Có không ít người đến phòng nha gặp bác sĩ hỏi, tại sao em đánh răng ngày mấy lần mà vẫn nhiều cao răng, lợi vẫn viêm và chảy máu?

Xin thưa rằng: nếu bạn chải răng không đúng cách thì dù đánh nhiều lần hay đánh lâu đến mấy cũng không làm răng bạn sạch được. Cá biệt, có những người đánh răng nhiều hơn 2-3 lần/ngày, mỗi lần đánh răng đến 30 phút nhưng vẫn chưa sạch. Tất nhiên là vẫn còn 1 số nguyên nhân khác nữa. Hãy cùng xem!

Thao tác chải răng chưa đúng

Bàn chải đánh răng điện tử có thể hữu hiệu hơn bàn chải thông thường trong việc đánh bay mảng bám. (CentralITAlliance/iStock)
Bàn chải đánh răng điện tử có thể hữu hiệu hơn bàn chải thông thường trong việc đánh bay mảng bám. (CentralITAlliance/iStock)

Nhiều người có thói quen chải răng theo hướng ngang, nhưng lại không biết rằng chải ngang như vậy chỉ làm sạch vùng lồi của răng, nơi có thể tự làm sạch nhờ cơ chế tự nhiên. Vậy là bỏ sót phần cổ răng gần với lợi.

Phía sát lợi là nơi mảng bám lắng đọng nhiều nhất, và hay bị bỏ sót nhất, cũng chính là nguyên nhân gây viêm lợi, hôi miệng, cũng như chảy máu khi đánh răng.

Vì vậy, để đảm bảo làm sạch tốt hãy chải răng xoay tròn với bàn chải hướng về phía lợi 45o và nhớ chải lần lượt các vị trí để không bị bỏ sót.

Dùng bàn chải không đúng

Chọn bàn chải đánh răng là khâu rất quan trọng (axz66/iStock)
Chọn bàn chải đánh răng là khâu rất quan trọng (axz66/iStock)

Dùng bàn chải quá cứng, thao tác chải quá mạnh: làm tổn thương lợi, có thể dẫn tới viêm nhiễm. Chải răng mạnh quá còn làm mòn răng nữa. Các nha sĩ luôn khuyên dùng bàn chải mềm nhé các bạn.

Nên thay bàn chải 3 tháng một lần vì lông bàn chải có thể bị mòn, biến dạng, không đảm bảo đủ khả năng làm sạch.

Không dùng chỉ tơ

Với nhiều người, đánh răng đơn thuần là đủ giữ răng miệng thơm tho, sạch sẽ. Nhưng những người khác thì không làm sạch được vùng kẽ giữa 2 răng, nơi bàn chải không thể đánh tới nếu không có chỉ tơ, nhất là những người hay bị dắt thức ăn vào răng.

Chỉ tơ cũng có nhiều loại, với kẽ răng thông thường thì dùng loại sợi mềm mịn. Với những người răng thưa mà không thể làm sạch bằng chỉ mềm, nhỏ thì có thể chọn loại sợi to, thô hơn để làm sạch hoặc dùng tăm kẽ có bán ở các hiệu thuốc hay siêu thị.

Chú ý không lạm dụng loại to, cứng, và không dùng mạnh tay để không làm tổn thương lợi và men răng.

Không vệ sinh lưỡi

(Ảnh qua: reddit.com)
(Ảnh qua: reddit.com)

Sau khi đánh răng bạn nên dùng mặt sau của bàn chải hoặc dùng bàn chải lưỡi để làm sạch bề mặt lưỡi. Vì lưỡi chủ yếu là mô mềm nên khi ăn uống có rất nhiều cặn thức ăn bám đọng vào các kẽ, lỗ nhỏ li ti trên bề mặt lưỡi. Lưỡi cũng là nơi trú ẩn lý tưởng của vi khuẩn.

Không vệ sinh bàn chải đánh răng đúng cách

Để bàn chải ẩm ướt sẽ khiến vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Nên dựng đứng chúng để nước có thể róc khô, đặt bàn chải ở nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc với bàn chải đánh răng của người khác.

Trước khi lấy kem đánh răng mà không rửa sạch bàn chải qua với nước ít nhất trong 1-2 phút. Không vệ sinh bàn chải là thói quen thường gặp. Thỉnh thoảng bạn nên ngâm vài phút bàn chải đánh răng trong dấm rồi rửa sạch với nước ấm.

Nguyên nhân khác

  • Ngoài những nguyên nhân mà tự bạn có thể loại trừ, thì có những lý do khiến bạn không thể tự xử lý được như:
  • Sâu răng
  • Răng khôn mọc lệch, không làm sạch được
  • Thức ăn dắt quá sâu dưới lợi cản trở việc làm sạch
  • Viêm xoang hàm do răng cũng là một nguyên nhân gây hôi miệng
  • Ăn một số loại thực phẩm có mùi mạnh, hút thuốc lá…

Xem ra giữ cho răng miệng sạch sẽ cũng lắm công phu. Nếu thực hiện vệ sinh đúng cách mà bạn vẫn không xử trí được tình trạng của mình, hãy gặp nha sĩ để tìm nguyên nhân và phương án giải quyết bạn nhé.

Tú Linh

Xem thêm: