Biển! Bao nhiêu lãng mạn, hứng thú, tươi sáng và tinh khiết trong từ này! Bao nhiêu sự chân thành và hy vọng, mà mỗi con sóng cuộn lên trái tim ta. Bao nhiêu niềm vui, sự bình lặng tràn đầy tâm hồn ta trong những khoảnh khắc tuyệt diệu. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều họa sĩ đã dành trọn đời để vẽ tranh về biển. Đối với họ, biển, trên tất cả, là một nguồn cảm hứng vô tận. Biển sẽ luôn luôn lắng nghe và hiểu, biển sẽ không bao giờ phản bội.

Biển (Hải) theo Hán tự là 海 gồm bộ thủy 水 (氵) và mẫu 母. Vậy nên người ta nói biển rộng mênh mông bao la như tình mẹ. Biển sâu thăm thẳm, sóng biển linh hoạt, uyển chuyển dịu dàng. Biển nặng tình nghĩa như tình mẹ.

Aivazovsky hơn ai hết đã biểu hiện sức mạnh vô tận và sự hấp dẫn đầy quyến rũ của biển. Những trạng thái khác nhau – lúc giận dữ uy nghiêm, khi trầm tĩnh uyên thâm, có lúc lại lặng đi trong đê mê.

Bức tranh nổi tiếng nhất của Aivazovsky về đề tài biển là ‘Cơn sóng thứ chín’ (девятый вал). Theo truyền thuyết, các thủy thủ Hy Lạp cổ đại gọi là làn sóng thứ ba là “tai hại nhất”; những thuyền viên La Mã cổ đại thì ghê sơ làn sóng thứ mười, nhưng đối với phần lớn thủy thủ của các nước khác thực sự gây ra nỗi kinh hoàng chính là làn sóng thứ chín.

Cơn sóng thứ chín (1850)

Điều như “mê tín” ấy đã tạo cảm hứng cho nghệ sĩ Aivazovsky vẽ tuyệt tác biển này. Ngạc nhiên thay, bức tranh thể hiện quá thực tế- “làm thế nào mà một người chưa từng là thủy thủ lại có thể truyền đạt chiều sâu của sóng biển đến mức độ như vậy!”

Trong một buổi sáng sớm, những tia nắng đầu tiên xuyên qua không gian mờ đục và chiếu sáng mặt biển. Bầu trời như hạ thấp xuống sát với những cơn sóng biển vẫn dâng cao. Trời và biển “cuốn” những con người nhỏ bé, đáng thương đã suốt đêm vật lộn với sóng gió. Những thủy thủ còn sống sót đã trải qua khảo nghiệm sinh tử thật kinh hoàng. Họ bám vào cột buồm của con thuyền đã vỡ nát trong dông tố, gần như vô vọng, nhưng họ vẫn cùng nhau chuẩn bị đối mặt với “cơn sóng thứ chín” khủng khiếp, như sự trừng phạt không tránh khỏi của thiên nhiên. Lần này họ có thể may mắn thoát chết không? Trừ họ ra thì ai biết được!

Mô tả ‘Cơn sóng thứ chín’ như Aivazovsky thật không dễ dàng, bởi vì nghệ sĩ đã có thể truyền đạt một cách tinh tế tất cả sức mạnh, sự uy nghi và vẻ đẹp kinh hoàng khó hình dung của cơn bão biển gớm guốc này.

Bức tranh sẽ không trọn vẹn nếu chúng ta không nói đến niềm tin, niềm hy vọng dù rất mỏng manh, nhưng như sưởi ấm tất cả chúng ta – những khán giả của bức tranh trong suốt hơn 150 năm qua vẫn thầm cầu mong cho các thủy thủ vượt qua khó nạn này.

Sự lạc quan trong bức tranh được hiện ra một cách khéo léo bằng màu sắc rất mịn của những tia nắng ban mai, xuyên qua những đám mây và sấm sét dữ dội truyền vào bức tranh một niềm tin. Niềm tin với đầy đủ sắc màu dường như tách các con sóng hùng mạnh ra, để tạo một lối thoát cho những con người đang trong cơn cùng cực.

Màu vẽ của bức ‘Cơn sóng thứ chín’ phải chăng như một bài ca vui vẻ vang lên từ lòng can đảm của con người, ý chí và niềm tin. Không bao giờ bỏ cuộc, ngay cả khi phải đối mặt với tình huống tàn nhẫn nhất của thiên nhiên. Với niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, họ sẽ có thể vượt qua khó nạn này!

Nhưng sau sự dữ dội, biển của Aivazovsky còn có những giai điệu khác- hiền hòa, thơ mộng, trầm tĩnh, lắng đọng.

Vịnh Naples trong đêm trăng sáng (1842 92×141 cm)

Joseph Mallord William Turner, họa sĩ biển nổi tiếng người Anh trong chuyến đi đến Italia vào năm 1842 nhà , đã rất ấn tượng bởi bức tranh Vịnh Naples vào một đêm trăng sáng, đến mức ông đã viết ngay một bài thơ dành tặng cho Aivazovsky:

In this your picture
Of a mighty king!
I see the moon, all gold and silver.
Forgive me if I err, great artist,

Reflected in the sea below…
Your picture has entranced me so,
And on the surface of the sea
Reality and art are one,

There plays a breeze which leaves a trail
And I am all amazement.
Of trembling ripples, like a shower
So noble, powerful is the art

Of fiery sparks or else the gleaming headdress
That only genius could inspire!

William Turner đã bị bức tranh cuốn hút, khi thấy hiện thực và nghê thuật được hòa vào một. Làn gió nhẹ nhàng thổi lên một gợn sóng, ánh trăng phủ khắp biển như vàng, như bạc khiến không gian trở nên thơ mộng, huyền ảo. Vẻ đẹp đầy đặn, mềm mại, vui tươi như giấc mộng của người họa sỹ trẻ với một trái tim lãng mạn.

Trải qua năm tháng biển trong ông vẫn đẹp, nhưng với những trải nghiệm nhiều thêm trong cuộc đời, cái đẹp trong biển của ông càng có được nội hàm thâm sâu cùng sự tĩnh tại.

Trong bức tranh “Thuyền buồm bên bờ Crưm trong đêm trăng” biển giống như được tả trong bài thơ của tác giả Hồng Dương :

“Biển bạt ngàn xanh ngắt một màu mơ
Trăng vời vợi đứng chờ buông ánh bạc”

Thuyền buồm bên bờ Crưm trong đêm trăng (1858)

Ở đây, trời, núi và nước biển đều được phủ một màu xanh huyền bí– từ nhạt đến đậm và có cả những mản xanh đen. Chỉ còn trăng là vẫn rất trắng và sáng vằng vặc, ngời ngời kiêu hãnh trên nền trời xanh.. Biển lặng yên, bạt ngàn xanh ngắt, tĩnh tại như nhà hiền triết đã biết được chân lý cuộc sống. Biển chỉ hé mở nơi những gợn sóng nhẹ nhàng đón ánh trăng vào lòng.

Sự hiện diện của con người nơi đây cũng trở nên lặng lẽ. Con thuyền với ba cánh buồm buông xuống, như muốn nói con người cũng hòa với sự ‘trầm lắng xuống’ của trời và biển; con người với thiên nhiên đã tìm được sự hài hòa thanh tao. Chỉ có dãy núi như phá vỡ đường chân trời với lời nhắn nhủ “không phải mọi thứ ở đây đều phẳng lặng đâu nhé, nhưng tôi là lá chắn cho các bạn bình yên…”.

Điều thú vị là ở trung tâm bức tranh có một chi tiết ẩn đố – làn “khói” màu xanh như ngọc đang bay lên từ biển là có ý nghĩa gì? Khó mà tìm được một lời giải đáp rõ ràng. Phải chăng nó tượng trưng cho “tinh thần” của biển đang thăng hoa để hòa vào cùng với bầu trời bao la?! Dù câu trả lời là thế nào đi nữa thì có một điều chắc chắn rằng họa sỹ đã diễn tả được sự bình yên của tĩnh cảnh vừa trật tự, rành mạnh và phong phú, vừa bao dung, tự tại. Tất cả mọi thứ, từ tác giả, khán giả, biển cả, núi non, bầu trời cho đến mọi sự vật như đều “tĩnh tâm lại” để lắng nghe âm thanh êm ái của thiên nhiên và thông điệp từ vũ trụ – đạt được nội tâm tĩnh lặng cũng chính là đạt cảnh giới cao của trí tuệ và lòng cao thượng. Qua các bức tranh về biển, họa sỹ Aivazovsky cũng đã gửi đến người xem những cảnh giới tư tưởng của chính tác giả.

Aivazovsky Ivan Konstantinovich (1817-1900).

Vài nét chấm phá về cuộc đời họa sĩ

Ivan Konstantinovich Aivazovsky sinh ngày 17 tháng 7 năm 1817 tại Feodosia trong gia đình một doanh nhân Armenia thành đạt, nhưng sau đó gia đinh ông đã bị phá sản. Khi còn nhỏ, ông học tại Simferopol thành phố trung tâm của Crưm, sau đó năm 1833, ông vào Học viện nghệ thuật Petersburg. Từ năm 1833 đến năm 1839 học thầy M.Vorobiev trong lớp học vẽ phong cảnh. Ông đã từng đến Italy, Pháp…và ở khắp nơi ông đều được những người yêu chuộng hội họa chào đón.

Tại sao ông có thể dành cả đời để vẽ phong cảnh biển. Có lẽ bởi hai lý do chính – tình yêu biển vô bờ bến và tâm hướng tới sự hoàn thiện. Ông từng nói: “Vào mùa Đông, tôi thường sống ở Peterburg, nhưng khi mùa xuân vừa tới, nỗi nhớ cố hương kéo tôi trở về Crưm, trở về với biển Đen.”

“Biển là cuộc sống của tôi”, nghệ sĩ nói. Ông có khả năng truyền tải chuyển động và hơi thở của biển. Trong tranh của mình, nghệ sĩ biểu hiện toàn bộ vẻ đẹp cuộc sống của biển. 

Nhìn vào những bức tranh đó, thật khó để tưởng tượng rằng chúng được sáng tạo ra bởi một người đàn ông từng nhiều năm trải qua một cuộc sống gia đình bất ổn, và bị tách khỏi những đứa con yêu dấu của mình. Nhưng những khổ nạn trong cuộc đời đã khiến họa sỹ trở còn nên bao dung và tĩnh tâm hơn. Có lẽ ông muốn để cho con người đương đại và tương lai biết rằng:

“Tất cả những thành công trên thế gian của tôi đều nhỏ bé, chúng chỉ làm cho tôi phấn khích trong khoảnh khắc, còn hạnh phúc lớn nhất của tôi – đó là thành công trong sự hoàn thiện bản thân mình”.

Thiên Sơn (TH)