Từ xưa đến nay, bột sắn dây được nhân dân sử dụng rộng rãi pha nước uống với công dụng làm mát, giải nhiệt. Tuy nhiên, trong cộng đồng lại đang rỉ tai nhau về những tác hại mà bột sắn dây sở hữu. Thực hư chuyện này ra sao?

Theo Đông y, bột sắn dây có vị ngọt, tính hàn; có công dụng giải cơ thoái nhiệt, phát biểu thấu chẩn, sinh tân chỉ khát, thăng dương chỉ tả; chữa cảm sốt, nhức đầu, khát nước, mụn nhọt, tiêu chảy.

Tây y cho rằng bột sắn dây có tác dụng như hạ nhiệt, cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim, hạ đường huyết, điều hòa rối loạn lipid máu, hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim, giải độc, chống lão hóa và ung thư, dự phòng tích cực tình trạng nhiễm virut đường hô hấp…

Bột sắn có hại cho sức khỏe?

Thời gian gần đây, dư luận truyền tai nhau rằng: uống bột sắn có thể gây sỏi thận, ảnh hưởng đến dạ dày hay uống chung mật ong với sắn dây có thể gây chết người. Theo các chuyên gia, thành phần của bột sắn dây chủ yếu là tinh bột, không có quá nhiều chất kali, nên khả năng gây sạn thận là rất ít.

Bột sắn dây và mật ong không nằm trong nhóm tương kị nhau theo y học cổ truyền.

TS. Bác sĩ Trần Thị Thu Vân, Phó khoa Nội tiết Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Giảng viên Bộ môn Nội Y học cổ truyền, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo điện tử VTCNews rằng, sắn dây và mật ong đều là vị thuốc và cũng là thực phẩm. Cát căn và mật ong đều là vị thuốc không nằm trong những cấm kỵ khi phối ngũ (kết hợp) của thuốc y học cổ truyền. Nên nếu cùng dùng với nhau không sản sinh độc tính dẫn đến tử vong. Từ xưa đến nay trên phương diện này, chưa có tài liệu nào chứng minh sự kết hợp này có thể gây tử vong.

Một số tác dụng cụ thể

  • Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, khát nước, có mồ hôi, nóng ruột, nôn: Bột sắn 12g hòa đường uống; hoặc dùng cát căn 20g, đậu ván trắng sao 12g giã dập, sắc nước uống trong ngày.
  • Chống ngứa do mồ hôi (viêm da): Bột sắn dây 5g, Thiên hoa phấn 5g, Hoạt thạch 20g nghiền bột, trộn đều, rắc lên những nơi ẩm ngứa.
  • Vùng ngực bụng nóng cồn cào, khát nước: Bột sắn dây 120g, gạo tẻ 15g. Gạo tẻ ngâm nước một đêm, sáng mai nâu cháo cùng bột sắn dây.

Cách uống tốt nhất cho sức khỏe

    • Không nên uống quá nhiều, trừ những người bản chất nhiệt dùng theo chỉ định của bác sĩ, tốt nhất là nên uống chín (giảm bớt tính hàn của bột sắn dây). Uống 1 ly/ngày, có thể cho thêm một ít đường.
    • Ướp hoa bưởi vào sắn dây để nước uống được thơm hơn. Tuy nhiên, cách làm này sẽ giảm dược tính của bột sắn dây một cách đáng kể, hơn nữa sẽ làm bột tăng độ ẩm, dễ gây mốc.
Bột sắn dây ướp hoa bưởi dễ bị ẩm mốc. (Ảnh: Baokhanhhoa.vn)
  • Đối với trẻ em, bột sắn dây là một dạng tinh bột lọc ra từ cây sắn dây, vốn có tính hàn rất mạnh. Các bộ phận của trẻ em nhìn chung đang phát triển, hệ miễn dịch chưa đầy đủ nên nếu dùng sống sẽ dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy. Nếu cho trẻ ăn cần quấy chín bột sắn sẽ làm cho tính hàn giảm bớt; vừa dễ tiêu, vừa hấp thụ tốt hơn.
  • Đối với phụ nữ trong thai kỳ, nếu cơ thể nóng thì uống nước sắn dây là rất tốt. Nhưng nếu thấy người đang lạnh, cơ thể mệt mỏi có biểu hiện tụt huyết áp thì không nên uống. Trường hợp thai phụ có dấu hiệu bị động thai, mà do dạ con co bóp nhiều thì không được dùng bột sắn dây.
  • Người mà sợ lạnh thích ấm, hoặc uống bột sắn dây pha sống mà bị đại tiện lỏng thì không nên dùng do tính hàn lãnh của nó.

Cách nhận biết bột sắn dây thật

  • Bột sắn dây thật là loại bột hạt to, sắc cạnh, có màu trắng tinh khiết, có hương thơm tự nhiên đặc trưng của bột sắn dây, bột khô, không ẩm. Khi đưa lên miệng cắn, bột sắn dây thật giòn, tan nhanh trong miệng và thấy ấm nơi đầu lưỡi. Bột sắn dây sau khi tan ra lưỡi chúng ta sẽ cảm nhận được sự mềm mịn và không có hạt sạn nào cả.
  • Ngược lại, nếu là bột sắn dây giả, có lẫn nhiều tạp chất thì viên bột không sắc cạnh, hạt nhỏ, không có màu trắng tự nhiên, thường không có mùi thơm hoặc rất nặng mùi. Khi cắn thử thấy viên bột mềm.

Bạn nên mua hàng ở nơi có sự tin tưởng, hoặc mua rễ sắn dây còn nguyên về tự làm sẽ mang lại sản phẩm chất lượng hơn cho sức khỏe của bạn và gia đình.

Yến Dương