Sau nhiều thập kỷ sử dụng kháng sinh với mục đích trị bệnh cho con người. Thì ngày nay, với việc sử dụng kháng sinh tràn lan, con người đang hủy hoại thiên nhiên theo cách không thể lường trước được. Nhiều dòng sông trên toàn thế giới đang bị ô nhiễm kháng sinh ở mức độ nghiêm trọng, theo một nghiên cứu toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học York, Anh phân tích mẫu nước từ các dòng sông thuộc 72 quốc gia. Họ phát hiện ⅔ dòng sông bị nhiễm kháng sinh.

Châu Á và Châu Phi có nhiều sông bị ô nhiễm ở mức độ nguy hiểm. Tồi tệ nhất là tại Bangladesh nơi một dòng sông có nồng độ Metronidazole cao gấp 300 lần mức an toàn. Nghiên cứu cho thấy các dòng sông ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ cũng gặp phải vấn đề tương tự, chứng minh đây là một vấn nạn toàn cầu.

Sông Thames, London, Anh bị nhiễm 5 loại kháng sinh. Trong đó có nồng độ ciprofloxacin cao. Đây là kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng da.

Các nhà khoa học e ngại kháng sinh vượt mức cho phép tại các sông ngòi sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển khả năng kháng thuốc. Liên Hiệp Quốc ước tính tình trạng kháng kháng sinh có thể khiến 10 triệu người thiệt mạng vào năm 2050.

“Nhiều gen kháng thuốc chúng tôi thấy tại các mầm bệnh trên người có nguồn gốc từ vi khuẩn ngoài môi trường”, giáo sư sinh thái học về vi khuẩn William Gaze nói với tờ The Guardian.

Thuốc kháng sinh đi vào dòng sông từ chất thải của con người và động vật, cũng như từ các nhà máy sản xuất thuốc và xử lý nước thải.

Giáo sư Alistair Boxall thuộc Hiệp hội hỗ trợ môi trường York cho rằng phát hiện “làm mở rộng tầm mắt và gây lo ngại”, chứng minh ô nhiễm kháng sinh tại các dòng sông “góp phần quan trọng” vào tình trạng kháng kháng sinh và “giải quyết vấn đề là một thách thức to lớn”.

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ làm gia tăng các chủng kháng thuốc, không những vậy, hiện nay đang làm cho môi trường sống trên trái đất trở nên tồi tệ hơn. Vậy chúng ta cần phải làm gì?

Đại Hải
Tham khảo: independent.co.uk/edition.cnn.com

Nguồn ảnh: Pixabay