Sau 3 năm tạm lắng, hội chứng viêm da dày sừng đã tái phát và có 7 trường hợp bị mắc bệnh lạ ở Quảng Ngãi. Hiện ngành y tế đã vào cuộc khảo sát khu vực bùng phát để kiểm soát và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ngãi có 5 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Hầu hết các bệnh nhân đều có biểu hiện như trên bàn tay, bàn chân xuất hiện các vết sừng thâm tím, men gan của người bệnh tăng cao.

Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân xuất hiện ở một số huyện miền núi Quảng Ngãi từng gây hoang mang cho người dân địa phương với tên gọi “bệnh lạ” vì suốt thời gian dài ngành y tế không xác định được nguyên nhân gây bệnh.

Trước đó, theo thống kê của ngành Y tế Quảng Ngãi, từ năm 2011 – 2014, tại huyện Ba Tơ có 228 ca mắc hội chứng viêm da dày sừng, trong đó có 26 người đã tử vong.

benh viem da day sung nguy hiem nhu the nao

Triệu chứng

– Da xuất hiện mảng đỏ thẫm, thâm tím, ranh giới rõ với da lành, dày sừng nứt nẻ, bong vảy ở bàn tay, bàn chân…

– Đau rát tại vị trí thương tổn.

– Men gan (sGOT, sGPT) tăng.

Viêm da dày sừng nguy hiểm thế nào?

Ở mức độ nhẹ thì da xuất hiện mảng da đỏ thẫm, ranh giới rõ với da lành, dày sừng nứt nẻ, bong vảy ở bàn tay, bàn chân.

Các vết thương đau rát, men gan (sGOT, sGPT) trong máu tăng không quá 5 lần.

Ở mức độ nặng, bệnh nhân có các triệu chứng kèm như mệt mỏi, chán ăn, men gan (sGOT, sPOT) tăng trên 5 lần.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Bệnh nhân đều có chung triệu chứng dày sừng, nứt nẻ bàn tay, bàn chân. Họ có chỉ số men gan tăng, có người tăng 4 – 5 lần, nhưng cũng có bệnh nhân tăng tới 10 – 20 lần mức bình thường. Nhóm tuổi mắc bệnh xuất hiện nhiều ở nhóm 15 – 29 tuổi.

Ngoài ra, bệnh nhân còn bị củng mạc mắt vàng, tăng billirubin trong máu, xuất huyết, tỉ lệ Prothrombin máu giảm dưới 70%, hạ đường huyết, viêm màng não, hôn mê, co giật…

Nếu phát hiện sớm thì có thể chữa khỏi, tuy nhiên để lâu dẫn đến bị rối loạn chức năng tim, phổi, gan… gây suy đa phủ tạng, nhiễm trùng và không qua khỏi.

Đối tượng có nguy cơ mắc viêm da dày sừng

– Trẻ em.

– Người già.

– Phụ nữ có thai.

– Người mắc các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất…

Nguyên nhân gây bệnh

Cách đây 3 năm, Bộ Y tế đã kết luận nguyên nhân gây nên Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân do độc tố Aflatoxin có trong gạo ủ, gạo mốc người dân sử dụng.

Kết luận dựa trên khảo sát, 36,6% mẫu thóc và 10,7% mẫu gạo có độc tố nấm aflatoxin. 60,7% số người bệnh và 8,9% số người không mắc bệnh trong nhóm nghiên cứu có men gan cao gấp hai lần bình thường.

Trong khi đó, đại diện chính quyền địa phương, Viện Pasteur Nha Trang… không đồng tình kết luận này. Bởi thói quen sử dụng gạo ủ, gạo mốc đã có từ hàng trăm năm qua của người dân, nhiều gia đình sử dụng nhưng vì sao bệnh mới tái phát, lại có ở gia đình này lại không có ở gia đình khác…

Hiện, ngành Y tế đã thành lập đoàn công tác tổ chức khảo sát thực tế và tiến hành khử khuẩn khu vực bệnh nhân cư trú nhằm kiểm soát nguồn bệnh.

Đối với các bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, trong trường hợp bệnh nhân có chuyển biến nặng ngành Y tế Quảng Ngãi sẽ chuyển bệnh nhân lên viện tuyến trên để điều trị.

Phương Nam