Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, đã cấp cứu bé gái Trần Thanh N. (9 tháng tuổi, Hạ Long) trong tình trạng sốt cao khoảng 38,5 độ C, khó thở, thở nhanh, lừ đừ…

Theo Sức khỏe và Đời sống, kết quả thăm khám, bé N. bị suy hô hấp, niêm mạc nhợt, da tái, khó bắt mạch…

Bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán viêm cơ tim cấp và chỉ định điều trị tích cực an thần thở máy, dùng kháng sinh kết hợp, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm; catheter động mạch quay, IVIG, lọc máu liên tục cho bệnh nhân.

Sau 2 tuần điều trị tích cực, sức khỏe của bé Trần Thanh N. đã cải thiện, cai máy thở và hồi phục tốt, mạch, nhịp tim, huyết áp ổn định. Hiện bé đã xuất viện về nhà.

Tương tự trường hợp bé N., mới đây bệnh nhi Phạm Ngọc H. (9 tuổi) bị viêm cơ tim tối cấp được các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cứu sống. Bé nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc tim, viêm cơ tim, rối loạn dẫn truyền nhĩ – thất độ III. Trước nhập viện 3 ngày, bé có biểu hiện bất thường, nôn, kêu đau ngực, sau đó co giật.

Bác sĩ Trương Văn Thế – Khoa Hồi sức Cấp cứu cho biết, viêm cơ tim là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim do nhiễm khuẩn, do bệnh mô liên kết, do nhiễm độc hoặc không rõ nguyên nhân.

Bệnh phần lớn do các loại virus tấn công vào cơ tim. Viêm cơ tim ở trẻ em có tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị sớm và kịp thời. Bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp gây suy tim có diễn biến rất nhanh và không có dấu hiệu điển hình.

Ở trẻ em, các biểu hiện của viêm cơ tim thường không đặc trưng. Một vài dấu hiệu như mệt nhiều, không chịu chơi, nôn trớ, bỏ bú hoặc bú kém, khó thở và suy hô hấp. Do đó, nếu không có sự thăm khám một các toàn diện và không nghĩ đến viêm cơ tim thì dễ bỏ sót chẩn đoán và đưa ra quyết định điều trị không chính xác ngay từ đầu.

Các chuyên gia cảnh báo, khi trẻ có dấu hiệu bị ốm, đặc biệt mệt, ngủ nhiều, li bì, nôn nhiều hoặc ăn kém thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Phương Nam