Thời tiết giao mùa lúc nóng lúc lạnh, lúc mưa lúc nắng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý về đường hô hấp, nhất là ho ở trẻ nhỏ. Khi này có nên cho con uống thuốc? Hãy nghe chia sẻ của bác sĩ Nhi khoa giảng dạy tại Mỹ.

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại trường này và Texas Tech University (TTU). Ông hiện đang là bác sĩ Nhi khoa, giảng dạy lâm sàng tại Texas, Hoa Kỳ. Hằng ngày, trực tiếp thăm khám và tiếp xúc với các bệnh nhi nhỏ thường xuyên mắc các bệnh tai mũi họng, ông sẽ có lời khuyên như thế nào khi con trẻ bị ho?

Thuốc ho có giảm được ho?

Thấy con xuất hiện các cơn ho và sổ mũi, nhiều mẹ như ngồi trên đống lửa và ngay lập tức cho con uống kháng sinh, thuốc ho và đủ thứ làm sao để giảm triệu chứng.

Trường hợp bé Nguyễn Quỳnh Anh (3 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) dịp Tết về quê chơi và bé bị ho. Mẹ của bé vội vàng gọi điện nhờ người quen ở Hà Nội mua thuốc ho ở phố gửi về quê để cho bé uống. Dù con mới mắc nhưng mẹ bé đã cho con dùng đủ các loại kháng sinh, siro ho, long đờm…

Theo bác sĩ Hưng, trường hợp như bé Quỳnh Anh không phải hiếm. Mỗi năm tới mùa cúm là anh mệt mỏi vụ thuốc ho, trẻ em thì bệnh viêm hô hấp rất nhiều. Mỗi ngày bước vào phòng khám là như hội chợ ho, mẹ nào cũng đòi thuốc ho, bác sĩ phải giải thích khô họng.

Theo bác sĩ, thuốc ho long đờm bày bán trên thị trường loại nào cũng được quảng cáo là tốt nhất, nhưng quanh đi quẩn lại thành phần cũng đều là:

– Thành phần giảm ho (Dextromethorphan DM)
– Thành phần long đờm như guaifenesin, cysteine
– Thành phần làm giảm nghẹt mũi như phenylephrine hay pseudoephedrine
– Kháng histamine: brompheniramine, chlorpheniramine, diphenhydramine (Benadryl)

Bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng. (Ảnh: soha.vn)

Bác sĩ Hưng chia sẻ, thuốc ho không hề giảm ho. Các nghiên cứu về thuốc ho không cho thấy hiệu quả rõ rệt gì trên trẻ em <6 tuổi. Vào năm 2007, FDA thông báo rằng các thuốc này đã gây nhiều tai biến ở trẻ dưới 2 tuổi và thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ hơn 6 tháng.

Do đó, FDA khuyến cáo không nên dùng các loại thuốc ho cảm trên trẻ em dưới 6 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tuổi do khả năng gây tác dụng phụ nguy hiểm rất cao, trẻ 6 – 12 tuổi thì nên hạn chế. Trẻ dưới 6 tháng tuổi nếu uống các thuốc này sẽ rất nguy hiểm có thể dẫn tới tai biến chết người. Từ đó các hộp thuốc ho cảm phải có hàng chữ không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi trên đó. Năm 2005, ở Mỹ có 3 trẻ dưới 6 tháng tử vong ở nhà được xác định nguyên nhân là do quá liều pseudoephedrine trong thuốc cảm ho.

Bác sĩ Hưng lý giải, đây là một phản ứng bảo vệ của cơ thể khi bị bệnh hay có dị vật trong đường thở. Khi viêm nhiễm hô hấp trên thì có nhiều đờm nhớt nên phải ho để tống xuất ra. Những trường hợp trẻ bị bại não hay tổn thương não mà mất phản xạ ho, khi viêm nhiễm đường hô hấp phải mang một cái “áo gây ho” mỗi ngày để được ho nhân tạo, không thì đàm nhớt ứ đọng sẽ gây viêm phổi, xẹp phổi. Với trường hợp đó ho được là tốt không nên lo lắng.

Nguyên nhân gây ho cho trẻ

Ho là triệu chứng thường gặp trong nhiễm khuẩn hô hấp trên hoặc dưới, ngoài ra cũng gặp trong các bệnh không phải nhiễm trùng như hen phế quản hoặc do tiếp xúc với các loại khói, bụi như khói thuốc lá, thuốc lào, bếp than, bếp củi…

Ho làm sạch đờm từ phế quản phổi do đó trong trường hợp trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp dưới, ho làm cho bệnh mau khỏi hơn vì vậy không nên dùng thuốc giảm ho cho các trẻ này. Theo dõi về lâm sàng cho thấy rằng ho về đêm do nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ em thì chỉ làm phiền bà mẹ và những người xung quanh nhiều hơn là đối với chính bản thân đứa trẻ. Đôi khi ho cũng có thể gây nôn thứ phát, tuy vậy, rất hiếm khi làm trẻ kiệt sức hoặc không thể ngủ được vì ho.

Để con được ho

Khi thấy con húng hắng ho, cũng có rất nhiều cha mẹ tự mua thuốc điều trị cho con tại nhà, đến khi bệnh của con không đỡ hoặc có dấu hiệu nặng hơn mới tá hỏa đưa con đi thăm khám bác sĩ.

Trước thực trạng đó, các bác sĩ nhi khoa khuyên rằng, cha mẹ đừng sốt ruột khi con bị ho. Đây là một phản xạ tốt của cơ thể, nhằm bảo vệ đường hô hấp. Khi một tác nhân lạ nào đi vào đường hô hấp, cơ thể sẽ có phản xạ ho bắn ngược nó ra. Đây là triệu chứng thường gặp nhất trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, được coi là một cơ chế bảo vệ quan trọng cho đường hô hấp dựa trên quan điểm sinh lý bệnh học.

Thuốc ho có thực sự làm dứt cơn ho? (Ảnh: zhuanlan.zhihu.com)

Khi trẻ ho giúp cơ thể trẻ thực hiện 2 chức năng quan trọng là đẩy dị vật hoặc thức ăn ra ngoài nếu không may rơi vào đường hô hấp; loại bỏ các chất xuất tiết từ đường hô hấp. Nó có thể làm bật dị vật hoặc chất xuất tiết ở đường hô hấp ra ngoài là do: Tốc độ luồng khí cao đi ra từ đường hô hấp lớn và một phần lực này truyền cho dị vật hoặc chất xuất tiết; phổi và đường hô hấp bị đè nén do áp lực dương trong màng phổi cao và các chất xuất tiết dính vào phế quản lớn bị bong ra bởi tốc độ luồng khí cao này.

Bác sĩ Hưng chia sẻ: “Ho được thì tốt chứ các mẹ đừng nên thấy con ho thì tái dại mặt đi chi cho khổ. Con tôi từ nhỏ tới lớn không có uống một viên thuốc ho. Có lần nó ho sù sụ đâu chừng 2 tuần, vợ tôi hỏi có cho nó uống thuốc ho không, tôi nói kệ nó đi, tự nó sẽ hết. Đâu chừng tuần sau thì nó quên ho”.

Bác sĩ Hưng bày tỏ: “Mỗi lần gặp mấy bà mẹ cuồng cho con uống thuốc ho cảm, khuyên giải hoài không được thì tôi hay cho chút thuốc kháng histamine hoặc thuốc ho cảm liều thấp. Tại sao vậy? Tại vì đối với mấy mẹ loại này, không cho thì họ sẽ không an tâm, không tin tưởng, thậm chí giận dữ. Sau đó sẽ đi khám hết chỗ này tới chỗ khác, rồi vô cấp cứu, được cho kháng sinh, thuốc giãn phế phản, corticoid một cách vô tội vạ. Đến bác sĩ nào cuối cùng trùng với thời điểm bệnh tự hết thì các mẹ sẽ vui tươi phấn khởi tung hô đó là giỏi nhất. Mà tôi là người thăm khám đầu tiên, khám khi bé còn ho sù sụ thì họ sẽ mặc nhiên liệt tôi là dở nhất”.

Vị bác sĩ này chia sẻ thêm: “Vì đã nhiều lần thấy chuyện này, nên tôi chấp nhận ‘lừa gạt’ các bà mẹ cuồng thuốc ho như vậy nhằm tránh cho bé những hệ luỵ về sau. Nếu có sinh viên tại đó, tôi hay nói đùa (mà thật) như vầy: “Thuốc này con uống là trị ‘bệnh’ của mẹ chứ không phải trị bệnh cho con đâu nghe”. Thiệt là khổ khi phải chơi trò này, nhưng không làm thì con đường phía trước sẽ khổ sở cho bé vô cùng. Lại còn có nhiều mẹ khăng khăng là nên uống thuốc cảm sớm, không thôi nó sẽ nặng hơn. Khổ quá, chuyện đó hết sức vô lý. Các thuốc ho cảm này chỉ là trị triệu chứng chứ không tác dụng với con siêu vi, nên chuyện nặng hay không thì không ăn nhậu gì tới uống thuốc hết”.

Cuối cùng, xin các bậc cha mẹ: “Hãy để cho con được ốm”.

Kiên Định
Nguồn tham khảo: Trí thức trẻ