Hỏi: Tôi nghe nói người bị bệnh tiểu đường cần hạn chế ăn đường. Thời gian trước tôi có sử dụng một số loại đường hóa học nhưng mới đây lại biết được thông tin là các loại chất tạo ngọt này có hại cho sức khỏe cho dù vẫn được cấp phép sử dụng. Vậy có giải pháp nào an toàn hơn không? (Thùy Dung, TP.HCM)

Trả lời: Quả thật là có khá nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy tính độc hại của các chất tạo ngọt tổng hợp này, đặc biệt là hai loại chất tạo ngọt aspartame và sucralose. Để tránh các nguy cơ có thể xảy ra khi dùng chất tạo ngọt hóa học, bạn có thể sử dụng cây cỏ ngọt hoặc đường cỏ ngọt để thay thế.

Cây cỏ ngọt có tên khoa học là Stevia rebaudiana (Bert) Hemsl, thuộc họ Cúc Asteraceae. Đây là loại cỏ sống lâu năm, có thể cao đến 100cm. Toàn thân có vị ngọt nhưng nhiều nhất là ở lá. Khi đã phơi hoặc sấy khô, cỏ ngọt có thể dùng để pha trà. Để thay thế đường, bột lá khô được trộn cùng với nguyên liệu làm bánh ngọt. Cỏ ngọt có thể được dùng để sản xuất đường cỏ ngọt, còn gọi là đường stevia. Trong loại cỏ này có chứa một số chất gây ngọt nhưng không giống như đường. Đường cỏ ngọt ở dạng tinh thể màu trắng, ngọt gấp 300 lần so với đường mía, trong khi đó lại không chứa calorie, không làm tăng đường huyết. Ở nhiệt độ cao, đường cỏ ngọt vẫn ổn định, không trở nên sậm màu và cũng  không bị caramel hóa.

Nguồn gốc hoàn toàn là tự nhiên và có tính an toàn rất cao, do vậy cỏ ngọt được nhiều người ăn kiêng sử dụng từ lâu. Hiện nay trên thị trường Việt Nam có bán cả đường cỏ ngọt và lá cỏ ngọt khô, bạn cũng có thể yên tâm dùng cho mình. Tuy nhiên, đối với cỏ, bạn cần lưu ý tìm được nguồn cung cấp đảm bảo chất lượng để tránh các nguy cơ như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc tránh loại cỏ được sấy khô bằng lưu huỳnh.

Chuyên viên dinh dưỡng