xem xét tất cả như một thử nghiệm và ngạc nhiên trước cách cơ thể hạ sốt trong cơn khủng hoảng.

Tìm một tấm gương và cố gắng đạt đến, thậm chí hơn cả điều họ có thể làm

Cha tôi đến Hoa Kỳ năm 1900 để theo học tại trường Đại học Nuke, Bắc California. Ông ấy là người đi tiên phòng và là một người hùng của tôi. Về sau tôi tìm thấy một vài người dẫn lối cho cuộc đời mình. Mỗi khi tôi mắc kẹt, tôi tự hỏi bản thân rằng họ sẽ đối mặt với vấn đề này như thế nào.

Thật kỳ diệu khi sống thọ

Cho tới năm 60 tuổi, thật dễ để phấn đấu cho mục tiêu của bản thân và cho gia đình. Nhưng những năm tháng về sau, chúng ta nên cố gắng đóng góp cho xã hội. Kể từ năm 65 tuổi, tôi đã hoạt động như một tình nguyện viên. Tôi vẫn làm việc 18 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần và yêu thích từng phút giây trong đó.

Năm tháng trôi qua khiến cơ thể dần suy lão, nhưng tinh thần của tiến sỹ Hinohara vẫn luôn tươi trẻ, không vì thế mà suy yếu. Tiến sỹ Hinohara không còn trên cõi đời, những di sản ông để lại sẽ tựa như tinh thần của ông, mãi trường tồn theo thời gian. Olympic Tokyo năm 2020 vắng bóng một vị danh nhân, một huyền thoại y học trên hàng ghế, nhưng chắc chắn ông vẫn sẽ ở đó, trong trái tim, trong tư tưởng những người tham dự và trong muôn vàn thế hệ mai sau.

Theo Japan Times
Đại Hải

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.