Ngày 19/6, bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nữ Đ.T.A (11 tuổi, Ninh Bình) đến khám và khắc phục tình trạng sẹo xấu do tiêm thuốc điều trị sẹo lồi ở một thẩm mỹ viện tại Hà Nội.

Theo Dân Trí, bệnh nhân bị mắc bệnh thủy đậu từ tháng 1/2017, sau đó xuất hiện sẹo lồi.

Lo sợ sẹo lồi gây mất thẩm mỹ, đến tháng 11/2017, gia đình đã đưa bé đi chữa tại một thẩm mỹ viện ở Hà Nội. Tuy nhiên, gia đình không rõ loại thuốc tiêm, cũng như liều lượng tiêm vào cơ thể bệnh nhi là bao nhiêu.

Bé gái Ninh Bình bị sẹo lõm sâu sau tiêm thuốc xóa sẹo tại một thẩm mỹ viện ở Hà Nội
(Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Sau khi tiêm 2 tháng, sẹo lồi không biến mất mà tại các vùng tiêm có hiện lượng lõm sâu xuống. Theo dõi một thời gian, thấy vết lõm sâu có nhiều mạch máu, tạo thành sẹo xấu, gia đình đưa con đến bệnh viện Da liễu Trung ương khám.

Trao đổi với Sức Khỏe & Đời Sống, bác sĩ Vũ Hồng Luyến, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh nhân có 4 tổn thương lõm sâu, teo tổ chức mô mềm dưới da, kích thước lớn.

Bác sĩ Luyến chẩn đoán, bệnh nhân bị biến chứng teo tổ chức dưới da do tiêm sẹo lồi tại chỗ.

ThS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc cho biết, thuốc thường dùng để tiêm nội tổn thương điều trị sẹo lồi là triamcinolon – một loại corticoid, thuộc nhóm thuốc độc bảng B, có tác dụng chậm, kéo dài.

Thuốc này sẽ gây ra teo da, cơ tại chỗ tiêm nếu không dùng đúng chỉ định hoặc tiêm không đúng kỹ thuật.

Ngoài ra, thuốc cũng có các tác dụng phụ khác như giãn mạch, mọc nhiều lông, mọc trứng cá, yếu cơ… Thậm chí, thuốc này còn gây hội chứng Cushing, teo tuyến thượng thận, tăng nguy cơ đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa…

Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo, người bệnh nếu lựa chọn hình thức điều trị sẹo lồi bằng tiêm thuốc nội tổn thương, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và được theo dõi chặt chẽ.

Lan Phương