Các nhà nghiên cứu cho rằng, cơ thể vốn dĩ không có bệnh tật, nhưng do thói quen sai lầm này khác làm cho hệ miễn dịch suy yếu mà phát sinh vấn đề.

Rất nhiều thói quen hiện đại, tưởng rằng vô hại nhưng thực ra lại rất nguy hiểm cho cơ thể. Dưới đây là các lý do hay gặp nhất, gây suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể.

1. Gắng sức và mệt mỏi

Mệt mỏi do quá tải trong công việc có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và làm giảm số lượng tế bào “diệt” tấn công lại vi khuẩn. Cũng dễ hiểu là khi cơ thể “giảm điện thế” thì cơ quan nào cũng khó hoạt động bình thường cả.

Mệt mỏi chán nản (Ảnh: The Spruce)

2. Tâm trạng không tốt

Tâm trạng có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Ví dụ, bạn bị trầm cảm kéo dài hoặc thường xuyên “gây sự” với người khác thì bạn cũng thường phải trải qua những thay đổi về tâm trạng. Điều đó không tốt cho sức khỏe và khiến tế bào “diệt” kém hoạt động hơn do đó sẽ làm giảm khả năng miễn dịch.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học California tại Los Angeles cho biết trên ABCnews là họ đã yêu cầu 41 cặp đôi hạnh phúc thảo luận về một vấn đề trong hôn nhân của họ trong 15 phút và phát hiện có sự gia tăng huyết áp, nhịp tim và tế bào bạch cầu liên quan đến miễn dịch, tất cả đều giống như khi bạn tập thể dục ở mức vừa phải. Các cặp thường xuyên mỉa mai nhau thì lại làm giảm bớt số tế bào kháng virus trong cơ thể, gia tăng lượng hóc môn stress, và thời gian hồi phục thương tổn lâu hơn 40% so với người có phản ứng tích cực và trìu mến trong cuộc tranh luận.

3. Thiếu ngủ

Thiếu ngủ (Ảnh qua: Soha)

Ví dụ hoàn hảo nhất là các sinh viên thường lăn ra ốm sau mỗi kỳ thức đêm ôn thi dài ngày. Thiếu ngủ khiến cho hệ miễn dịch của bạn đuối sức, và không sản sinh được các vũ khí giúp tế bào tấn công lại kẻ gây bệnh. Nghiên cứu của Đại học Chigago tìm thấy đàn ông chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, kéo dài 1 tuần liền sẽ làm giảm một nửa số kháng thể chống lại bệnh cúm trong máu của họ, so với người ngủ từ 7,5 đến 8,5 tiếng

4. Cơ thể cảm lạnh hay cảm nắng

Bị cảm. (Ảnh: dust-doctors.com)

Rất nhiều người sống ở miền Bắc Việt Nam cảm thấy mùa đông sức đề kháng giảm đi và mùa hè nắng nóng cũng thế. Theo lý luận hệ Kinh Lạc thì các hệ truyền dẫn thông tin điều khiển là mạng các ống cực nhỏ chứa các chất lỏng sinh học. Khi bị cảm lạnh (Đông Y gọi là phong hàn), các chất lỏng sinh học này đông đặc, hệ truyền tin suy giảm nên hệ thống bảo vệ “rơ le sinh học” kém hiệu quả.

5. Lạm dụng xe hơi, xe máy và thiếu vận động

Khi so sánh những người lười hoạt động với người đi bộ nhanh nhẹn mỗi ngày, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy người không đi bộ có số ngày ốm cao gấp đôi.

6. Hay dùng kháng sinh

Lạm dụng kháng sinh (Ảnh minh hoạ: oalingyu.com)

Một nghiên cứu cho thấy bệnh nhân thường xuyên phải dùng kháng sinh sẽ bị giảm nồng độ cytokine (hormon của hệ miễn dịch). Khi hệ miễn dịch bị chèn ép, bạn càng dễ nhiễm các vi khuẩn kháng thuốc hoặc trở nên ốm yếu.

7. Uống không đủ nước

Không cung cấp đủ nhu cầu cần thiết về nước cho cơ thể nó sẽ làm giảm khả năng hoạt động của một số cơ quan và các tế bào, trong đó có hệ miễn dịch. Có một tổng kết rất chí lý của một bác sỹ danh tiếng: “Bạn không bệnh gì cả. Bạn chỉ khát nước thôi”

8. Cơ thể không đào thải hết chất độc hại

Cơ thể khi về già không đào thải hết những chất độc hại, nhất là khi các cơ quan như gan (xưởng tổng hợp các chất), thận (xưởng lọc và điều hành cân bằng nội môi), đại tràng (xưởng xử lý nước thải) đều suy yếu. Cần làm sạch các cơ quan này để khôi phục hệ thống bảo vệ cơ thể.

9. Lạm dụng máy tính, Ipad

(Ảnh: autismspeaks.org)

Thường xuyên làm việc với máy tính với áp lực cao khiến bạn mỏi mắt và khô mắt, thị lực của bạn bị giảm kèm theo các triệu chứng chóng mặt. Ngồi quá lâu trước máy tính làm luân chuyển máu kém, các cơ quan nhận không đủ năng lượng thì hệ miễn dịch của bạn đang ở mức báo động.

10. Ít quan hệ bạn bè, thiếu nụ cười, thiếu ca hát

Ca hát với bạn bè cũng giúp cải thiện khả năng miễn dịch của con người. (Ảnh: yeah1.com)

Nghiên cứu cho thấy chúng ta càng có ít mối liên hệ ở nhà, cơ quan và trong cộng đồng, chúng ta càng dễ ốm, bởi trong suy nghĩ tràn đầy các hóa chất gây lo lắng.

Các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu 275 người tuổi từ 18 đến 55, thì thấy những người có nhiều hơn 6 mối quan hệ thì có khả năng chống lại virus cảm lạnh cao hơn 4 lần so với những người có ít bạn bè. Ngày nay người ta có nhiều bạn ảo nhưng lại thiếu những người bạn thực tế ngoài đời. Điều này không ổn, vì theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Regis cho thấy, càng nhiều bạn ảo thì càng có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe, nhất là nhiễm trùng đường hô hấp.

Ca hát với bạn bè cũng giúp cải thiện khả năng miễn dịch của con người. Các chuyên gia từ Đại học Frankfurt (Đức) đã thử nghiệm máu của các thành viên dàn hợp xướng trước và sau khi diễn tập. Kết quả là, sau khi diễn tập, lượng protein, globulin trong hệ miễn dịch và hormone chống stress – hydrocortisone – của các ca sỹ có sự gia tăng đáng kể.

Trên đây chỉ là một số thói quen phổ biến, còn có việc lạm dụng rượu bia, khói thuốc, ăn uống thực phẩm nghèo dinh dưỡng nhưng đầy rẫy hóa chất… Các nhà nghiên cứu đang cố gắng nhắc nhở bạn hãy gìn giữ tốt hệ miễn dịch bẩm sinh của chính mình.

Trong cơ thể thật ra luôn sẵn có một Thần y và Nhà máy thuốc, và luôn biết lúc nào, ở đâu cần loại thuốc gì, liều lượng bao nhiêu và bằng cách nào mang đến ngay lập tức. Hãy nhớ con số trên ngàn tỷ loại kháng thể đặc hiệu khác nhau do cơ thể sản xuất ra. Miễn là chúng ta đừng cản trở cơ thể mình hành động.

Theo Tạp chí tự động hóa
Minh Thành – Hoàng Kỳ

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.