Hội chứng kém hấp thu là tình trạng thất bại của cơ thể trong việc hấp thu các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất từ thực phẩm. 

Sự rối loạn hấp thu này có thể chuyên biệt chỉ với một hoặc một số loại chất cụ thể như: protein, lipid, vitamin… nhưng cũng có thể xảy ra với tất cả các loại chất. Bất kể chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ nguồn dưỡng chất, những người mắc hội chứng kém hấp thu luôn đi kèm tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.

Vì sao bị hội chứng kém hấp thu? 

Kém hấp thu không phải là một bệnh lý riêng biệt mà có thể là hậu quả của hơn 100 tình trạng khác nhau góp phần tạo nên, hầu hết các nguyên nhân đó là hiếm gặp. Chính vì vậy, phần lớn người bệnh không thể xác định nguyên nhân của hội chứng này. Một số bệnh lý hoặc tình trạng có thể là lí do gây kém hấp thu, bao gồm:

– Chế độ ăn uống nghèo nàn chất dinh dưỡng
– Tình trạng dư thừa lớp màng nhầy bao phủ niêm mạc ruột
– Sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột
– Dị ứng thức ăn
– Rối loạn dung nạp lactose
– Nhiễm ký sinh trùng đường ruột: giun sán, amip…
– Tiêu thụ quá nhiều rượu hoặc các thuốc nhuận trường, thuốc kháng acid…
– Tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài
– Ảnh hưởng của các điều trị tiến hành trên ruột: xạ trị, phẫu thuật cắt ngắn đoạn ruột…
– Các bệnh lý của tuyến tụy, gan, túi mật và ống mật
– Các bệnh lý của ống tiêu hóa như viêm đại tràng, viêm ruột từng vùng (bệnh Crohn), viêm túi thừa, hội chứng ruột kích thích…
– Bệnh lý HIV-AIDS

Dấu hiệu nhận diện

Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng kém hấp thu là tiêu chảy, tuy nhiên không phải xảy ra ở tất cả các trường hợp. Các triệu chứng khác tiêu hóa thường gặp khác bao gồm táo bón, đầy bụng, khó tiêu hoặc thay đổi tính chất phân (phân nhạt màu, phân mỡ, phân sống…). Bệnh cũng có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể, biểu hiện bởi sự suy giảm trạng thái tâm thần (trầm cảm, giảm khả năng tập trung…); yếu cơ hoặc tình trạng chuột rút cơ bắp; da khô, dễ xuất hiện các vết bầm tím do xuất huyết; tóc khô, dễ gãy rụng hoặc tình trạng suy giảm thị lực, nhất là vào ban đêm. Không những vậy, người mắc hội chứng kém hấp thu thường dễ mệt mỏi, sụt cân hoặc chậm phát triển thể chất vì tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng.

Khắc phục hội chứng kém hấp thu bằng chế độ ăn

Có rất nhiều chế độ ăn uống được khuyến nghị cho người mắc hội chứng kém hấp thu. Mục đích chung của chế độ ăn này là hỗ trợ ruột trong việc hàn gắn các tổn thương cũng như làm sạch thành ruột khỏi các chất ứ đọng hoặc chất nhầy dư thừa. Để thực hiện điều này, cần đảm bảo khẩu phần ít chất xơ, chất béo và sữa. Mặt khác, chế độ ăn uống giàu chất lỏng, vitamin và khoáng chất hỗ trợ hiệu quả việc cải thiện triệu chứng và tăng cường sức khỏe một cách tổng thể. Cụ thể nên áp dụng chế độ ăn theo nguyên tắc sau trong thời gian ít nhất 30 ngày:

– Ăn nhiều carbohydrate phức như gạo, bột yến mạch, bột, mì ống…
– Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều trái cây, đặc biệt là đu đủ tươi và dứa
– Ăn cá nướng hoặc hấp 3 lần/ tuần
– Uống 6-8 ly nước lọc, nước trái cây hoặc trà thảo dược mỗi ngày. Việc đảm bảo bổ sung nhiều chất lỏng giữa các bữa ăn sẽ giúp hạn chế lượng thức ăn tồn đọng trong dạ dày.
– Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bao gồm bơ, bơ thực vật, thức ăn chiên xào, thịt mỡ, dầu ăn, sô-cô-la…
– Không tiêu thụ sản phẩm từ sữa và lúa mì, sản phẩm có chứa caffeine, sản phẩm thịt và các loại thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt loại có chứa nhiều phụ gia thực thẩm. Tuy nhiên có thể ăn bổ sung sữa chua loại ít đường, tốt nhất là lên men thủ công tại nhà để tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột.
– Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. Không ăn lượng quá nhiều mỗi bữa vì có thể dẫn đến giảm nhu động và ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, hấp thu của ruột .

Bên cạnh đó, một số thảo dược thông thường có thể giúp hỗ trợ và cải thiện hội chứng kém hấp thu, bao gồm:

– Cỏ ba lá, gốc cây bồ công anh, hạt cây thì là, gừng, cây tầm ma giúp cơ thể tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
– Nha đam và bạc hà giúp hỗ trợ tiêu hóa.
– Cây rễ vàng giúp tăng cường chức năng của gan, ruột kết và tuyến tụy.
– Rêu và đại hoàng hữu ích trong việc làm giảm các rối loạn ruột.

Như vậy, việc kiên trì áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý kèm theo sự hỗ trợ của một số loại thuốc hoặc thảo dược là chìa khóa để cải thiện triệu chứng và các vấn đề sức khỏe gây ra bởi hội chứng kém hấp thu.

Bích Na

Mời xem thêm bài:

Từ Khóa: