Đổ mồ hôi là một hiện tượng sinh lý bình thường, tuy nhiên khi cơ thể có điều bất ổn thì cũng sẽ quan sát thấy những biểu hiện bất thường. Giống như Đông y giảng, khi âm dương trong cơ thể mất cân bằng, thì cơ thể sẽ bài tiết mồ hôi một cách bất thường.

Nhiệt độ bên ngoài quá cao sẽ khiến chúng ta ra mồ hôi, tinh thần hồi hộp, hoặc đau đớn cũng gây kích thích ra mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân. Đổ mồ hôi có thể giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ, loại bỏ những chất thải trong cơ thể, điều hòa cân bằng âm dương.

Nhìn chung, người bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim sung huyết, tai biến mạch máu não, u, lao cũng sẽ gây bài tiết mồ hôi bất thường. Khi bệnh được khống chế, thì vấn đề mồ hôi tự nhiên sẽ được giải quyết.

Đối với người ra mồ hôi bất thường mà không có bệnh trạng rõ ràng, cũng cần chú ý theo dõi biểu hiện của cơ thể nhằm sớm dự phòng bệnh. Từ thời gian, vị trí, mùi mồ hôi, chúng ta có thể phán đoán được phần nào tình trạng sức khỏe của cơ thể.

1. Suốt ngày ra mồ hôi

Cho dù là mùa đông hay mùa hè, dù ban ngày không hoạt động hay hoạt động ít, thì vẫn ra mồ hôi không ngừng. Những người này thường có thân thể suy yếu, tiếng nói khá trầm, kém ngon miệng, dễ bị cảm, Đông Y coi đây là biểu hiện của khí hư.

Người bị chứng khí hư ra nhiều mồ hôi, có thể ăn củ mài, đậu nành, thịt dê bò, đồng thời có thể dùng đảng sâm hoặc hoàng kì đun với gà hoặc xương cừu, có tác dụng bồi bổ cơ thể, hóa giải khí hư. Phối hợp với hàng ngày luyện tập động tác chậm rãi, động tĩnh kết hợp như Thái Cực Quyền, Bát Đoạn Cẩm sẽ giúp tăng cường thể chất, cải thiện chứng khí hư vô lực.

2. Buổi tối đổ mồ hôi

Khi ngủ ra mồ hôi, đến lúc tỉnh thì dừng lại, Đông Y gọi đây là chứng đạo hãn, tức mồ hôi trộm. Những người này thường kèm theo lòng bàn tay, chân nóng, mặt ửng đỏ nóng, miệng khô, khoang miệng dễ loét triền miên, bực dọc trong lòng, dễ mất ngủ, Đông Y gọi đây là biểu hiện chứng Âm hư.

Những người này khi ăn uống nên chọn hoa bách hợp, quả lê là những thực phẩm bổ âm; đồng thời ăn ít thịt dê, cà rốt, hành, gừng, tỏi là những thức ăn nóng. Hằng ngày có thể dùng sa sâm, mạch môn, ngũ vị tử ngâm lấy nước uống để bổ Âm.

3. Đầu đổ nhiều mồ hôi

Nếu như rượu chè ăn uống quá độ sau đó xuất hiện đầu đổ nhiều mồ hôi, đồng thời cảm thấy bụng trướng, khát nước, có thể thông qua ăn uống ít, ăn đồ ăn thanh đạm dễ tiêu thì triệu chứng sẽ giảm dần.

Nếu như đầu ra mồ hôi quá nhiều kèm theo tứ chi vô lực, dạ dày đầy trướng khó chịu muốn nôn, sốt, bựa lưỡi dầy vàng, phần lớn là biểu hiện của tỳ vị thấp nhiệt, lúc này cần chú ý ăn thực phẩm dễ tiêu, thông suốt đại tiểu tiện, kiện tì trừ thấp.

Ngoài ra người già và phụ nữ sau đẻ suy yếu, cũng xuất hiện đầu đổ mồ hôi, phần nhiều thuộc chứng khí hư, có thể chiếu theo nguyên tắc bổ khí để điều trị.

4. Tay chân đổ nhiều mồ hôi

Tay chân ra nhiều mồ hôi mà kèm theo lòng bàn tay, lòng bàn chân nóng, miệng khô, phần lớn là do Âm hư sinh nhiệt, có thể dùng thực phẩm bổ Âm để điều trị.

Nếu như đi kèm với bụng trướng đau, đại tiện không thông, phần nhiều thuộc về nhiệt chứng gây táo bón, lúc này có thể dùng các loại thuốc Đông Y nhuận tràng.

Nếu như kèm theo miệng khô, lợi sưng đau v.v.v phần nhiều là do vị nhiệt, có thể dùng các thuốc làm mát như như hoàng thanh vị hoàn, thanh vị hoàng liên hoàn.

5. Ngực đổ mồ hôi

Gặp nhiều ở người phải làm việc đầu óc nhiều, thường kèm theo tinh thần mệt mỏi, chán ăn, ngủ kém, mơ nhiều; nguyên nhân là do suy nghĩ quá nhiều, tâm tỳ hư tổn gây nên, có thể thông qua vận động thích hợp, như chạy chậm, Thái Cực Quyền, Bát Đoạn Cẩm để giảm bớt áp lực, điều tiết cơ thể và đầu óc bằng thiền định, chứng đổ nhiều mồ hôi ngực sẽ dần dần giảm bớt.

6. Mồ hôi có ‘mùi lạ’

Bình thường mồ hôi không có mùi hôi nặng rõ rệt. Nếu như mồ hôi có mùi tanh hôi, nhiều phần là có liên quan với nhiệt chứng hoặc thấp nhiệt chứng. Khi này cần chú ý ăn thanh đạm dễ tiêu, đồng thời dùng cúc hoa, nhân trần ngâm nước uống.

7. Ra mồi hôi kèm với sốt

Ngoài ra, nếu mùa hè nóng bức ra nhiều mồ hôi, đặc biệt là sốt, khát nước, choáng váng, đau ngực, buồn nôn, hoảng loạn, tứ chi vô lực, ù tai, không tập trung, có thể đây là những dấu hiệu của cảm nắng.

Nếu nghi ngờ mắc cảm nắng, hãy nhanh chóng chuyển người bệnh đến nơi râm mát thoáng gió, bổ sung kịp thời nước và điện giải như nước muối nhạt, nước dừa, thông thường sẽ nhanh chóng hồi phục. Nếu không có dấu hiệu hồi phục hoặc triệu chứng nghiêm trọng, cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Đại Hải

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.