Thời tiết oi bức nóng nực vào mùa hè khiến bạn dù đang ngồi trong phòng điều hòa cũng thấy khó chịu. Lúc này, cơ thể dễ bị mất nước mà sinh ra cảm giác mệt mỏi. Do đó, các phương pháp bổ sung lượng nước đầy đủ cho thân thể đang được nhiều người tìm đến.

Thời điểm nắng nóng, cơ thể dễ bị mất nước nhiều. Uống các loại nước hoặc canh dưỡng sinh là một cách tốt nhất để bổ sung. Trong mắt nhiều người, đây là ưu tiên hàng đầu và làm dịu cơn khát. Vậy những loại canh và nước giải khát nào có thể vừa tăng cường sức khỏe lại tiêu tan bức nhiệt?

Trời oi bức, con người dễ cảm thấy uể oải, nhất là với người già, trẻ em và hậu quả là biếng ăn. Vậy, ăn gì cho mát, uống gì để giải nhiệt luôn được nhiều người quan tâm. Một trong những cách chữa bệnh của Y học cổ truyền là “Ẩm thực liệu pháp”, tức là dùng thực phẩm để điều chỉnh cân bằng âm dương, cân bằng tạng phủ. Đó là những loại thực phẩm phù hợp với cơ thể theo từng mùa, thích ứng với khí hậu, thời tiết. Dưới đây là những món ăn bài thuốc vừa dưỡng sinh lại có thể hỗ trợ loại bỏ cơn nóng hiệu quả.

1. Chè đậu xanh

Đậu xanh được sử dụng làm thực phẩm cũng là vị thuốc quý thường dùng trong Y học cổ truyền. Theo Đông y, đậu xanh vị ngọt, hơi lạnh, tính mát, vỏ có vị ngọt, tính mát không độc. Có công dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền nhiệt, bớt đau sưng, ích khí lực, điều hoà ngũ tạng, nấu ăn thì bổ mát và trừ được các bệnh nhiệt.

Đậu xanh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim do hàm lượng flavonoid khá cao. Flavonoid là chất chống oxy hóa polyphenol thường được tìm thấy trong trái cây và rau quả. Chúng có khả năng chống oxy hóa kèm theo đặc tính chống viêm nhất định. Qua quá trình thử nghiệm, các nhà khoa học cho biết đậu xanh giúp chống huyết khối, ngăn ngừa cục máu đông trong động mạch và tĩnh mạch.

2. Trà hoa cúc, long nhãn

Ảnh: yinshiweb.com

Hoa cúc và long nhãn kết hợp không những giúp giải khát, hạ hỏa, thanh nhiệt mà loại nước mát này còn giúp an thần, làm dịu căng thẳng. Đây là thức uống có thể khắc phục chứng mất ngủ, giúp ngừa mụn, trị đau họng hiệu quả. Theo Đông y, Long nhãn nhục có vị cam, tính ôn; vào 2 kinh Tâm và Tỳ. Có tác dụng bổ ích Tâm Tỳ, dưỡng huyết an thần. Chủ trị trống ngực hồi hộp, tim loạn nhịp (kinh quý chính xung); mất ngủ hay quên (thất miên kiện vong), kém ăn mệt mỏi (thực thiểu thể quyện), đại tiện ra máu, phụ nữ băng lậu (tiện huyết băng lậu).

Theo Đông y, hoa cúc vị ngọt, cay, vào 3 kinh Phế, Can, Thận; có tác dụng dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục, giáng hoả. Cúc trắng vị ngọt nhiều hơn đắng, tính hơi hàn, thiên về Phế khí. Cúc vàng vị cay đắng nhiều hơn ngọt, tính hơi ôn, thiên về Can nhiệt.

3. Chè Ngân nhĩ, Bách hợp

Nước Ngân nhĩ và hoa bách hợp có tác dụng tư âm, nhuận Phế, dưỡng nhan và làm ấm Vị. Sử dụng lâu dài có thể đạt được hiệu quả điều dưỡng các tạng phủ Phế, Tỳ và Thận.

Theo sách thuốc cổ, Ngân nhĩ vị ngọt, tính bình, có công dụng tư âm nhuận phế, dưỡng vị sinh tân, thích hợp cho người suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, mắc các chứng bệnh đường hô hấp, tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não… có hội chứng âm hư nội nhiệt biểu hiện bằng các triệu chứng như người gầy, miệng khô họng khát, đầu choáng mắt hoa, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực bối rối không yên, hay ra mồ hôi trộm, ngủ kém dễ mộng mị, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ…

Theo Đông y, Bách hợp có vị ngọt nhạt, tính mát, có công năng dưỡng âm nhuận phế, thanh tâm, an thần, giải độc, nhuận tràng, lợi đại tiểu tiện,… Thường dùng làm thuốc bổ, chữa ho, ho khan hoặc ho có đờm quánh, viêm phế quản, thần kinh suy nhược, mất ngủ,… Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc bột.

4. Canh rong biển bí đao

(Ảnh: afamily.vn )

Canh rong biển bí đao là món ăn hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Rong biển có thể làm tăng canxi và giảm natri, rất tốt cho việc bài tiết cholesterol. Bí đao có thể thanh nhiệt giảm nóng.

Canh rong biển bí đao là món ăn chay khá ngon, nên ăn ngày một lần. Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu. Thích hợp với người bệnh cao huyết áp, bị thấp nhiệt ngăn trở bên trong, thượng kháng lên đầu dẫn tới các chứng nhức đầu, choáng váng, bứt rứt, mất ngủ, đắng miệng, khô họng, ăn kém, tiểu gắt.

5. Nước gạo lứt

Theo Đông y, gạo lứt có tên gọi là thao mễ hay hạt sắc chi mễ, vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết nhuận tràng, thường được dùng nấu cơm, rang chín hãm hoặc sắc lấy nước uống thay trà hàng ngày. Gạo lứt là loại gạo nguyên cám, nghĩa là chỉ xay đi phần vỏ trấu, còn vẫn giữ nguyên mầm và 7 lớp cám bao bên ngoài hạt. Lớp cám này chứa rất nhiều dưỡng chất, vitamin và các nguyên tố vi lượng giúp kích thích sữa mẹ nhiều hơn. Các nghiên cứu cho thấy, trong gạo lứt chứa hàm lượng đạm lên đến 30%, chứa lượng vitamin B1 nhiều hơn 4 lần, chất dầu béo gấp 3 – 5 lần và có axit pantothenic cao hơn 4 lần so với gạo trắng thông thường.

6. Canh củ cải

Canh củ cải là lựa chọn hàng đầu bồi bổ sức khỏe mùa đông, dùng vào mùa hè cũng mang lại nhiều lợi ích. Người ta thường nói, “ăn nhiều củ cải sẽ uống ít thuốc hơn” vì củ cải có chức năng hành khí mạnh mẽ, ngoài ra còn có các tác dụng như giảm ho, tiêu đờm, thanh nhiệt và giải độc.

7. Canh mướp

(Ảnh: giadinh.net.vn)

Theo Đông y, mướp có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng điều kinh, chỉ đới, bình can tức phong, thanh nhiệt, nhuận da, thông kinh lạc, thông đại tiểu tiện, hành huyết mạch. Mướp già đốt tồn tính, dùng làm thuốc có thể khử phong, hóa đờm, lương huyết, giải độc, sát khuẩn, thông kinh lạc, thông sữa. Theo”Lục xuyên bản thảo” mướp sinh tân chỉ khát, giải nhiệt trừ phiền, làm nhuận da, trị chứng khát bệnh nhiệt, trị thân nhiệt phiền táo.

Y dược học hiện đại phát hiện quả, lá, dây của cây mướp đều có thể chữa bệnh. Từ mướp có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, đồ uống giải khát và chữa bệnh. Trong quả mướp có chứa nhiều nước, protid, lipid, glucid, cenlulose, canxi, photpho, sắt, beta-caroten, vitamin B1, B6, B2, C… Ngoài ra, đây là thảo dược làm đẹp tự nhiên hỗ trợ loại bỏ tàn nhang, làm trắng và giảm nếp nhăn. Thường xuyên ăn hoặc lấy nước mướp rửa mặt có thể làm cho làn da mịn màng và sáng bóng. Đây là thực phẩm có khả năng chống nhăn, chống viêm, ngăn ngừa và loại bỏ mụn trứng cá, melanin hiệu quả.

8. Canh bí đao

(Ảnh: cookpad.com)

Theo các y thư cổ, bí đao còn có nhiều tên khác: Bạch qua (dưa trắng), thủy chi (Thần nông bản thảo), địa chi (quảng nhã…). Về tính năng, công dụng tập hợp từ nhiều sách cổ cho thấy: Bí đao vị ngọt, tính hàn, vào các kinh Phế, Vị, Bàng quang, Tiểu tràng, không có độc tính. Có tác dụng rõ rệt kiện tỳ, ích khí, tiêu thủy. Dùng thời gian dài có thể tiêu trừ nước thừa trong cơ thể, giảm cân chống béo phì. Thực phẩm thích hợp cho người bị khí hư, tỳ hư, béo, phù thũng cục bộ hoặc toàn thân. Bí đao đã được ghi trong những phương thuốc bí truyền làm đẹp của mỹ nhân.

Uống canh vào thời gian nào và bao nhiêu thì đủ?

Người Trung Quốc có câu: “Uống canh trước khi ăn còn hơn phương thuốc hay“. Tại sao lại như vậy? Khi ăn, thức ăn đi qua miệng, cổ họng và thực quản và cuối cùng đến dạ dày. Nó giống như một đường giao thông. Uống canh trước khi ăn tương đương với việc dọn sạch lối đi để thức ăn cứng có thể đi qua mà không kích thích niêm mạc của đường tiêu hóa. Thời gian uống canh tốt nhất khoảng 20 phút trước bữa ăn, và có thể dùng một lượng vừa đủ trong bữa.

Mặc dù uống canh trước bữa ăn tốt cho sức khỏe, nhưng không có nghĩa uống càng nhiều thì càng tốt. Nói chung bữa sáng có thể uống nhiều hơn một chú, vì qua một đêm ngủ dài cơ thể mất nước nhiều hơn. Trước khi ăn trưa nên uống nửa bát canh là phù hợp, buổi tối nên hạn chế bởi sẽ gây tiểu nhiều ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Tham khảo Secretchina