Lão hóa và tuổi già là quy luật của tự nhiên, để làm chậm quá trình này, nhiều người tìm tới các phương pháp dưỡng sinh và chăm sóc sức khỏe. Rất nhiều người vì bận việc không để ý, bỗng một ngày nào đó nhìn vào gương giật mình chợt thấy bản thân đã già. Trên thực tế, khi lão hoá diễn ra, cơ thể sẽ có một số dấu hiệu báo trước.

Theo định nghĩa của Bộ kinh tế, xã hội và dân số Liên Hợp Quốc, người từ độ tuổi 65 trở lên được gọi là người già hay người cao tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, đây chỉ là một tiêu chuẩn nhận định. Có một số người chưa tới 50 tuổi, nhưng tóc đã bạc trắng, khuôn mặt nhăn nheo, răng lung lay, như người đã trải qua nhiều thăng trầm vất vả của cuộc sống.

Hầu hết mọi người sẽ dần dần có dấu hiệu và biểu hiện của sự lão hóa khi gần tới 60 tuổi. Một số có thể được nhìn thấy từ vẻ bề ngoài và hình thể, trong khi những người khác bị lão hóa và suy giảm về mặt trí nhớ.

10 dấu hiệu đáng chú ý khi cơ thể bị lão hóa

1. Giảm cơ bắp

Khối lượng cơ bắp của một số người sẽ dần dần giảm khối lượng, sức mạnh và chức năng vận động giảm, cũng gọi là sarcopenia, xương cốt và cơ bắp theo tuổi tác dần giảm bớt. Sau 70 tuổi, cứ 10 năm tốc độ suy giảm sẽ tăng tốc 15%. Nếu chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, mắc bệnh mãn tính, từ đó sẽ đẩy nhanh tốc độ lão hóa và dần mất đi cơ bắp.

2. Khuôn mặt xuất hiện lão hóa

Biểu hiện rõ ràng nhất là các cơ ở vùng mí mắt bắt đầu suy yếu, vì vậy mí mắt cụp xuống, mắt trở nên nhỏ hơn. Cơ mặt cũng đồng thời xuất hiện thoái hóa, nên cũng bị hõm xuống, miệng cũng cảm giác khác với khi còn trẻ. Vùng da ở mặt và cổ lỏng lẻo dần, nếp nhăn tăng lên. Tốc độ biến đổi của mặt và vẻ bề ngoài tăng nhanh, hình thành khuôn mặt của tuổi già.

Khuôn mặt xuất hiện sự thoái hóa. (Ảnh: 3g.163.com)

3. Chức năng của não kém hơn

Người trưởng thành tới một độ tuổi nhất định, các tế bào não chết sẽ không được thay thế bởi các tế bào mới. Những tế bào não mà chúng ta sử dụng sẽ ít hơn, khả năng lưu thông máu kém hơn, dẫn đến việc cung cấp máu cho não không đủ. Từ đó dần xuất hiện tình trạng mất trí nhớ tạm thời. Khả năng phản ứng cũng trở nên chậm chạp.

Ví dụ: Tình trạng phổ biến thường xuất hiện là đồ để sai vị trí, không thể nghĩ ra từ thích hợp để giao tiếp, không nhớ được những điều mình vừa xem, đi đến nơi nào đó quên mất mình tới đó làm gì hoặc quên tên của ai đó…

4. Sự dẻo dai và tính cân bằng của cơ thể trở nên kém

Trước đây có thể khom lưng, chạm đất, ngồi xổm chạm vào mắt cá chân, thì nay dần dần có đôi chút khó khăn, đứng một chân liền lắc lư không ổn định thậm chí có thể bị ngã, Ở một mức độ nào đó, đây là biểu hiện khớp gối đã dần thoái hóa, làm hạn chế phạm vi hoạt động, khả năng cân bằng và sự dẻo dai cũng dần kém hơn.

5. Kẽ răng càng lớn hơn

Thông thường một cái miệng khỏe mạnh, khoảng cách giữa các răng sẽ được lấp đầy bởi nướu, nhưng khi già đi, mô nướu và rãnh răng sẽ dần co lại, do đó nướu dần biến mất, dẫn đến các rãnh răng ngày càng rộng. Một số người cảm thấy răng ngày càng dài hơn, dẫn đến sức nhai yếu hơn. Tiếp theo vì lợi co lại và làm chân răng lỏng lẻo và dễ bị rụng.

6. Da xấu hơn

Khi có tuổi, làn da của chúng ta sẽ dần co lại và chức năng bảo vệ từ đó sẽ suy giảm. Ngoài ra, những tổn thương của tia cực tím và ô nhiễm môi trường tích tụ lâu ngày, biến đổi bệnh lý của các cơ quan nội tạng, dinh dưỡng kém, khả năng vận động giảm… sẽ gây ra các vấn đề về da của người già. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự xuất hiện của các nếp nhăn ở mặt sau của mặt, cổ và cánh tay. Da không còn đủ độ ẩm và sáng bóng. Thậm chí vì máu lưu thông kém hơn, sự tiết bã nhờn bị giảm da sẽ trở nên khô hơn và phát ngứa.

7. Thay đổi thói quen ngủ

Khi đến một độ tuổi nhất định, thói quen ngủ của chúng ta sẽ có sự biến đổi, bao gồm khó ngủ, thời gian ngủ ít hơn (thường dậy sớm hơn), dễ thức giấc vào ban đêm, tinh thần uể oải mệt mỏi vào ban ngày.

Ảnh: sleep-china.com

8. Không có hứng thú những điều mới mẻ

Đây là khuynh hướng tâm lý chung của người già. Họ từ chối tiếp xúc với những điều mới mẻ mà bản thân không quen thuộc. Ví dụ, không muốn học những bài hát mới hoặc gặp gỡ bạn bè mới. Cảm thấy phiền hà và khó khăn khi sử dụng các sản phẩm công nghệ mới, cũng không muốn thay đổi sở thích của mình. Biểu thị sự bài xích hoặc sợ hãi đối với việc học hỏi kiến thức và kỹ năng mới, từ đó dần làm khả năng học hỏi và nhận thức của bản thân dần thoái hóa.

9. Khả năng cảm nhận của 5 giác quan dần suy yếu

Sau 65 tuổi, năm giác quan của cơ thể (thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác) sẽ dần biểu hiện sự suy giảm đáng kể. Chẳng hạn, răng không tốt không thể ăn thức ăn cứng cần đeo răng giả. Hoặc vì ít tiết nước bọt, khó nuốt nên muốn ăn thức ăn mềm. Tai bắt đầu nặng, không thể nghe rõ người khác nói gì, cần đeo máy trợ thính. Không thể cảm nhận rõ ràng nóng và lạnh, phản ứng với nóng hoặc lạnh rất chậm. Dần dần ngửi không thấy mùi. Nếu đối tượng mục tiêu không đủ lớn, ngay cả khi đeo kính lão đọc sách, cũng không thể nhìn rõ nó.

10. Đi tiểu nhiều và táo bón

Bởi vì cơ ruột yếu hơn và các dây thần kinh ruột bị lão hóa, nhu động ruột giảm do thoái hóa nên rất dễ bị táo bón và đi đại tiện.

Ngoài ra, khi tới tuổi già, đặc biệt là nam giới, do vấn đề phì đại tuyến tiền liệt, dung lượng bàng quang bị co lại và nhỏ đi, và sự tiết hormone trong nước tiểu bị giảm, dẫn đến đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là tiểu tiện về đêm.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi

1. Giảm thịt, chất béo và muối

Người cao tuổi nên ăn ít thịt, thay vào đó là các thực phẩm giàu canxi như: Cá, tôm, cua. Các protein thực vật như đậu đỗ, vừng lạc, đậu phụ vì chúng có nhiều chất xơ giúp thải lượng Cholesterol. Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều Cholesterol như: nội tạng động vật, óc. Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần và ăn thêm sữa chua (dễ tiêu và có lợi cho tiêu hóa). Nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, tỷ lệ chất béo thực vật chiếm 35% tổng lượng chất béo.

Hạn chế các thực phẩm có hàm lượng muối cao như các loại dưa cà muối. Hạn chế những đồ ăn, thức uống gây mất ngủ như: Cà phê, chè đặc. Hạn chế ăn mặn, lượng muối ăn dưới 150g/người/tháng.

2. Bổ sung các loại hạt và cá vào thực đơn

Ở người có tuổi, tiêu hóa hấp thụ chất đạm đều kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu chất đạm. Ở đậu, lạc, vừng và cá có nhiều chất đạm, dầu giúp hỗ trợ phòng ngừa các bệnh về tim mạch. Người cao tuổi nên ăn các món từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành, tào phớ.

Mỗi tuần ăn 2 – 3 bữa cá. Nên ăn cá nhỏ, kho nhừ hai lửa để ăn được cả xương có thêm canxi đề phòng bệnh xốp xương ở người cao tuổi. Ðậu, lạc, vừng, cá có tác dụng hỗ trợ phòng, chống các bệnh tim mạch; đậu phụ còn có tác dụng phòng chống ung thư.

(Ảnh: vothuat.vn)

3. Ăn nhiều rau tươi, quả chín

Người có tuổi cần chú ý ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng hỗ trợ loại bỏ mỡ thừa theo phân ra ngoài, giúp cơ thể phòng ngừa xơ vữa động mạch. Rau tươi, quả chín còn cung cấp các chất dinh dưỡng hết sức quan trọng đối với người cao tuổi là vitamin và chất khoáng.

Nhu cầu chất xơ với người cao tuổi là 25g/ngày, đặc biệt là chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm cholesterol và đường máu, nó tốt với người tiểu đường, tăng huyết áp. Người cao tuổi thường bị loãng xương và thiếu các vitamin, khoáng chất. Cần ăn các loại rau xanh hoa quả giàu vitamin và khoáng chất, mỗi ngày nên ăn 300g rau xanh và 100g hoa quả.

Kiên Định
Theo Secretchina

videoinfo__video3.dkn.tv||a74ee72d3__