Nhiều người mỗi khi làm việc căng thẳng liền gác lại rồi đi hút điếu thuốc, khi tâm trạng buồn bực cũng vậy, tìm thuốc để giải khuây. Nhưng liệu thuốc lá có thực sự giúp bạn giải tỏa stress, hay bạn đang bị cảm giác đánh lừa?

Đã có một thời bác sĩ khuyến khích hút thuốc lá

Lịch sử của khoa học hiện đại đi từ con số 0 cho đến ngày hôm nay, cũng không tránh khỏi những vấp váp, sai lầm. Đôi khi nhìn lại, chúng ta có thể sẽ bật cười vì những quan niệm đến “ngớ ngẩn” mà người ta từng nhất mực tin tưởng theo.

Thuốc lá là một ví dụ điển hình.

Cuối thế kỷ 19, thương hiệu Marshall quảng cáo rằng thuốc lá của họ là liều thuốc kỳ diệu cho tất cả các bệnh về họng, cảm lạnh, sốt, hen suyễn và thậm chí là vấn đề mùi trong hơi thở.

Những năm 30 của thế kỷ trước, các bác sỹ cho rằng hút thuốc lá có thể bảo vệ… họng.

Những năm 1950, nghiên cứu khoa học đã được thực hiện, chứng minh hút thuốc lá hãng Chesterfield không gây hại gì cho mũi, họng và các nội tạng!

Các chuyên gia bỏ phiếu tín nhiệm cho Chesterfield… Và lần này, một nghiên cứu “khoa học” đã chứng minh hút thuốc Chesterfield không gây hại gì cho mũi, họng và các nội tạng! (Ảnh: qua ĐKN)

Nếu bạn hỏi một số người phương Tây đứng tuổi, họ cũng khẳng định, đã từng có một thời trẻ em được hút thuốc trong trường học, thậm chí là phần thưởng khi các em đạt được thành tích nào đó!

Tương tự vậy, Tiến sĩ Joelle Ferron, PGS. tâm thần học tại Trung tâm Nghiên cứu Tâm thần học Dartmouth cho hay, 20 năm trước, ở Mỹ, thuốc lá còn được nhiều bệnh viện dùng làm phần thưởng cho bệnh nhân tâm thần.

Một số bệnh viện tâm thần còn đề nghị các công ty thuốc lá cung cấp thuốc lá miễn phí cho các bệnh nhân tâm thần. Ngành công nghiệp thuốc lá đã cố tình thúc đẩy quan niệm sai lầm rằng những người bị bệnh tâm thần có thể sử dụng thuốc lá để tự làm dịu các triệu chứng tâm thần của họ.

Đến nay, vẫn còn rất nhiều người có quan niêm rằng điếu thuốc lá sẽ giúp giải tỏa những gánh nặng tinh thần.

Hút thuốc lá không làm giảm stress

Theo Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, hút thuốc không phải là cách thư giãn hiệu quả mà càng làm tăng sự căng thẳng. Nhiều nghiên cứu khác cũng đồng tình với quan điểm này.

Các chuyên gia cho rằng, việc bỏ thuốc lá có thể làm giảm trầm cảm, lo lắng và căng thẳng, cũng như cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống so với khi còn hút thuốc. Tác dụng của bỏ thuốc còn ngang bằng thậm chí tốt hơn tác dụng của thuốc chống trầm cảm trong điều trị các rối loạn tinh thần và lo âu.

Hút thuốc thực ra vừa là gánh nặng tinh thần, vừa gánh nặng về sức khỏe thể chất. Thuốc lá không chỉ nhuộm đen lá phổi, mà còn gây tổn thương hầu hết các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể: Gan, trực tràng, thận, bàng quang và tim mạch.

Thuốc lá không chỉ nhuộm đen lá phổi, mà còn gây tổn thương hầu hết các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. ( Ảnh: lilyapp.me )

Nghiên cứu cũng cho thấy càng tiếp xúc với nicotine thì càng làm nhạy cảm với căng thẳng, tức càng dễ bị căng thẳng hơn.

Vậy tại sao đôi khi căng thẳng lo lắng, cầm điếu thuốc lên hút lại có thể giải tỏa gánh nặng tinh thần?

Thực ra điếu thuốc lá không có tác dụng ấy, mà chính là trong khi hút thuốc, người ta tạm thời tách khỏi công việc và thứ đang gây áp lực lên bạn. Tuy nhiên, hầu hết người ta lại cho rằng là nhờ hút thuốc lá.

Như vậy thay vì lên cầm điếu thuốc làm tổn thương hầu hết các nội tạng, tại sao bạn không tập trung vào những sở thích lành mạnh khác như đi bộ, chơi thể thao, nghe nhạc… trong những lúc cần xả stress. Đừng để cảm giác đánh lừa rằng điếu thuốc lá đã giúp bạn thư giãn nhé.

Đại Hải

Từ Khóa: