Cây vông nem mọc hoang ở nhiều nơi, được người dân trồng làm bờ rào hoặc lấy lá nấu canh giúp thanh nhiệt mùa nóng. Trong y học, cây được sử dụng cho nhiều chứng bệnh, đặc biệt là dùng lá điều trị mất ngủ và vỏ để chữa đau khớp do phong thấp.

Vông nem còn được gọi là hải đồng bì, thích đồng bì. Tên khoa học là Erythrina variegata, thuộc họ Đậu Fabaceae. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc gồm lá cây và vỏ thân. Thuốc có vị đắng chát, tính bình, quy kinh can, thận; tác dụng khứ phong thấp, thông kinh lạc, an thần gây ngủ, sát trùng, chỉ thống (giảm đau).

Vông nem giúp khứ phong thấp, thông kinh lạc, an thần gây ngủ. (Ảnh: Google Plus)

Công dụng của vông nem

Theo các nghiên cứu dược lý, lá và thân của cây có chứa một loại alkaloid là erythrina gây giảm hoặc mất vận động hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên liều lượng chứa trong cây ít có khả năng gây độc cho người. Thay vào đó, dựa vào tính năng này mà dùng điều trị cho bệnh nhân mất ngủ.

Do vông nem có công dụng sát trùng, sinh cơ, lên da non nên có thể dùng chữa trĩ, hay đắp lên các vết loét. Ngoài ra, còn dùng ngoài làm thuốc xoa bóp chữa đau lưng do phong thấp, cước khí…

Trong dân gian có nhiều bài thuốc để điều trị bệnh, điển hình là một số bài thuốc dưới đây:

1. Chữa mất ngủ

Mất ngủ theo Đông y chủ yếu do ba tạng Can, Tỳ, Thận gây ra. Vông nem là vị thuốc quy vào hai kinh Can và Thận, do đó chỉ hiệu quả với chứng mất ngủ mà nguyên nhân từ hai tạng này. Người bệnh thường có biểu hiện cáu gắt, buồn bực rồi sinh ra mất ngủ, khó vào giấc, ngủ không sâu, kèm theo đau đầu, chóng mặt, hoặc táo bón, mỏi lưng gối.

Điều trị mât ngủ do tạng Can và Thận gây nên. (Ảnh: Vinahats)

Bài 1: Lấy từ 8 – 16g lá vông đã phơi khô rửa sạch cho vào nồi đất đổ thêm 200ml nước. Sắc nhỏ lửa đến khi còn 50ml uống một lần trong ngày vào buổi tối.

Bài 2: Lá vông khô 16g, toan táo nhân sao đen 10g, tâm sen sao vàng 5g, rửa sạch. Cho tất cả vào bình sứ giữ nhiệt hãm với 1 lít nước đun sôi, nóng già. Khi nước nguội có thể cho thêm vài bông hoa nhài tươi. Uống nhiều lần trong ngày.

Bài 3: Lấy lá vông bánh tẻ (loại không quá non hoặc quá già) rửa sạch rồi cho lên bếp luộc hoặc nấu canh với lá dâu tằm như một món ăn hàng ngày.

2. Bệnh ngoài da, lở ngứa

Cách làm: Vỏ vông nem, vỏ cây dâm bụt, xa sàng tử, rễ cây chút chít lượng thích hợp, tán nhỏ, pha thành rượu liều lượng 1/5, bôi ngoài da.

Lá vông nem chữa được mụn nhọt, vết lở loét. (Ảnh: ydvn.net)

3. Chữa sâu răng 

Lá vông nem khô đem tán nhỏ, rắc vào nơi răng sâu.

4. Chữa vết mụn nhọt, lở loét

Theo cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, Bệnh viện 108 đã dùng lá vông nem rửa sạch bằng thuốc tím, giã nhuyễn cùng với một ít cơm nguội đắp lên vết loét, thấy vết loét chóng sinh cơ và lên da non. Nếu đắp lâu quá thì sẽ tăng sinh lượng cơ quá mức ban đầu.

5. Chữa đau khớp do phong thấp hàn

Bệnh nhân có biểu hiện sưng đau các khớp, tại khớp tổn thương sờ không nóng đỏ mà có thể thấy lạnh, đau có tính di chuyển, sợ gió, sợ lạnh, chân tay nặng nề, ngại vận động…

Vỏ vông nem, phòng kỷ, kê huyết đằng, ngưu tất mỗi vị 6g sắc với 600ml nước còn 250ml. Bệnh nhân chia uống ngày 3 lần. Kiên trì áp dụng khoảng 2 tuần sẽ thấy các triệu chứng đau nhức phong thấp giảm, các khớp cũng bớt sưng.

Vỏ dùng để trị đau khớp do phong thấp. (Ảnh: Starfoods Exim JSC)

Những lưu ý khi dùng

  • Lá vông nem giúp dễ ngủ vì có thành phần gây ức chế thần kinh trung ương, do đó nếu dùng trong thời gian dài dễ bị nhờn thuốc.
  • Có nhiều nguyên nhân gây nên mất ngủ. Lá vông nem là vị thuốc có tác dụng vào hai kinh Can và Thận nên những trường hợp mất ngủ do tạng khác thì không có tác dụng.
  • Nên thu hái lá vào cuối xuân đầu hạ lúc thời tiết khô ráo, vỏ thân có thể thu hái quanh năm. Chọn lá bánh tẻ (không non, không già), bỏ cuống đem phơi nắng trong thời gian ngắn cho héo đi rồi phơi khô trong bóng râm. Vì nếu phơi nắng lâu sẽ làm mất dược chất trong lá. Với vỏ cây thì bóc tách khỏi thân hoặc cành to, cạo bỏ lớp vỏ thô bên ngoài, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.

Mộc Chi