Chính quyền Vũ Hán cho hay, họ đã loại trừ khả năng căn bệnh bí ẩn là SARS, MERS hay cúm gia cầm. Nhiều nước trong khu vực châu Á tăng cường phòng ngừa.

Tuổi Trẻ đăng tải, trong nhiều ngày, ông Li Bin, 42 tuổi, cảm thấy mệt mỏi với các triệu chứng giống cảm lạnh, sốt cao lên đến 38,8 – 40 độ C. Ông thắc mắc tại sao cảm hoài mà không có dấu hiệu thuyên giảm.

Sau 4 ngày, chịu hết nổi nên ông đến bệnh viện. Một bác sĩ thông báo ông mắc phải một dạng viêm phổi do virút và không giải thích gì thêm. Người ta cho ông nhập viện và chuyển đến một cơ sở cách ly chung với các bệnh nhân khác có cùng triệu chứng.

Ông Li là 1 trong 59 người ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc mắc phải căn bệnh lạ giống viêm phổi những ngày qua. Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được xác định.

Việc Chính phủ Trung Quốc thời đó cố ý che giấu thông tin dịch khi nó mới xuất hiện là lý do khiến thế giới bây giờ hết sức cảnh giác trước căn bệnh mới.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng chủ yếu của căn bệnh là sốt cao, trong đó một vài người bệnh gặp chứng khó thở và cả hai phổi bị tổn thương.

Ký ức về trận dịch SARS năm 2003 khiến nhiều người dân Hong Kong lo lắng (ảnh: REUTERS).

Sự việc bắt đầu nhận được sự chú ý từ cuối tháng 12 và làm dấy lên nhiều lo ngại về một nạn dịch SARS mới có thể bùng lên tại Trung Quốc. Từ tháng 11/2002 tới tháng 7/2003, đại dịch SARS đã ảnh hưởng tới 37 quốc gia trên toàn thế giới, với 8.000 người bị mắc bệnh và 774 người bị thiệt mạng.

Dù bản chất căn bệnh chưa tìm ra (cơ quan chức năng Trung Quốc đã loại trừ SARS), tuy loại virút này có những đặc điểm giống giai đoạn đầu của SARS, bao gồm các triệu chứng của bệnh cúm thông thường như sốt, khó thở, đau đầu…

16 bệnh nhân Hong Kong (có thông tin nói 21), tuổi từ 2 – 55, xuất hiện các triệu chứng của loại virút lạ sau vài ngày trở về từ thành phố Vũ Hán ở đại lục.

Dịch bệnh lạ xuất hiện khi chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, dịp mà cả trăm triệu người Trung Quốc chen chúc trên tàu, xe, máy bay để về quê, gây ra lo ngại bệnh sẽ lây lan nhanh chóng, mặc dù chưa có bằng chứng bệnh này lây từ người sang người.

Không phải SARS, vậy đâu là nguyên nhân?

Theo Ủy ban y tế Vũ Hán, vụ dịch đã bùng phát từ ngày 12 đến ngày 29/12/2019, với hầu hết bệnh nhân làm việc tại một chợ bán buôn hải sản.

Khu chợ này đã bị đóng cửa từ ngày 1/1 để khử trùng. Được biết, tại đây cũng đã bán các loại động vật sống khác như chim, thỏ và rắn, làm dấy lên mối lo ngại rằng virus có thể đã truyền từ động vật sang người.

David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về hô hấp tại Đại học Hồng Kông, cho biết rất có khả năng vụ dịch này là do một loại “virus viêm phổi siêu vi hoàn toàn mới”.

Cơ quan y tế Trung Quốc vẫn chưa xác định được căn bệnh viêm phổi đang hoành hành ở Vũ Hán (ảnh: CNN).

“Mối quan tâm bây giờ là liệu có phải những loài động vật được bán ở chợ là một trong những lý do cho sự bùng phát hay không”, ông David nói với CNN.

Theo David, nhiều mầm bệnh mới đã lây lan từ động vật sang người. Virus SARS đã được tìm thấy ở con cầy hương, một loài động vật hoang dã và là một món ngon ở các vùng miền nam Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên, trong khi virus MERS được tìm thấy ở lạc đà một bướu.

Các xét nghiệm ban đầu cho thấy “không có dấu hiệu lây từ người sang người”, và chưa nhân viên y tế nào bị lây bệnh, theo giới chức thành phố Vũ Hán. Ít nhất 163 người đã tiếp xúc ở cự ly gần với những người bị nhiễm đã được theo dõi y tế.

Các nước Châu Á tăng cường phòng ngừa

Theo CAND, dịch viêm phổi ở Vũ Hán đã khiến các nước châu Á phải tiến hành theo dõi chặt chẽ, đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa như đo thân nhiệt tại sân bay và yêu cầu thông báo về tình trạng sức khỏe của từng người.

Tại Hồng Kông, 21 người đã được phát hiện bị sốt hoặc có triệu chứng hô hấp sau khi trở về từ Vũ Hán, 7 người đã được xuất viện, và cho đến nay không ai trong số họ có liên quan đến dịch cúm viêm phổi ở Vũ Hán. Du khách đến từ Vũ Hán cũng đang được tiến hành đo thân nhiệt tại sân bay Hồng Kông.

Tại Singapore, du khách đến từ Trung Quốc cũng được yêu cầu đo thân nhiệt, theo Bộ Y tế. Các bác sĩ cũng đã tiến hành kiểm tra lại các trường hợp nghi ngờ bị viêm phổi sau khi trở về từ Vũ Hán trong thời gian gần đây.

Kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (ảnh: Tiền Phong).

Tại Hàn Quốc, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh quốc gia đã thành lập một đội chuyên trách kiểm dịch và cảnh báo du khách đến Vũ Hán không được chạm vào động vật hoang dã, gia cầm hoặc ghé thăm các khu chợ địa phương.

Đài Loan hôm 5/1 đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa bằng cách thông báo rộng rãi về các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi lạ Vũ Hán, theo truyền thông địa phương.

Tại Việt Nam, cục Y tế dự phòng chỉ đạo tăng cường việc giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng thông qua hệ thống giám sát thường xuyên và giám sát dựa vào sự kiện (EBS). Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh có về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Video xem thêm: Giám sát hành khách đến từ Vũ Hán, TQ do xuất hiện dịch bệnh lạ

videoinfo__video3.dkn.tv||5742be762__