Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim nhanh bất thường, thường gặp ở người lớn tuổi. Bệnh dễ làm hình thành cục máu đông gây đột quỵ, tăng huyết áp, suy tim, nguy cơ tử vong cao.

Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim rất thường gặp. Đây là một hình thái rối loạn nhịp tim nhanh. Bệnh có thể là nguyên nhân khoảng 5% các trường hợp đột quỵ, gây ra những biến chứng nặng nề, tàn phế suốt đời thậm chí tử vong.

Bệnh rung nhĩ và biến chứng đột quỵ, suy tim gây tử vong
Những người bị bệnh rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4-6 lần so với người bình thường.

Trao đổi với Vnexpress, bác sỹ Nguyễn Quang Bình, khoa Tim mạch bệnh viện Trưng Vương TP HCM cho biết, rung nhĩ là bệnh phổ biến hiện nay. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và gây những biến chứng như tăng huyết áp, bệnh van tim, cơ tim, động mạch vành và suy tim.

Theo ghi nhận của bác sỹ, người trên 70 tuổi chiếm 30% nguy cơ bị rung nhĩ, còn bệnh nhân suy tim độ 4 thì mối nguy đến 50%.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người bị bệnh rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 4-6 lần so với người không rung nhĩ, còn nguy cơ tử vong tăng gấp hai lần.

Bệnh rung nhĩ là gì?

Bác sỹ Bình lý giải, ở cơ thể khỏe mạnh, nhịp tim ổn định khoảng 60 – 80 nhịp/phút. Khi xuất hiện tình trạng rối loạn nhịp tim, trong đó buồng nhĩ đập không đều và hỗn loạn, không đồng bộ với nhịp đập của hai buồng thất gọi là rung nhĩ. Rung tâm nhĩ rất nguy hiểm bởi làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim.

Bệnh nhân bị rung nhĩ thường hình thành cục máu đông trong tim. Cục máu đông này có thể trôi theo dòng máu lên não gây đột quỵ. Do đó bác sỹ thường cho bệnh nhân dùng thuốc kháng đông để ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tắc tĩnh mạch ở chân hay tắc tĩnh mạch phổi.

Dấu hiệu cảnh báo không rõ ràng

Ở nhiều người, rung nhĩ không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Triệu chứng thường gặp nhất là biểu hiện đánh trống ngực do tim đập nhanh và không đều.

Bệnh nhân có cảm giác đau ngực và cảm giác ngộp thở. Trong một số trường hợp nếu nhịp tim quá nhanh sẽ gây triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, thậm chí ngất xỉu.

Bệnh nhân có cảm giác đau ngực và cảm giác ngộp thở. (Ảnh: Hello Bacsi)

Khi có yếu tố nghi ngờ hoặc có những biểu hiện hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, đau ngực, chóng mặt, vã mồ hôi, các bác sỹ sẽ chỉ định bệnh nhân được làm điện tâm đồ.

Dựa vào lâm sàng tiến triển của rung nhĩ, chia làm các thể lâm sàng:

  • Cơn rung nhĩ kịch phát: rung nhĩ kéo dài ≤ 7 ngày, cơn tự chuyển về nhịp xoang (nhịp của người bình thường).
  • Rung nhĩ bền bỉ: rung nhĩ kéo dài > 7 ngày phải dùng các biện pháp chuyển nhịp can thiệp mới có thể cắt được rung nhĩ.
  • Rung nhĩ mạn tính: Kéo dài hơn một năm và không thể cố gắng chuyển nhịp được bằng các biện pháp can thiệp.

Phương Nam