Khi khám bệnh, các thầy thuốc đều ghi lại các triệu chứng, tên bệnh, quá trình mắc bệnh và điều trị của bệnh nhân… cái đó gọi là “Bệnh sử” cũng có người gọi là “Bệnh án” hay “Bệnh lý” rồi dựa trên đó để nghiên cứu điều trị. Bạn có biết người sáng lập ra hồ sơ bệnh án sớm nhất trên thế giới là ai không? Đó là danh y Thuần Vu Ý ở thời Tây Hán. Loại hồ sơ bệnh án này lúc bấy giờ gọi là “诊籍” tức “Chẩn tịch”

Thuần Vu Ý (chữ Hán: 淳于意, 205 TCN – 150 TCN), người Lâm Truy (nay thuộc Truy Bác tỉnh Sơn Đông). Ông từng làm quan Thái thương (Trưởng kho) nước Tề nên mọi người đều gọi là Thương công (ông giữ kho). Là thầy thuốc nổi tiếng đầu thời Tây Hán và là người đầu tiên lập ra bệnh án khám chữa bệnh. Hậu thế thường gọi là Tiên Y Thái Thương Công Thuần Vu Chân Nhân.

Cuộc đời và sự nghiệp

Thuần Vu Ý. (Ảnh: sanwen.cn)

Từ nhỏ, ông ham chuộng nghề y nên từng theo Công Tôn Quang học tập điển tịch và kinh nghiệm lâm sàng y học cổ. Công Tôn Quang mến tài liền giới thiệu ông sang chỗ Công Thừa Dương Khánh học tiếp y thuật. Dương Khánh đã trên 70 tuổi, không có con nên rất yêu mến Thuần Vu Ý, thâu nhận ông làm đồ đệ, rồi đem sách thuốc quý hiếm đã cất giữ bao gồm chẩn mạch, bí phương các loại và toàn bộ kinh nghiệm về chẩn đoán trị liệu từ thời Hoàng Đế, Biển Thước truyền dạy hết cho. Sau ba năm khổ luyện, Thuần Vu Ý đã tinh thông y thuật, trở thành danh y, quyết một lòng cứu nhân độ thế.

Năm thứ 4 đời Hán Văn Đế (176 TCN), vì ông không chịu xem bệnh cho một quý tộc, bị nhà quyền quý ấy vu tội giam vào ngục và giải đi Trường An thụ hình. Năm người con gái của ông đau buồn tức giận đến cực độ và vô cùng thương cha. Người con út là Đề Oanh đi theo cha, đồng thời dâng thư lên Hoàng đế nguyện hiến thân làm nô tỳ để chuộc tội cha già. Hán Văn Đế rất cảm động xuống lệnh tha tội Thuần Vu Ý, thậm chí còn cho xóa bỏ nhục hình tàn khốc. Về sau ông cùng với các đệ tử chu du khắp bốn phương, tích cực truyền bá y thuật và chữa trị cho rất nhiều người tai qua nạn khỏi.

Sáng tạo “Chẩn tịch”

Chẩn tịch được Thuần Vu Ý sáng tạo ra từ rất sớm. (Ảnh: wikipedia.org)

Cống hiến lớn nhất của Thuần Vu Ý cho hậu thế là sáng tạo ra “Chẩn tịch” tức bệnh án khám bệnh ngày nay. Khi đã khổ luyện trở thành danh y nổi tiếng lượng bệnh nhân tới nhờ ông thăm khám càng ngày càng đông. Có những bệnh nhân đã từng thăm khám sau đó lại tái khám mà ông không thể nhớ rõ lúc đó đã chẩn đoán và kê đơn bốc thuốc như thế nào. Lại có những chứng bệnh nguy kịch khó chữa ông cũng từng khám và điều trị nhưng không lưu lại tới khi có bệnh nhân tương tự công việc bị trùng lặp nhiều lần vừa mất thời gian lại khó có thể tích lũy và tổng kết kinh nghiệm. Để càng có hiệu quả trong việc thăm khám và trị bệnh cho bệnh nhân ông bắt đầu hình thành thói quen ghi lại những chẩn đoán của mình, tình hình bệnh sử cũng như những gì liên quan tới bệnh nhân và lưu lại để tiện cho việc theo dõi trị bệnh. Ông lưu lại và đóng thành quyển gọi là “chẩn tịch”.

Qua”chẩn tịch” có thể thấy ở mặt chẩn đoán bệnh tình ông và danh y Biển Thước giống nhau, rất coi trọng “vọng sắc tức xem sắc mặt người bệnh và “thiết mạch” tức bắt mạch. Trong 25 trường hợp “chẩn tịch” được ông lưu lại có 10 trường hợp chỉ cần dựa vào bắt mạch mà có thể phán đoán sự sống chết của bệnh nhân. Đối với một số nguyên nhân tật bệnh nhận thức và phán đoán của ông khá chính xác ví như: bệnh sâu răng, ông cho là vì ‘ăn rồi không súc miệng’ mà sinh ra. Khi trị bệnh ông dùng thuốc thang, thuốc hoàn, thuốc tán, thuốc ngậm súc, thuốc ngâm rượu… Lại có các phương pháp châm, cứu, đắp lạnh….

Câu chuyện điển cố

Câu chuyện thứ 1:

Ở Lâm Tri có một cô gái tên Bộ Ngô mắc một chứng bệnh vô cùng kỳ lạ, bụng to như cái trống đi thăm khám ở mọi nơi các thầy thuốc đều nói cô bị hàn nhiệt nhưng không cách gì trị khỏi. Hết phương cứu chữa người nhà đi hỏi thăm và tìm tới nhờ Thuần Vu Ý. Khi thăm khám cho cô gái ông thấy bụng của bệnh nhân chướng to như cái trống, da vàng thô ráp, dùng tay ấn nhẹ vào bụng bệnh nhân cũng kêu đau đớn khó chịu.

Sau khi bắt mạch ông chẩn đoán cô bị “giun kim”, vì giun trong bụng quá nhiều kết lại thành cục mới sinh ra chướng bụng. Ông lại dùng một dúm cây nguyên hoa (là một loại cây bụi thường xanh và là một trong 50 thảo dược chính của Trung y) pha với nước đưa cho bệnh nhân uống. Bệnh nhân lập tức thấy dễ chịu và đi ngoài ra rất nhiều giun kim rồi hoàn toàn hồi phục chỉ trong 30 ngày.

.Câu chuyện thứ  2:

Lại một lần khác, Tề Bắc Vương cho mời ông đến xem mạch cho các thị nữ của vua. Khi khám đến một thị nữ có tên là Kiên, sắc mặt của Thuần Vu Ý bỗng trở nên đăm chiêu buồn bã, chờ cho thị nữ này đi ra ông nói với viên quan bên cạnh: “Tỳ tạng của cô gái này đã bị tổn thất nghiêm trọng. Căn cứ theo tình hình kinh mạch ta vừa thăm khám trễ lắm đến mùa xuân sang năm sẽ thổ huyết mà chết”. Viên quan nói với Tề Bắc Vương về những kết quả khám bệnh cho Bắc Vương nghe. Tề Bắc Vương nghe xong lập tức cho gọi thị nữ tới rồi quan sát kỹ khắp lượt thị nữ này. Nhìn bề ngoài và cảm thấy cô ta không có một hiện tượng gì chứng tỏ đang mắc bệnh nên ông không tin những gì Thuần Vu Ý đã chẩn đoán. Nhưng đâu có ngờ đến mùa xuân năm sau, quả nhiên cô thị nữ đó thổ huyết và chết.

Qua các câu chuyện trên có thể thấy y thuật của Thuần Vu Ý cao thâm tới mức nào. Và một điểm đáng trân trọng là tinh thần ‘thực sự cầu thị’ của ông khi thăm khám bệnh. Ông ghi chép trung thực các kết quả trị liệu, chẳng những ghi thuật những ca bệnh thành công mà cũng ghi thuật những ca bệnh thất bại. Trong 25 trường hợp còn lưu lại trong “Chẩn tịch” có 15 trường hợp thành công và 10 trường hợp thất bại. Hán Văn Đế từng hỏi Thuần Vu Ý: “Bệnh nhân đều có thể trị khỏi hết hay không?”. Ông thành thực trả lời: “Cũng có bệnh không khỏi, Ý tôi không thể biết trị hết các bệnh”. Thái độ nghiêm túc cẩn trọng của ông đến ngày nay vẫn đáng để người đời sau noi gương học hỏi.

Kiên Định dịch và T/H