Bài viết này vô tình đạt giải nhất một cuộc thi nhỏ của bệnh viện. Những mẩu chuyện dưới đây đều có thật. Hi vọng các bạn đọc rồi sẽ hiểu hơn về trăn trở của bác sĩ khi đối mặt với muôn vàn bệnh nhân…

Người ta nói mất tất cả chưa phải là hết, nhưng mất hi vọng là mất hết tất cả. Với bệnh nhân mãn tính, những phương thuốc điều trị chỉ chiếm ba phần, còn liệu pháp tinh thần mới là chủ lực, bởi người xưa có câu bệnh là bảy phần tinh thần, ba phần bệnh.

Tôi vẫn còn nhớ bóng dáng nữ bệnh nhân bé nhỏ, ngồi co ro, ánh mắt bộc lộ nhiều cảm xúc hoài nghi, hoang mang, lo sợ.

Tôi chậm rãi nói: “Bệnh thận của cô đã tới giai đoạn cuối rồi, con nghĩ cô nên nhập viện để mổ FAV (*) ngay, nhanh chóng chạy thận, lọc chất độc ra ngoài”.

Như thường lệ, cô vẫn hứa hẹn và tìm hết lý do này khác để từ chối: “Bác sĩ ơi để qua lễ Noel rồi tôi nhập viện nha”.

Tôi lại thở dài, cho bệnh nhân viết cam kết và giấu nỗi buồn trong lòng.

Than thở với những đàn chị trong khoa, tôi nhận được nhiều lời chia sẻ ngán ngẩm không kém: “Bà đó chị cho mổ FAV lâu rồi mà có nghe đâu, mai mốt lại vào cấp cứu nữa cho xem”.

Để nắm được tình hình chung bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, trưởng khoa đề nghị tôi lập một danh sách thống kê những bệnh nhân sắp tới giai đoạn chạy thận, trong đó liệt kê rõ ai đã mổ FAV, ai chưa, và ai ‘cứng đầu’. Một danh sách thành lập ra có khoảng 15 bệnh nhân, trong đó chỉ mới có 3 ca đã mổ tay, còn lại vẫn ‘cứng đầu’ không chấp nhận. Khi được tư vấn, bệnh nhân vẫn cứ hứa hẹn mãi, họ không chịu nói vì sao không mổ tay, dù tôi đã cố gắng tìm hiểu và giải thích rất nhiều. Tôi chỉ cảm thấy tiếc cho họ là nếu để bệnh trì trệ kéo dài, chất độc trong máu tăng cao sẽ phá huỷ hết cơ thể họ, đến khi cấp cứu nếu may mắn sẽ thành công, nhưng chất lượng cuộc sống về sau kém hơn hẳn và họ sống sẽ khó khăn hơn nhiều.

Rồi một ngày đang đi chăm những bệnh nhân chạy thận, tôi bắt gặp một anh thanh niên nhỏ người, sắc da xanh xao thiếu máu, khuôn mặt uể oải buồn phiền.

Tôi khẽ nói: “May quá, em tưởng là anh sẽ không tới chạy thận chứ”.

Anh thở dài ngao ngán: “Tôi cũng chỉ muốn chết cho rồi, vì bây giờ mổ tay thế này có làm gì được nữa đâu. Nhưng cả nhà vợ con quỳ lạy khóc lóc van xin dữ quá, cũng phải chạy thôi chứ sao”.

– Vậy trước đây anh làm nghề gì?

– Tôi đi bán nước đóng chai, phải khuân vác, bây giờ mổ tay thế này thì làm được gì nữa.

– Em thấy ở đây có rất nhiều công nhân vẫn đi làm bình thường, chiều họ tới chạy thận đến tối, anh không làm được công việc này thì còn công việc khác mà.

Những bệnh nhân là đàn ông thanh niên, trụ cột của gia đình thường rất lo lắng về tương lai khi đã mắc căn bệnh nan y và tốn kém này. Có người quẫn trí muốn tự vẫn, vì họ nghĩ rằng chạy thận sẽ không sống được bao lâu, đã vậy còn không kiếm được tiền, nhìn cả nhà cung phụng, vất vả vì họ thì không thể chịu đựng được. Những lúc đó, liệu pháp tinh thần như trấn an, động viên, giải thích cho họ là rất quan trọng. Đầu tiên là giúp họ hiểu rõ nếu tuân thủ điều trị tốt thì có thể sống rất lâu, trên 10 năm, lúc đó, tôi sẽ dẫn chứng những ông cụ, bà cụ trường kỳ chạy thận một thời gian dài vẫn sống tốt. Sau đó, tôi kể về những người công nhân vẫn làm việc kiếm tiền, và đi chạy thận đều đặn, ngoài ra tôi cũng cho họ một vài gợi ý công việc để họ lựa chọn.

Sau ngày nói chuyện hôm đó, tôi như nảy ra một ý kiến quan trọng mà rất có hiệu quả trong việc chuyên trị những bệnh nhân ‘cứng đầu’ này.

Cứ sau 2 tuần hết thuốc, cô bệnh nhân ấy lại tới. Lần này tôi giữ cô lại, và gọi điện thẳng về cho gia đình. Cô con gái hoàn toàn bất ngờ và lo lắng: “Em cứ tưởng mẹ nói là bệnh mẹ bình thường, không sao, thấy mẹ vẫn khoẻ nên em đâu ngờ lại nghiêm trọng như vậy”.

– Không đâu chị ơi, bệnh thận này là vậy đó, lúc này hai quả thận hầu như không còn làm việc nữa, nó đang gồng gánh chút sức lực cuối cùng, nhưng chất độc trong máu của mẹ chị đã quá cao, không thể trì hoãn lâu nữa đâu, để đến khi phát bệnh thì sẽ rất nguy hiểm.

Một lát sau, cô con gái bỏ hết công việc đến bệnh viện để ra sức khuyên can mẹ nhập viện. Chứng kiến tình mẫu tử của họ lúc đó thật cảm động. Lúc này, người mẹ cũng mở mang lòng mình ra một chút và nói: “Tôi bây giờ sống phụ thuộc con cái, sống cũng chẳng được bao lâu nữa mà lại tốn kém. Nhìn dây máu thấy sợ quá bác sĩ, cây kim thì to, tôi sợ chích lắm. Sống chẳng được bao lâu, lại chịu đau đớn, vậy thôi tôi chết sớm cho rồi”.

Tôi mỉm cười, ân cần giải thích với cô rằng: “Cháu nghĩ là không có chuyện chết sớm đâu, vì ở đây rất nhiều người lớn tuổi bị cả đái tháo đường, tăng huyết áp, nhưng nhờ tuân thủ điều trị tốt nên họ chạy được hơn cả chục năm rồi. Trong một chục năm đó, cô có thể làm được biết bao nhiêu việc, như dựng vợ gả chồng cho con cái, nhìn con mình sinh cháu chắt, phụ con cái chăm đàn cháu, cũng ý nghĩa lắm chứ”.

Rồi tôi dắt bệnh nhân đi tham quan một vòng khoa thận nhân tạo, đến gặp một bệnh nhân ‘chung cảnh ngộ’, để giúp cô ấy hiểu hơn về bệnh tình của mình.

– Chị ơi, lúc đầu đâm kim em cũng đau lắm, nhưng riết rồi quen à, phải chạy thì mới sống chị ạ. Nghe lời bác sĩ đi.

Một nam thanh niên khác từng ‘cứng đầu’, nay cũng bộc bạch, chia sẻ lại kinh nghiệm để giúp người đi sau:

– Bây giờ ure của cô là bao nhiêu rồi? Trước đây con cũng không nghe lời bác sĩ, bỏ điều trị luôn, đi tìm thuốc bắc thuốc nam uống, ba tháng sau ói ra máu phải nhập viện đó. Bây giờ bao tử con hay đau lắm, cô nên nghe lời bác sĩ đi.

Ảnh: Bác sĩ đang đặt catheter để chạy thận cấp cứu cho bệnh nhân.

Sau đó, cô cũng chịu nhập viện để mổ FAV, khoảng 2 tháng sau cô sắp xếp công việc, tay lành tốt và đã có thể chạy thận sớm theo kế hoạch tôi đề ra. Quả là một điều đáng mừng.

Mỗi lần thuyết phục một bệnh nhân, tôi lại lấy bản danh sách ra kia ghi chú thêm một chút, tự thưởng cho mình một nụ cười, và khoe thành tích với chị trưởng khoa. Nhưng vẫn còn một danh sách dài, tôi phải rất kiên trì để có thể thuyết phục họ chịu chấp nhận cho chúng tôi cứu họ.

Ngày qua ngày, thấm thoát cũng nửa năm trời, bản danh sách đó dần dần được rút ngắn, hầu như không có trường hợp nào đáng tiếc phải xảy ra tình trạng cấp cứu nhập viện, vì tôi đã thuyết phục thành công họ chấp nhận chạy thận sớm.

Đáng nhớ nhất là một bệnh nhân nam mỗi lần tôi nói chạy thận là ông ấy từ chối nằng nặc, cho rằng tôi còn khoẻ lắm, nhưng urê trong máu đã tăng gấp 5 lần bình thường, miệng ông có mùi urê cực kỳ đặc trưng, tâm thần ông bắt đầu có triệu chứng rối loạn. Như thường lệ, tôi gọi điện thoại về cho gia đình. Lát sau đứa con và bà vợ của ông tới. Vợ ông nóng giận, đập bàn xuống, chỉ tay vào ông: “Hôm nay ông phải ở lại chạy thận, nếu không thì đừng về nhà nữa”.

Chứng kiến cảnh đó, ông chồng sợ xanh mặt, cố tìm đường thoái lui: “Bà coi cái kim to đùng vậy đâm vào đau thấy bà luôn, ai mà dám chạy”.

Lúc đó, tôi mới vỡ lẽ ra ông ấy từ chối chạy thận là vì sợ đau. Thật bất ngờ, vậy mà tôi cứ nghĩ tính ông ấy xuề xoà, xem thường bệnh tật và không tin tưởng bác sĩ. Lại một bài học đáng giá nữa. Tôi nhanh chóng trấn an: “Chú ơi, đâm kim chỉ đau như kiến cắn thôi, bây giờ chú không chạy, mốt vào cấp cứu thì còn bị kim đâm nhiều hơn nữa”.

Sau một hồi vòng vo, vừa bực mình, vừa tức cười vì thái độ bệnh nhân, cuối cùng tôi cũng an tâm khi bệnh nhân chịu ở lại chạy thận cấp cứu. Với kali máu và urê tăng cao như vậy thì nếu bệnh nhân không chạy thận sớm, tình trạng sẽ rất nguy kịch.

Hiện tại, danh sách bệnh nhân chạy thận ngày một nhiều lên, và lúc nào cũng có những bệnh nhân ‘cứng đầu’ không tuân thủ điều trị. Vậy nên tôi luôn phải cố gắng nhiều. Tôi học được rằng mình phải là một người bạn tốt của họ, lắng nghe và thuyết phục bệnh nhân an tâm điều trị. Bản danh sách ngày ấy giờ thất lạc đâu mất rồi, nhưng những bệnh nhân đó tôi vẫn còn nhớ, và vẫn còn nhiều trăn trở. Vì dù chịu chạy thận nhưng họ vẫn không chịu chạy đủ, chỉ chạy 1 – 2 lần một tuần mà thôi. Hay có bệnh nhân không đủ tiền để đi chạy thận, biết phải làm sao để giúp họ đây?

Khoa chạy thận nhân tạo giống như một gia đình nhỏ. Bệnh nhân quanh năm suốt tháng đâu thể rời khoa được. Vậy nên mỗi lần nghe tin một bệnh nhân nào đó qua đời, tôi lại lặng người một chút. Tập hồ sơ còn đó, mà người nay đã ra đi…

BS Lê Chí Công

Chú thích:

(*) FAV (arteriovenous fistula) là cầu nối động tĩnh mạch, thường được nối ở tay, tạo ra hồ máu, giúp việc chạy thận nhân tạo dễ dàng. Nếu bệnh nhân không có FAV, khi cần chạy thận nhân tạo cấp cứu sẽ phải làm thủ thuật đặt catheter tĩnh mạch, vừa đau đớn, vừa chịu thêm chi phí.