Ban Chiêu là một người phụ nữ có trí tuệ uyên thâm, văn chương lỗi lạc, bà được xem là nữ sử gia đầu tiên của Trung Quốc. Bà cùng anh trai Ban Cố viết nên Hán thư, một trong Nhị thập tứ sử nổi tiếng của Trung Quốc.

Ban Chiêu còn có tên Ban Cơ, tiểu tự là Huệ Ban, xuất thân thế gia vọng tộc họ Ban, bà thông tuệ chữ nghĩa, âm thông kinh sử, hiểu đạt lễ nghi.

Trong các triều đại Trung Quốc cổ xưa, nữ nhân thường không tham gia chính sử, có chăng cũng chỉ là hậu thân cho nam nhân trên chính trường. Các nữ nhân xưa kia, nếu có học hành thì cũng chỉ thường được dạy dỗ về cầm-kì-thi-họa còn kinh thư, sử sách vốn dĩ chỉ dành cho đấng nam nhi mà thôi.

(Ảnh minh họa: pinterest.com)

Vì vậy nên, việc xuất hiện một nữ nhân giỏi giang, học vấn uyên bác như Ban Chiêu quả thực là một điều hiếm thấy trong lịch sử.

Ban Chiêu- Viên ngọc sáng tài năng được rèn giũa từ một gia đình đại trí thức thời bấy giờ.

Ban Chiêu sinh ra ở Phù Phong, An Lăng, nay là khu vực gần Hàm Dương, Thiểm Tây, xuất thân trong một gia đình Nho giáo nổi tiếng, họ Ban, một gia đình rất có tài hoa về văn học vào thời Đông Hán, có tổ tiên là Lệnh doãn nước Sở Tử Văn. Tổ phụ là Ban Trĩ, là một người con trai của Ban Huống và là anh của Ban Tiệp dư của Hán Thành Đế.

Cha bà là Ban Bưu, là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc thời bấy giờ, ngoài ra bà có một người anh là Ban Cố, nhà sử gia nổi tiếng. Bà còn có một người anh nữa là Đại tướng quân Ban Siêu, có công lao trấn giữ vùng Tây Vực chống lại Hung Nô thời Hán. Cha, anh bà có học thức cao nên bản thân nàng cũng không hề thua kém.

Ban Chiêu từ nhỏ đã bộc lộ tư chất hơn người. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Ban Chiêu từ nhỏ đã được thừa hưởng những giá trị cũng như danh tiếng truyền thống văn chương rực rỡ của gia tộc, sớm được tiếp cận tinh hoa dòng tộc, cũng là người đam mê đặc biệt với tài năng vốn có, nên ngay từ nhỏ bà không giống với những nữ nhi bình thường khác.

Từ nhỏ Ban Chiêu đã được gia đình chú ý dạy dỗ, nên sớm đã uyên bác, giỏi giang hơn người. Giáo dục tư cách đạo đức, trau dồi phẩm hạnh, mở mang học hỏi kiến thức sử sách, rèn luyện văn chương thi phú.

Tư tưởng am tường sử sách, thông thạo văn chương, thấu hiểu nghi lễ nên khi trưởng thành, bà thường được mới vào cung để dạy kinh sử cho hoàng hậu và các quý nhân.

Sử sách ghi rằng, Ban Chiêu nổi tiếng về trí tuệ uyên bác, thời ấy Mã Dung, một học giả lớn cùng thời muốn cầu được sự chỉ dẫn của bà, đã chấp nhận quỳ rất lâu ở bên ngoài thư viện đọc sách để đứng nghe bà giảng giải. Đối với một nữ nhân thời xã hội bây giờ, thì Ban Chiêu là một nhân tài kim cổ hiếm hoi.

Bà là một vị sử gia đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

(Ảnh minh họa: pinterest.com)

Vốn có tài văn chương từ nhỏ, lại giỏi nghiên cứu tìm hiểu sử sách kim cổ, tài khiếu viết văn của Ban Chiêu trước hết thể hiện trong quá trình giúp anh trai Ban Cố viết cuốn Tiền Hán Thư , đây là cuốn sử đoạn đại mang thể loại ký truyện đầu tiên của Trung Quốc, có địa vị ngang hàng với cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên thời Tây Hán trên lịch sử.

Cha của Ban Chiêu là người đầu tiên bắt tay vào việc viết bộ sử này, sau khi cha qua đời, anh trai Ban Cố nối tiếp hoàn thành.Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắm, sau này, do mâu thuẫn với triều đình Hán Hòa Đế, Ban Cố bị tống giam và chết, để lại tác phẩm còn dang dở.

Cha qua đời, anh trai bị tống giam chết… Để lại tác phẩm còn dang dở. (Ảnh: Pinterest.com)

Tiếp tục con đường của cha và anh, Ban Chiêu dâng sớ xin Hán Hòa Đế cho phép vào Đông Quan tàng thư để tiếp tục công việc biên soạn bộ Hán Thư này. Những phần do bà soạn từ tập 13 đến 20 và tập 26 được coi là mẫu mực cho nhiều tác phẩm lịch sử về sau. Sau khi bộ Tiền Hán Thư được cho xuất bản, đã nhận được sự đánh giá rất cao. Những chương hay và gay cấn nhất của bộ sử cũng đều do Ban Chiêu hoàn thành.

Sau đó, Hán Hòa Đế cho mời Ban Chiêu vào cung dạy học cho cung nhân, bà được gọi là Tào đại gia. Mỗi lần các địa phương cống lên những thứ trân quý mới lạ, Hòa Đế đều gọi Ban Chiêu sáng tác phú để tán dương.

Một chút luận bàn sơ lược về tác phẩm để đời Nữ giới

Nữ giới: ‘Khiêm nhường cung kính người trước mình sau….”. (Ảnh: Pinterest.com)

Trong suốt cuộc đời mình, với tài năng văn chương và trí tuệ lỗi lạc bà có những cống hiến lớn lao trong giới sử học và chính trường, nhưng tác phẩm văn chương của bà cho tới ngày hôm nay không con được lưu giữ nhiều, chỉ còn lưu lại Đông Chinh phú Nữ giới . Đây là 2 tác phẩm lớn có ảnh hưởng sâu sắc tới văn học các đời sau.

Điều đáng chú ý nhất chính là bộ Nữ giới, đây tác phẩm gây ra tiếng vang lớn thời kì xã hội bấy giờ,

Bộ “Nữ giới” được coi là một tác phẩm gây ngạc nhiên lớn, bao gồm bảy chương, mang nội dung hướng đến việc dạy dỗ con gái, nữ giới về việc học, việc nhà… một chủ đề bấy giờ rất hiếm khi được đề cập đến. Trong tác phẩm này, những quan điểm về việc làm vợ, làm mẹ hay những chuẩn mực để đánh giá đức hạnh của người phụ nữ được xây dựng một cách rõ ràng, cụ thể:

Trong nữ giới bà viết:

“Khiêm nhường cung kính, trước người sau mình. Làm điều thiện không cầu lưu danh, làm điều sai trái không chối bỏ. Nhẫn nhục chịu đựng, luôn tỏ ra sợ hãi, chính là ti nhược vậy’’.

Bà chú trọng và nhấn mạnh người phụ nữ phải lấy thế mạnh của bản thân làm sợi chỉ, thế mạnh ấy chính là sự dịu dàng nhu thuận, lạt mềm mà buộc chặt, tâm tính rộng mở, bao dung và độ lượng.

Có người hỏi vậy ý của câu luôn tỏ ra sợ hãi nghĩa là gì, chính là bộc lộ sự khiêm nhường, bậc nữ nhi không giải quyết vấn đề bằng nắm đấm, bởi về sức mạnh chẳng thể địch được bậc nam nhân, nhưng lấy nhu thuận mềm dẻo mà thu phục lòng người. Biết nhẫn nhịn đó chính là đức hạnh cần có của người phụ nữ.

Nạt mềm mà buộc chặt, tâm tính rộng mở, bao dung và độ lượng. (Ảnh: Pinterest.com)

Bà viết: “Đạo của vợ chồng, tham chiếu theo nguyên lý âm dương, thông suốt theo chỉ dẫn của thần minh, tin theo đạo nghĩa vĩnh hằng của thiên địa, cũng chính là đại tiết của nhân thường luân lý vậy.”

Bà đưa ra đạo lí vợ chồng, tại sao vợ chồng lại là đạo lí? bởi theo quan điểm của bà, việc bái trời bái đất thành thân là việc trọng đại, chính là thuận theo ý của trời. Một người coi trọng phu thê mới có thể thể hiện sự thành kính với trời đất.

Vợ chồng cũng thuận theo sự hài hòa âm dương, biết nhường nhịn và cung kính nhau mà an hòa gia đình. Người phụ nữ đã trao cả cuộc đời tuổi xuân sắc cho chồng, thì người chồng cũng biết quý trọng mà nâng niu tới người vợ. Nếu như người chồng làm đại sự, thì người vợ chính là hậu phương vững chắc cho người chồng, đều là sự hi sinh để vun đắp tình nghĩa vợ chồng, nên nhất định phải tôn trọng và cung kính lẫn nhau.

Thiên “Kính thận” bàn rằng: “Đặc tính âm-dương hai bên là bất đồng, hành vi nam-nữ cũng có khác biệt. Dương tính lấy cương cường làm phẩm cách, âm tính lấy ôn nhu làm biểu trưng; nam nhân lấy cường tráng làm cao quý, nữ nhân lấy mềm yếu làm mĩ lệ.”

Ở đây bà đưa ra sự khác nhau giữa nam và nữ, từ hành vi tới lời ăn tiếng nói cũng có tiêu chuẩn đo lường khác nhau. Nữ nhân lấy sự mềm mại, nhu thuận, dùng trí tuệ có được từ sự nhẫn nhịn mà đo lường.

(Ảnh minh họa: pinterest.com)

Trong phần “Phụ hành” viết:

“Người phụ nữ có tứ hành, gọi là phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công. Đây là đại đức không thể thiếu của người phụ nữ, cũng chính là tứ đức trong tam tòng tứ đức.”

Nghĩa là phụ nữ không cần phải tài hoa tuyệt thế, nhưng phải biết lắng nghe, giữ lễ tiết chính trực, hành xử khuôn phép đó chính là phụ đức.

Lời ăn tiếng nói không nhất thiết phải dùng ngôn từ sắc sảo, nhưng phải nhẹ nhàng thấu đáo, có sự suy xét kĩ lưỡng trước khi nói, tâm người phụ nữ thể hiện ra lời nói của mình, nên lời nói không hay, chính là tâm hồn không chính, không biết lựa lời mà nói thể hiện sự nông cạn trong tư duy, hay dối trá xảo ngôn hay thị phi nhân ngã thể hiện sự ích kỉ hẹp hỏi, tâm hồn kém cỏi, đó chính là phụ ngôn.

Phụ dung có nghĩa là phụ nữ không nhất thiết cứ nhan sắc mĩ lệ là đẹp, mà phải biết thế nào là đẹp chân chính, gọn gàng, tinh tươm, y phục kín đáo, thân tâm sạch sẽ, giữ thân chuyên chính.

Phụ công chính là nói tới tài năng cơ bản như thêu thùa may vá, nữ công gia chánh, hiểu đạo lí cơ bản và biết thiết đãi khách, giữ chuẩn mực trong hành vi với khách. Tạo nét đoan trang và nghi lễ trong đối đãi với người ngoài.

Trong những phần tiếp theo của Nữ giới bà giảng giải tới lòng thủy chung, tới phẩm hạnh của người phụ nữ trong việc chuyên chính với chồng, hay những phần giảng về mối quan hệ với gia đình với bố mẹ chồng, anh em nhà chồng.

Phải nói rằng, Nữ giới đưa ra một chuẩn mực rất chi tiết về một người phụ nữ, là một thước đo gây dựng lên phẩm giá của người phụ nữ đức hạnh. Một cuốn sách chứa đựng những triết lí cho nữ giới mà xưa nay chưa từng có một cuốn sách nào đưa ra chuẩn mực đánh giá cụ thể như vậy.

(Ảnh minh họa: Pinterest.com)

Ban Chiêu- Một chính gia có tầm ảnh hưởng lớn với trí tuệ uyên thâm.

Đặng thái hậu thường xin ý kiến của bà trong việc đại sự và coi bà như thầy. (Ảnh: Pinterest.com)

Năm 105, Hán Hòa Đế qua đời khi mới 27 tuổi. Do người anh của Lưu Long là Lưu Thắng, con trưởng của Hòa Đế, bị tật nguyền không thể nối ngôi nên Lưu Long được ẵm lên ngôi, trở thành Hán Thương Đế. Lưu Thắng được phong làm Bình Nguyên vương.

Khi được đưa lên ngôi, Lưu Long mới 100 ngày tuổi, là vua lên ngôi trẻ tuổi nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thái hậu Đặng Tuy – hoàng hậu của Hòa Đế, làm nhiếp chính.

Triều chính rối ren, xã tắc loạn tặc, Thái Hậu Đặng Tuy phải vất vả dẹp loạn, đảm nhiệm việc triều chính. Vốn khâm phục trí tuệ của Ban Chiêu, Đặng thái hậu thường xin ý kiến của bà trong việc đại sự và coi bà như thầy.

Thời gian đó, rất nhiều ý kiến, lời khuyên của Ban Chiêu đã tạo nên những chính sách quan trọng trong đất nước. Đặng Tuy thái hậu nhờ vậy đã có những quyết định sáng suốt, điều hành triều đình nhà Hán suốt 2 đời vua và được mọi người đánh giá tốt bởi sự uyên bác, bao dung, lễ độ.

Đặng thái hậu lâm triều nghe chính, Ban Chiêu được phép cùng Thái hậu bàn luận chính sự. Bà thông minh đoan chính, can gián điều sai, góp nhiều ý kiến bàn luận sâu sắc khiến Thái hậu rất tâm đắc.

(Ảnh minh họa: pinterest.com)

Có câu chuyện được sử sách ghi chép về lời can gián của Ban Chiêu trình Đặng thái hậu như sau: Năm 107, anh trai Thái hậu là Đặng Chất nhân do mẫu thân Âm phu nhân qua đời, xin thái hậu cho từ quan về quê. Đặng thái hậu ban đầu không đồng ý, hỏi ý kiến Ban Chiêu, bà đáp:

‘‘Hoàng thái hậu bệ hạ mỹ đức thịnh hành, nối được ơn đức của Nghiêu Thuấn, khiến thiên hạ thái bình. Thần hạ ngu muội, đắc ngộ minh chủ, không có bản lĩnh như thế, nay xin đưa ra vài ngu kiến. Thần nghe thánh hiền xưa, ca ngợi việc khiêm nhượng, là thấy bản thân lực bất tòng tâm thì nhượng cho kẻ hiền, mãi được đời sau ca ngợi.

Xưa có Bá Di, Thúc Tề không ham danh lợi mà nhượng ngôi quốc quân, thiên hạ khen không tiếc lời sự cao thượng của 2 người. Thái Bá nhượng vị cho Quý Lịch, đức Khổng Tử 3 lần khen ngợi không dứt. Ân đức của họ được lưu truyền, mãi là tấm gương cho hậu thế. Luận Ngữ có viết: “Năng dụng lễ nhượng trị quốc, tòng chánh hoàn hữu thập yêu khả vi nan ni?” là để nói nên thôi nhượng mĩ đức, ảnh hưởng sâu xa.

Nay, 4 vị quốc cữu kiên tuẫn trung hiếu, nhất định từ quan về quê, nếu như cự tuyệt ý định, e rằng về sau không có tiếng hiền, lại còn mang danh ngoại thích lộng quyền. Thần thiếp ngu kiến trần ngôn, cốt gắng sức suy nghĩ cho Bệ hạ, để báo ân đức của Bệ hạ đối với ngu thiếp’’.

Lời bà đưa ra đạo lí thâm sâu, hợp tình người, cũng là lời dậy cho một bậc được coi là mẫu nghi thiên hạ, tuy hết sức hạ mình đưa ra lời can gián, xong trí tuệ và sự uyên thâm trong sách lối của bà khiên Đặng thái hậu lắng nghe và thuận theo.

Như vậy mới thấy rằng, Ban Chiêu không chỉ là một người tài năng lỗi lạc, am hiểu lịch sử, một chính gia giỏi mà hơn hết bà là một người phụ nữ đức hạnh, thông hiểu lễ nghi. Ban Chiêu thật xứng đáng là “nhất đại anh chủ” của giới nữ nhân ngàn đời, được ví như Khổng Tử của phái nữ.

Tịnh Tâm