Cô đơn đang là một “căn bệnh” phổ biến của xã hội hiện đại, nó đem lại nhiều tác động tiêu cực đến sức khoẻ cả về tinh thần lẫn thể chất con người.

Theo Thể Thao Văn Hoá, cảm giác cô đơn hay xa cách là một cảm xúc khá phức tạp xuất phát từ tình trạng thiếu người bầu bạn hay chuyện trò. Theo ước tính, cứ 5 người lại có 1 và tỷ lệ này đang tăng lên một cách chóng mặt.

Đặc biệt trong thế giới hiện đại hóa, con người ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động trên mạng xã hội ảo, nên không có hứng thú với những hoạt động bên ngoài hay liên lạc với bạn bè hoặc người thân. Dần dần theo thời gian, cảm giác cô đơn sẽ để lại những ảnh hưởng khá nguy hiểm đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

Ảnh hưởng tới não bộ

Cô đơn là một trong những nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh về thần kinh, hậu quả của nó để lại trên não bộ được ghi nhận là cũng tương tự như các cơn đau thể chất. Lượng hoóc-môn gây stress cortisol thường tăng cao bất thường vào buổi sáng và không bình ổn trở lại trong suốt cả ngày. Chính vì thế việc hòa nhập với những người xung quanh không những giúp bạn bớt cô đơn mà nó còn tăng cơ hội sống sót và kéo dài tuổi thọ.

Tăng nguy cơ mất trí nhớ

(Ảnh minh hoạ)

Tình trạng cô đơn kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng bình thường của não bộ, tăng nguy cơ mắc những căn bệnh rối loạn thần kinh như mất trí nhớ lên đến 64%. Đặc biệt những người sống một mình hay những người già sống trong viện dưỡng lão là những người có nhiều nguy cơ mất trí nhớ hơn những người sống vui vẻ cùng gia đình.

Điều ngược lại cũng hoàn toàn đúng, đó là những người ở giai đoạn đầu của bệnh mất trí nhớ hay Alzheimer thường xuyên tách lìa khỏi những người xung quanh và sống trong cô đơn.

Gây rối loạn giấc ngủ

Những người cô đơn thường xuyên gặp vấn đề về giấc ngủ vì cảm giác cô đơn sẽ làm đứt quãng giấc ngủ ngon, khiến bạn thức giấc nhiều lần trong đêm. Lâu dài tình trạng này sẽ dẫn đến bệnh mất ngủ hoặc các căn bệnh rối loạn giấc ngủ khác.

Ngoài ra cô đơn còn dẫn đến nhiều hệ luỵ về sức khoẻ khác nữa

VnExpress thông tin, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Bệnh viện Đại học Copenhagen công bố hôm 6/11, dựa trên kết quả kiểm tra sức khỏe của 13.443 người bệnh tim. 

Nghiên cứu này cũng cho thấy những người có lối sống cô độc có thể mắc các hội chứng rối loạn lo âu và trầm cảm. Đây là một phần trong chuỗi công trình khoa học chứng minh ảnh hưởng tiêu cực của sự cô độc đối với cuộc sống con người.

Các nghiên cứu trước đó cho thấy cô đơn quá lâu có thể dẫn đến thói quen hút thuốc, bệnh béo phì và suy giảm chức năng miễn dịch, làm tăng 26% nguy cơ tử vong.

Nghiên cứu khác chỉ ra rằng cô đơn cũng là tác nhân gây bệnh tim, bệnh mạch vành, đột quỵ và cao huyết áp.

(Ảnh Internet)

Các chuyên gia giải thích, con người vốn là những sinh vật xã hội. Khi ngừng giao tiếp, não bộ chúng ta không được sử dụng, sinh ra các biểu hiện tâm lý vô cùng tiêu cực. Người bị cô lập sẽ có những thay đổi trong hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng viêm mạn tính.

Tuổi Trẻ thông tin, giáo sư Robert Putnam tại Đại học Harvard nói rằng: ”Phần quan trọng nhất của hạnh phúc là cảm giác con người được liên kết với thế giới xung quanh”. Theo nhận xét này, hiểu theo chiều ngược lại, cô đơn là đỉnh cao của bất hạnh.

“Toa thuốc” chống cô đơn

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên rằng, người cô đơn hãy bắt đầu “chữa trị” bằng việc “tút” bản thân mình như đi massage, chăm sóc tóc… Đồng thời hãy luôn thư giãn, dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, ngăn nắp để biến nơi ở thành nơi bạn cảm thấy an toàn.

Emily White, tác giả sách Cô đơn: Học cách sống cô độc, khuyên: “Hãy tìm và theo đuổi những việc làm ý nghĩa. Tự nguyện làm những việc khiến bạn thích thú. Nếu bạn thật sự quan tâm đến những gì mình đang làm, bạn sẽ kết nối được với những người mình đang tiếp xúc hằng ngày”.

Phương pháp chữa trị cũng có thể đơn giản hơn nhiều như tìm đến những người cô đơn hơn bạn, tham gia các hội chia sẻ cùng sở thích hoặc chỉ đơn thuần chăm ra tiệm caffe hơn. Điều quan trọng là hãy bước ra khỏi nhà và cố gắng có các giao tiếp với người khác.

Trong thời đại thông tin, người già cô đơn còn được khuyến khích hãy lên mạng vì ở đó bạn có thể tìm thấy những mối quan hệ đã thất lạc từ lâu hoặc xây dựng những mối quan hệ mới.