Hiện nay, nhiều người khi bị đau mắt đỏ đã áp dụng bài thuốc xông lá trầu không để chữa bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo, phương pháp này tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe.

Chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không, cẩn thận rước họa vào thân
Ảnh minh họa.

Thời tiết diễn biến phức tạp, khiến một số địa phương xuất hiện bệnh đau mắt đỏ. Đây là bệnh rất dễ mắc và lây lan thành dịch trong cộng đồng. Đến nay, đau mắt đỏ chưa có vắc-xin phòng bệnh, cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ, vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Khi bị đau mắt đỏ, thay vì đi khám bác sĩ để được hướng dẫn và uống thuốc cho mau khỏi bệnh thì một số trường hợp đã tự ý chữa tại nhà bằng mẹo dân gian. Một trong số những mẹo chữa đau mắt đỏ mà người dân truyền tai nhau đó là xông mắt bằng lá trầu không.

Vậy lá trầu không có chữa được đau mắt đỏ?

Theo Đông y, lá trầu không có tác dụng chữa bệnh rất tốt trong các trường hợp viêm họng, cảm cúm, nhức đầu, sát trùng vết thương, chữa các bệnh viêm loét ngoài da…

Chính vì loại lá này vừa lành lại chữa được nhiều bệnh nên nhiều người khi bị đau mắt đỏ đã hái để xông chữa bệnh tại nhà. Khi xông, người bệnh có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nên lầm tưởng có tác dụng chữa đau mắt đỏ.

Tuy nhiên, bác sĩ Vũ Hồng Ngọc trao đổi với Zing cho biết, việc áp dụng phương pháp này có thể gây bỏng, trợt giác mạc, xuất huyết dưới kết mạc và sưng nề.

Chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không, cẩn thận rước họa vào thân
Chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không, cẩn thận rước họa vào thân

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo, mọi người không nên tự điều trị đau mắt đỏ bằng cách xông nước muối, lá dâu… Việc pha muối với nước không đúng tỷ lệ khi xông có thể làm bỏng mắt, xuất huyết.

Lời khuyên

Khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, mọi người cần tuân thủ:

– Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông. Lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại.

– Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

– Đeo kính mắt, tránh khói bụi.

– Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc.

– Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt.

– Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác.

– Không dụi mắt bằng tay.

– Rửa tay kỹ và thường xuyên với nước ấm trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt.

– Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9% (sáng, trưa, tối).

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng), kết mạc mi. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, lứa tuổi, dễ lây lan và phát triển thành dịch vào thời điểm xuân, hè, thu.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra.

Triệu chứng thường gặp là người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt. Mắt nhiều ghèn, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều ghèn dính chặt.

Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ do cương tụ mạch máu, đau nhức, nổi cộm, chảy nước mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn. Người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.

Dương Uyên