Ngạt mũi là một tình trạng rất phổ biến trong mùa lạnh, nguyên nhân thường do cảm lạnh, cúm và dị ứng. Thuốc tây mới đầu có tác dụng trị ngạt mũi tốt nhưng có thể gây nhờn thuốc, về sau khiến ngạt mũi nặng hơn và nhiều tác dụng phụ khác, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, do vậy không nên dùng tùy tiện.

Dưới đây là các biện pháp trị ngạt mũi không dùng thuốc đơn giản nhưng hiệu quả không kém.

1. Hít hương dầu gió, dầu bạc hà

Đây là biện pháp chữa ngạt mũi đơn giản và thông dụng. Tuy nhiên không nên lạm dụng và không dùng cho trẻ em dưới 24 tháng, phụ nữ có thai và cho con bú.

Đối với trẻ nhỏ thì thoa tinh dầu vào lòng bàn chân mang lại những hiệu quả bất ngờ. Để giúp khí huyết của các bé lưu thông tốt hơn và cải thiện tình trạng ngạt mũi, mẹ có thể xoa và day nhẹ tinh dầu vào huyệt Dũng tuyền cho bé. Đồng thời, bạn cũng nên thoa một ít tinh dầu lên khu vực ngực và lưng.

Huyệt Dũng tuyền. (Ảnh: vivovn)

2. Làm sạch mũi và xông mũi bằng nước muối

Nếu bị ngạt mũi, hãy pha nước muối loãng và nhỏ vào mũi, như vậy sẽ giảm cảm giác ngạt. Hoặc bạn có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, để một lát rồi xì sạch nhầy ra, đường thở sẽ thông thoáng, dễ chịu.

Xông mũi bằng nước muối. (Ảnh: Alobacsi.com)

3. Xông hơi

Pha nước ấm với tinh dầu bạc hà, hoặc gừng giã nhỏ để xông hơi (có bồn tắm ngâm mình càng tốt). Xông hơi còn có tác dụng giúp cơ thể tiết ra các chất bẩn, lưu thông mạch máu, tinh thần sảng khoái, đẩy lùi bệnh tật. Bạn nên lưu ý nhiệt độ nước để tránh bị “bỏng” mũi.

Dùng khăn thấm nước nóng trước khi đi ngủ đặt ở hai tai hoặc trực tiếp lên mũi 10-15 phút sẽ làm dịu chứng ngạt mũi (do ở tai có nhiều dây thần kinh nhỏ xíu điều tiết máu ở mũi, gặp nóng huyết quản sẽ giãn ra và giúp thông lỗ mũi).

4. Xoa xát trán

Dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt lên vùng chân tóc ở trán thẳng với sống mũi. Sau đó vuốt mạnh từ điểm này thằng xuống hai đầu trong của cung lông mày. Làm như vậy khoảng 40 lần cho đến khi trán nóng lên là mũi sẽ được thông.

5. Ấn huyệt hợp cốc

Có một cách đơn giản khác để trị ngạt mũi cũng rất hiệu quả là dùng ngón tay cái của tay phải ấn mạnh vào huyệt hợp cốc (khe giữa 2 xương đốt bàn ngón cái và ngón trỏ ở mặt mu tay) trên bàn tay trái khoảng 3 phút. Sau đó chuyển bên.

Huyệt hợp cốc. (Ảnh: Soha.vn)

6. Ấn huyệt ấn đường, nghinh hương

Ngoài ra, bạn cũng có thể dử dụng ngón tay cái ấn mạnh vào huyệt ấn đường( nằm ở giữa hai đầu trong cung lông mày). Bạn ấn và đẩy mạnh huyệt này trong khoảng 3 phút, rồi thoa chút dầu. Tiếp đến, bạn dùng ngón trỏ ấn và day mạnh vào hai huyệt nghinh hương ở hai bên cánh mũi trong khoảng 3 phút, sau đó thoa dầu vào hai huyệt này. Thực hiện hết những động tác này nước mũi sẽ ngưng chảy ngay.

Huyệt Ấn đường. (Ảnh: Vietinfo)
Huyệt Nghinh hương

7. Trà nóng với hạt tiêu

Đây là bài thuốc được sử dụng rộng rãi để làm thông tắc mũi. Các flavonoid có trong trà đóng vai trò như các chất chống viêm. Khi bạn cho hạt tiêu vào trà, tác dụng sẽ mạnh hơn nhờ thành phần piperine trong hạt tiêu đen.

Trà nóng và hạt tiêu. (Ảnh: Daiichi.vn)

8. Đổi tư thế ngủ

Khi bị ngạt mũi, hãy gối cao hơn bình thường một chút, sao cho cổ và đầu bạn tạo thành góc 15 độ chênh với giường, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Nếu bị ngạt bên phải bạn nên nằm nghiêng trái và ngược lại.

Đổi tư thế ngủ chênh 15 độ với giường. (Ảnh: ELLE Man)

Lưu ý:

  • Tuyệt đối không nên dùng dầu gió, cao xoa, thuốc thoa có chứa tinh dầu trị ngạt mũi cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ cho con bú.
  • Đã có nhiều thông tin báo cáo trẻ sơ sinh bị ngộ độc vì mẹ dùng dầu gió xức và làm dầu dính trên mũi con. Menthol, camphor có thể gây kích ứng đường hô hấp trẻ sơ sinh.

Đại Hải