Em bé của bạn đã lớn lên. Bạn chắc chắn đã bắt đầu đa dạng hóa chế độ ăn uống. Nếu điều đó chưa được thực hiện, thì đừng chậm trễ nữa! Bác sĩ nhi khoa Alain Bocquet sẽ gợi ý cho bạn về cách cho bé ăn giai đoạn này.

Vào thời điểm này em bé của bạn nặng trung bình 7,3 kg. Chế độ ăn của bé ngày càng đa dạng hơn, đặc biệt là với việc khám phá thịt và cá.

1. Giới thiệu thực phẩm

Để tránh nguy cơ dị ứng thực phẩm, bạn nên bắt đầu đa dạng hóa chế độ ăn uống từ tháng thứ 4 – 6 cho trẻ. Sữa (sữa mẹ hoặc sữa cho trẻ sơ sinh giai đoạn 1) vẫn là thức ăn chủ yếu. Nếu bé bú sữa mẹ, bạn vẫn cho trẻ bú một cách thoải mái, nên giữ khoảng 4 lần cho bú mỗi ngày. Buổi trưa (có thể thêm lúc khoảng 16 giờ), bạn cho bé ăn thêm rau và trái cây nghiền.

Nên bắt đầu đa dạng oá chế độ ăn từ khi bé được 4 – 6 tháng tuổi. (Ảnh: Eva)
  • Nên cho trẻ ăn ngũ cốc không chứa gluten
  • Rau quả: Tất cả các loại thực vật có thể được đề xuất (đậu xanh, bí xanh, cà rốt …). Thay đổi hương vị mỗi ngày, tránh các loại rau giàu chất xơ hoặc hương vị quá rõ rệt (bắp cải, củ cải …)

2. Bữa ăn cho bé

a) Mới bắt đầu đa dạng hóa thức ăn cho bé

  • Bữa sáng: Bé bú mẹ hoặc bú một chai sữa trẻ sơ sinh giai đoạn 1 (210 ml) trộn với ngũ cốc không chứa gluten.
  • Bữa trưa: Rau củ nghiền (thay đổi mỗi ngày để giúp bé khám phá từng hương vị). Tốt nhất là hấp đồ ăn, sau đó trộn đều mà không cần thêm nước hoặc muối. Bạn sẽ bắt đầu khoảng với khoảng 100g, dần dần, bé có thể ăn tới 130g. Có thể kết hợp một muỗng cà phê dầu (tốt nhất là dầu hạt cải). Đây chỉ là mốc trung bình. Một số bé sẽ ăn nhiều hơn hoặc ít hơn.
  • Bữa xế (khoảng 16h): Bé bú mẹ hoặc một chai sữa trẻ sơ sinh giai đoạn 1 (210ml).
  • Bữa tối: Bé bú hoặc một chai sữa trẻ sơ sinh giai đoạn 1 (210ml) với ngũ cốc không chứa gluten.
  • Bạn hãy đợi bé thử làm quen với các loại rau trong vòng hai tuần, sau đó mới bắt đầu cho bé thử trái cây nghiền.

b) Nếu đã bắt đầu đa dạng hóa thức ăn cho bé lúc 4 – 5 tháng

  • Bữa sáng: Bé bú mẹ hoặc một chai sữa trẻ sơ sinh giai đoạn 2 (250 ml) với ngũ cốc không chứa gluten.
  • Bữa trưa: Súp rau hoặc củ nghiền 200g, không muối, thêm 10g protein động vật (thịt/cá /trứng được hấp và xay mịn)  mỗi ngày và tráng miệng bằng trái cây nghiền (khoảng 130 g).
  • Bữa xế: Bé bú mẹ hoặc một chai sữa trẻ sơ sinh giai đoạn 2 và trái cây nghiền.
  • Bữa tối: Bé bú mẹ hoặc một chai sữa giai đoạn 2 với ngũ cốc không chứa gluten.

3. Các thực phẩm nên hạn chế và không được ăn

Có thể cung cấp vitamin C cho trẻ bằng nước ép của trái họ Cam. (Ảnh: pixabay)
  • Nước ép trái cây: Bởi vì nước ép trái cây chứa nhiều đường. Bạn có thể bổ sung vitamin C cho bé bằng nước ép của trái cây họ cam, quýt.
  • Không cho bé ăn nội tạng động vật.
  • Chỉ cho bé ăn không quá 2 lần cá mỗi tuần.

4. Bổ sung vitamin D

Bạn vẫn tiếp tục bổ sung vitamin D cho em bé của bạn. Đừng quên cho bé tắm nắng dịu buổi sáng.

5. Cai sữa cho bé

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cho con bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi. Và tháng này, bạn đang nghĩ đến việc ngừng cho con bú? Bạn nên dành khoảng 15 ngày để cai sữa một cách nhẹ nhàng cho bé. Thay thế sữa mẹ dần dần bằng sữa công thức cho trẻ sơ sinh nếu bạn vừa bắt đầu đa dạng hóa chế độ ăn uống. Nếu con bạn đã có một bữa ăn đầy đủ (rau củ nghiền – thịt – món tráng miệng), thì nên cho bé uống sữa công thức giai đoạn 2. Trong những ngày đầu tiên, thay thế mỗi lần bú bằng một chai sữa. Từ ngày cai sữa 12 đến ngày thứ 15, thay 3 lần cho bú bằng 3 bình sữa.

Theo Doctissimo Bebes
Hồng Phúc biên dịch