Được biết đến là bậc thiên tài kiệt xuất của nền Y học cổ truyền Việt Nam, tấm gương sáng để lớp lớp thầy thuốc noi theo về y đức, y đạo, y thuật, đó là đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Hải Thượng Lãn Ông (1720 – 1791) là biệt hiệu của Lê Hữu Trác, một thầy thuốc nổi tiếng, tinh thông y học, dịch lý, văn chương. Ông người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Xuất thân trong gia đình khoa bảng, từ nhỏ Lê Hữu Trác nổi tiếng thông minh, học giỏi hiểu rộng, thơ hay từ nhỏ. (Ảnh: Pinterest.com)

Xuất thân trong gia đình khoa bảng, Lê Hữu Trác nổi tiếng thông minh, học giỏi từ nhỏ. Ông từng tham gia quân ngũ và không may bị mắc bệnh chạy chữa tới hai năm không khỏi. Sau nhờ lương y Trần Độc chữa chạy hơn một năm mới hết. Đây cũng là người đã truyền cho ông y thuật để tự hành thiện giúp đời. Qua gần 40 năm làm nghề Lê Hữu Trác đã tổng kết tinh hoa y học của Trung Quốc và Việt Nam, biên soạn các bộ sách nổi tiếng gồm “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 cuốn, Mộng trung giác đậu

Đối với Hải Thượng Lãn Ông, bệnh đậu mùa là một nỗi ám ảnh khôn cùng, đeo đẳng suốt cả cuộc đời của ông như bóng với hình. Trong trước tác ‘Hải Thượng y tông tâm lĩnh‘ gồm 66 cuốn thì có đến 10 cuốn ông viết về căn bệnh này. Đây là căn bệnh đã giết chết đứa con trai lên 5 tuổi và người học trò thân thiết của ông. 

Trong thời gian chữa bệnh ông được danh y Trần Độc truyền nghề (Ảnh: sohu.com)

Đậu mùa – nỗi ám ảnh cả cuộc đời của ‘ông già lười Hải Thượng’

Đậu mùa là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút đậu mùa (Variola virus) gây nên, lây chủ yếu qua đường hô hấp. Lâm sàng bệnh có hội chứng nhiễm khuẩn- nhiễm độc toàn thân nặng, ban từ dát sẩn đến phỏng nước và hoá mủ, để lại sẹo vĩnh viễn.

Đối với Hải Thượng Lãn Ông, bệnh đậu mùa là một nỗi ám ảnh khôn cùng, (Ảnh: timetoast.com)

Cũng bởi căn bệnh quái ác đã cướp đi những người Hải Thượng Lãn Ông yêu quý nhất, nên ông rất chuyên tâm tìm hiểu về bệnh. Khó có một tác giả nào có những nghiên cứu lâm sàng về đậu mùa kỹ càng như ông. Trong ‘Hải Thượng y tông tâm lĩnh‘ ông có viết về cách chữa trị đậu mùa: “Gặp khi có dịch đậu nghiêm trọng thì cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, cha mẹ lấy ngón tay giữa nhúng dầu mè mà xoa xát vào đầu, trán, gáy, lưng, eo lưng, hai cổ tay chân của trẻ rồi cho trẻ đi ngủ.” (Lê Hữu Trác 1993, tập 3: 380).

Không chỉ giỏi về y thuật, y đức của Hải Thượng Lãn Ông cũng là tấm gương sáng để người đời noi theo. Ông nói:

‘Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công’

Suốt đời Hải Thượng Lãn Ông tận tụy với người bệnh, không quản đêm hôm mưa gió, đường sá xa xôi cách trở hay khi bản thân đang mệt mỏi, ốm đau… ông đều đến tận nơi, xem bệnh cụ thể rồi mới cho thuốc. Ông tôn trọng nhân cách của người bệnh và luôn nghiêm khắc với bản thân mình, giữ tâm hồn luôn trong sáng: “Khi thăm người bệnh phụ nữ hoặc ni cô, gái góa phải có người khác bên cạnh để ngăn ngừa sự ngờ vực. Dù đến hạng người buôn son, bán phấn cũng phải giữ cho lòng người ngay thẳng, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt, chớt nhả mà mang tiếng bất chính và chuốc lấy tà dâm”. Câu chuyện dưới đây của ông chính là minh chứng cho điều đó.

Câu chuyện y đức sáng ngời của danh y

Vào một ngày hè nóng bức ngột ngạt, Lãn Ông đang ở nhà thì có người thuyền chài hớt hải chạy đến xin ông đi thăm bệnh cho con gái 13 tuổi. Lúc đó bé mới bị sốt, vì đang cảm mạo nặng nên nhức đầu đau mình, không ra mồ hôi, rất sợ nóng sợ lạnh, mũi ngạt tiếng nặng, lại thêm ho và khát nước, đại tiện thì táo kết còn tiểu tiện thì đỏ sẻn, có khi còn mê man, nói nhảm.

Phút vị kỷ của vị danh y

Ban đầu Lãn Ông không nghĩ bệnh nhân bị đậu mùa, thấy bé sức vóc đen gầy nên điều thuốc có tác dụng phát tán để mau hết sốt nhưng không đỡ. Ông lại dùng thuốc thanh nhiệt nhưng bệnh nhân vẫn không có tiến triển. Dù có dùng thuốc mạnh hơn, bệnh chưa đỡ hẳn nhưng tinh thần hơi tỉnh, các chứng phiền khát khỏi dần. Có điều khi hết thuốc bệnh lại như cũ, lúc đó bệnh nhân đã bị sốt tới 6 ngày.

Lãn Ông nghe người nhà bệnh nhân báo tin, đích thân đến xem mạch cho bệnh nhân. Tới nơi ông thấy tai, xương cùng và ngón tay giữa của bé gái đều lạnh, mạch chậm và yếu. Ông nghĩ với chứng đậu mùa thì từ lúc phát nóng đến khi mưng mủ, mạch đập rất dồn dập mới phải, nhưng với trường hợp này thì do huyết nóng, độc thịnh quá, nên mạch mới yếu dần.

Danh y không quản ngại khó khăn tới nhà thuyền chài thăm khám cho con gái anh ta (Ảnh: ydvn.vn)

Lãn Ông liền cho bé uống bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt thải độc. Đến tối ông lại xem, khi soi đèn thấy đậu mọc lờ mờ trong da, khắp mình tấy đỏ, lúc đó đứa bé lại sinh thêm chứng trướng đau bụng, đánh rắm rất thối. Ông biết là có phân còn đọng lại trong người và độc cũng tắc lại, liền dùng phương thuốc trước và cho thêm vị Đại hoàng để giảm bớt các chứng.

Sáng sớm hôm sau, ông tiếp tục đến thăm, thấy trên trán người bệnh có những vết đỏ như son, khắp mặt và toàn thân đã mọc đầy các nốt đậu, nhai nuốt rất khó khăn, có cảm giác đau vướng ở cổ họng, thân mình nóng rát như lửa, mặt hơi sưng. Tới khi đó ông nhận ra đó là các chứng của bệnh đậu mùa, không thể chữa trị dứt điểm trong ngày một ngày hai.

Bấy giờ đang giữa mùa hè oi bức nóng nực, nhà bệnh nhân lại ở ngay trên thuyền, bao nhiêu mùi tanh thối từ các nốt đậu trên người bốc lên nồng nặc, gió thổi xộc vào mũi khiến Hải Thượng Lãn Ông cảm thấy nôn nao không chịu được. Vì vậy, ông không muốn tiếp tục chữa trị cho bệnh nhân. Ông nói với gia chủ bệnh tình đã rất nguy hiểm, mình không trị được, người nhà nên mời thầy khác rồi ra về.

Dẫu do ngoại cảnh tác động, tuy nhiên cách hành xử khi đó của ông thật không phải chút nào, càng không hợp với địa vị của một lang y luôn quan niệm nghề thuốc là nhân thuật. Tuy nhiên, chúng ta không có cơ hội trách móc ông lâu, vì những diễn biến tiếp theo đã chứng minh sinh động đó là người thật tâm đặt lợi ích của bệnh nhân trên tất cả.

Cứu người dốc hết thành tâm

Tối hôm ấy, cha mẹ bệnh nhân đem trầu cau cùng 5 quan tiền đến nhà Lãn Ông, sụp lạy và nói: “Không may cháu bị chứng quá nặng, cảnh nhà nghèo đói, không lấy gì mời thầy khác được, xin ông thương tình, cứu cho cháu sống, rồi sau xin cho cháu làm tôi đòi để đền ơn sâu nghĩa nặng. Hôm nay bán được cái chài, sửa chút lễ mọn để tỏ lòng thành, không dám nói gì đến trả tiền thuốc”.

Lãn Ông đáp: “Tôi không phải vì bác nghèo mà không chữa, chỉ vì sức không chịu được nóng nực, lễ vật này nên mang về để làm lễ mời thầy khác”. Cha đứa bé thấy ông ráo riết cự tuyệt, liền nói: “Từ trước đến nay, sống chết vẫn trông cậy ở tay ông, nếu ông không hạ cố chữa cho, nhà quá túng thiếu thế này, đâu dám mời thầy thuốc khác. Đành đợi chết thôi”.

Vợ chồng họ ứa nước mắt vái chào rồi đi. Cảnh tượng đó khiến Lê Hữu Trác vô cùng cảm động. Ông nghĩ, thầy thuốc đời nay chỉ là của kẻ giàu sang, nếu thấy kẻ rách rưới không muốn đếm xỉa thì đâu còn là y đức của người làm nghề. Vả lại làm thuốc là nhân thuật, chỉ nghĩ sao cứu sống được người, nếu mất chút thời giờ mà bệnh nhân được sống thì tuy mất mà cũng là được. Nhà bệnh nhân kia đang tìm cái sống ở trong chỗ chết, mà trông cậy vào thầy thuốc, nay mình lại dễ làm khó bỏ, thì mang danh để làm gì?

Thấy bệnh nhân nghèo, ông không những không nhận tiền thuốc mà còn giúp đỡ họ những nhu yếu phẩm hằng ngày (Ảnh: baophapluat.vn)

Suy nghĩ hồi lâu ông liền sai gia đồng chạy theo gấp, gọi vợ chồng ấy lại và bảo: “Không phải tôi khinh bác nghèo mà không giúp đỡ, chỉ vì sức không chịu nổi khó nhọc, trước bác còn có ăn có mặc, tôi không chữa thì có người khác, nhưng nay bác ở vào tình cảnh bần cùng này, tất họ không chữa cho đâu. Tôi sẽ hết sức hết lòng cứu chữa, bệnh cháu mười phần chết tám, nay tôi không tiếc thuốc men, không nề vất vả, may ra muôn phần có kéo lại được một cũng là nhờ âm đức của nhà bác. Số tiền bác đem đến hãy cầm về mua gạo củi”. Từ đó, ông quyết chữa cho bé gái tới khi khỏi hẳn.

Quá trình điều trị ròng rã suốt 1 tháng 4 ngày. Lãn Ông chữa bệnh ngày đêm, không dám lơ là, mỗi khi bệnh có biểu hiện khác trước, hoặc giảm chứng này hoặc tăng chứng kia, ông đều nắm rõ để đưa ra liệu trình chữa trị cần thiết. Có khi ông phải tự tay khêu nốt đậu để nặn mủ và nhân độc ra.

Mặt khác, do nóng bức quá nên mỗi khi tới thăm bệnh, ông đều phải trút bỏ áo ngoài, để ở trên bờ rồi trần mình mà vào; sau đó, lấy bông nhét vào mũi, nín hơi như là chài lặn ở trong nước, thăm khám một mạch rồi ra ngay. Lúc đi ra, khắp người mồ hôi nhễ nhại, về đến nhà phải xông tắm mới ăn uống được.

Không những thế, vì nhà bệnh nhân nghèo khổ, túng thiếu nên ông còn mang cho gia đình bệnh nhân cả gạo, củi, dầu, đèn. Thuốc men thì ông không kể, tất cả đều chu cấp miễn phí cho bệnh nhân.

Hải Thượng Lãn Ông quả xứng là danh y tiêu biểu cho nền y học nước ta. Ông không những y thuật cao siêu mà y đức cũng rộng lớn bao la, có thể bao bọc, san sẻ với mọi bệnh nhân, mọi hoàn cảnh tật bệnh mà ông gặp phải. “Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng” là một phẩm chất đáng yêu đáng quý nơi danh y nổi tiếng đất Việt, càng góp phần khiến danh thơm của ông còn mãi với muôn đời.

Kiên Định