Không biết Nguyễn Du vào thời đại cuộc sống trôi nhanh vùn vụt thế này có đủ điềm tĩnh mà buông lời bình thế sự: “Trải qua một cuộc bể dâu”. Cuộc đời có thăng giáng. Nhưng ngày xưa, như Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự Nhiên”. Sự biến dịch của cõi người không làm ta chóng mặt. Vì thế mà Trạng Trình nhìn thế gian biển đổi, cải hoán từ vũng sâu thành đồi cao cũng qua đôi mắt rất thích thảng, không quá ngậm ngùi…

Ngược thời gian, khi Lý Bạch: “Vung kiếm chém nước, nước vẫn chảy” thì sầu đấy nhưng chỉ dừng ở tiếng thở dài…

Những bài thơ cổ dường như lộ diện các không gian. Thời gian dường như tĩnh tại. Người xưa không thảng thốt như thời hiện đại:

“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ”

Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự Nhiên“. (Ảnh: Tinh Hoa)

Cho nên, đọc thơ xưa, cho ta sống chậm lại; chúng ta dù buồn hay vui cũng hòa nhập được dòng chảy tự nhiên của vũ trụ.

Tôi lại nhớ thời ấu thơ

Ngoại tôi nổi tiếng là nhà có của ăn của để. Mái tranh có ba gian; những cột nhà bằng gỗ lim đen bóng; có mấy song cửa sổ mở khắp phía, bốn bề lộng gió… Nhưng nếu so với bây giờ thì nhà ấy chỉ là cái chòi dựng tạm dành cho bác canh vườn của một ông chủ đất.

Nhà nhỏ nhưng khu vườn xanh um trước sân thì lớn. Khi tôi về ở với ngoại chừng 4, 5 tuổi thì ấn tượng nhất là giữa khu vườn nhiều thứ hoa cỏ, cây thuốc nam không tên, có một ngôi nhà sàn nhỏ xíu. Chỉ cần 4 người vào là đã chật hết chỗ. Cứ mỗi buổi tối, bên đĩa đèn dầu lạc, ngoại tôi ngồi với án thư nho nhỏ và cặm cụi với con chữ Thánh Hiền.

Những đêm trăng lên, ngoại cho tôi ngồi bên cạnh, mở song cửa nhỏ để da thịt mình rười rượi làn gió mát như sương khuya. Thời ấy nghe đọc thơ cứ như được thông thiên nối hồn mình với các Đấng Thiêng Liêng. Mình mơ ước có ngày sẽ làm được những bài thơ với nét chữ rồng bay phượng múa đó. Còn nhớ những ngày tháng ba, sau những đợt rét “bà già chết cóng” là những ngày mưa bụi bay bay trong lất phất của hương xoan thoảng nhẹ.

Đường làng trơn lầy trơn lội. Có những lúc ngoại cho tôi vào ngôi nhà sàn nho nhỏ đầy những tấm da hổ và các đồ sơn son thếp vàng cùng các bình gốm sứ… Ngoại nói với tôi về những tích cổ gắn vào các sinh mệnh đáng yêu ấy. Và rồi, bà ngoại luộc khoai, có một “tích” nước chè xanh nóng hổi. Hai người đàn ông ngồi nhìn mưa. Rặng Xoan đối diện xanh nõn; mỗi bông hoa trắng điểm một chấm tím cứ đung đưa. Và cứ rụng xuống từng đợt nhẹ nhàng cùng phơn phớt hương hoa, trong cái lành lạnh của tiết trời …

Những hồi ức ngày xưa ấy cứ ùa về khi hôm nay được đọc thơ của Ức Trai tiên sinh

Đúng là văn chương có thể làm bất tử một khoảnh khắc. Nó nối kết những kỷ niệm, những tâm sự riêng chung. Nó cho đứa bé năm xưa gặp lại ngoại của mình. Một người ông không tuổi!

Đứa bé năm xưa được gặp lại ngoại của mình, một người ông không tuổi. (Ảnh: Pinterest.com)

暮春即事

* Mộ xuân tức sự

(Chiều xuân tức sự)

閑中盡日閉書齋,

Nhàn trung tận nhật bế thư trai,

(Nhàn rỗi suốt ngày đóng cửa phòng sách )

門外全無俗客來。

Môn ngoại toàn vô tục khách lai.

(Ngoài cửa vắng khách tục đến)

杜宇聲中春向老,

Ðỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão,

(Trong tiếng đỗ vũ kêu ý chừng xuân đã muộn)

一庭疏雨楝花開。

Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.

(Cả một sân hoa xoan nở dưới mưa phùn.)

** Dịch thơ:

Trọn ngày thong thả khép phòng văn,
Khách tục bên ngoài chẳng bén chân.
Khắc khoải quyên kêu xuân đã muộn,
Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân.

(Nhóm Đào Duy Anh)

Khắc khoải quyên kêu xuân đã muộn. Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân. (Ảnh: Pinterest.com)

Có lẽ không cần phải tra cứu nhiều sách vở, chúng ta cũng có thể hình dung ra bài thơ của Nguyễn Trãi được sáng tác trong những ngày ở Côn Sơn để đi theo con đường ẩn cư của ông ngoại là quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán của mình.

Ta biết rằng, sau khi đuổi giặc Minh về nước, Lê Lợi đã có những việc làm để vết nhơ trong sử sách. Ông đã trừng phạt những công thần của mình. Đau đớn thay, người đã nếm mật nằm gai, người đã trở thành linh hồn của Khởi nghĩa Lam Sơn cũng nằm trong số đó.

Nguyễn Trãi về Côn Sơn mang một tấm lòng “tiên ưu” đau đáu với dân với nước “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông”.

Từ trước tới nay, người ta cứ đào sâu vào điều này để thấy cảm hứng các bài thơ của Nguyễn Trãi mang tâm trạng đau buồn. Hoặc có “vui cũng là vui gượng kẻo mà”.

Ngay sau những ngày loạn lạc, đang ngổn ngang trăm mối của một vị quân sư có trọng trách, Nguyễn Trãi đã có mơ ước nhuốm màu Đạo:

SAU LOẠN, VỀ CÔN SƠN CẢM TÁC

“Xa cách mười năm chốn cổ san,
Quay về tùng cúc đã lan man.
Suối rừng có hẹn sao nên phụ,
Đất bụi cúi đầu chỉ tự than.

Vừa lại quê nhà như thấy mộng,
May trong binh lửa vẫn tuyền thân.
Bao giờ dưới ngọn mây về ở,
Nước suối chè tươi ngủ thạch bàn”

Người ta thường hay đối lập Nho và Lão. Thực ra, Khổng Tử đã gọi Lão Tử là thầy. Họ đều chung trường phái Đạo Gia. Đi hết Khổng ta sẽ gặp Lão; hãy làm một người Ngũ Thường thật tốt, thì ta mới có thể tu luyện thành Chân Nhân!

Vậy nên, chúng ta không nên lập luận: Vì Nguyễn Trãi không có điều kiện nhập thế cống hiến cho dân cho nước nên ông đành lánh đời tiêu cực.

Sống theo Khổng hay theo Lão, thơ Nguyễn Trãi cũng hết sức chân thành. Và ông sống hết mình trong những tư tưởng đó.

“Nhàn trung tận nhật bế thư trai”

(Nhàn rỗi suốt ngày đóng cửa phòng sách)

(Ảnh: Pinterest.com)

Chữ “Nhàn” ở đây là rảnh rỗi, vô sự; là thong dong, yên ổn. Thường những người đi vào chữ “Vô” của Đạo Gia để nhập được vào thế giới vô vi với tâm bất động, mới có cái Nhàn an nhiên, tự tại.

Cả một ngày sống được trong cái Nhàn là cả một thời gian nhập được vào một cảnh giới của trẻ thơ, không bị gánh nặng Danh, Lợi, Tình chi phối.

Con người dưới thế gian này khổ bởi cái tâm luôn bất an. Bất cứ suy nghĩ hành vi gì cũng bị cái Tình nhúng ngập, tẩm vào trong các vi lạp vi quan nhất.

Thay vì mở cửa, thậm chí rời nhà ra Trại để nhìn mưa xuân bay, nước sông đầy, con đò thảnh thơi yên giấc thì ở đây, Ức Trai lại thu hẹp không gian cảm xúc của mình trong thư phòng với sách vở bút nghiên.

Ba chữ “bế thư trai” ở đây là phong bế nhốt mình lại trong phòng sách. Chữ “Trai” trong nghĩa gốc là ‘Giữ trong sạch, ngăn tham dục. Ngày xưa sắp tế lễ tất kiêng rượu, kiêng thịt, ngủ nhà riêng gọi là trai giới 齋戒; hoặc “Trai nhật”. Có bản dịch: “Phòng văn nhàn nhã đọc Thánh Hiền” không phải là không có lý do. Chính chữ “Trai” kia cho thấy phòng văn ấy, người đọc sách ấy đang tiếp xúc với hiền thánh. Chắc chắn không có những cuốn sách chứa đựng những điều ô trọc của đời người phàm tục, bể dâu…

Thực ra hai chữ “nhàn trung” (trong cõi nhàn) thì mới có một hành động tương thích: bế phòng văn chứa sách Thánh Hiền để đọc suốt ngày!

“Môn ngoại toàn vô tục khách lai”

(Ngoài cửa vắng khách tục đến)

“Môn ngoại toàn vô tục khách lai”. (Ảnh: Pinterest.com)

Chữ TỤC ở đây chỉ người thường, đời thường, bình thường, bình phàm.

Nguyễn Trãi thường dùng chữ này :

“Vũ dư sơn sắc thanh thi nhãn,
Lạo thoái giang quang tịnh TỤC tâm”

雨餘山色清詩眼,

潦退江光凈俗心

(Sau mưa, sắc núi làm trong trẻo mắt nhà thơ,
Nước lụt rút, ánh sáng nước sông sạch lòng trần tục)

Như vậy, câu trên “bế thư trai” tức là đóng cửa phòng cùng hiền thánh thì câu dưới lại cho thấy thế giới của phòng thư trai ấy là một cảnh giới khác biệt với bên ngoài. Hoàn toàn không có một người thường nào trong cõi bể dâu quay trở lại nơi đây.

Chính chữ Tục này đã xác nhận cho ta chủ thể trữ tình, người đang ở trong “thư trai” của mình là một Tiên Ông, một người tu luyện, vượt khỏi thói đời đa đoan của chữ “Tình”. Như vậy, đâu cần phải tìm nơi nước Nhược non Bồng; đâu phải cưỡi Hạc Vàng theo mây trắng ngàn năm mới lên được cõi Tiên.

Chỉ cần giữ cho mình cái tâm thái vô vi của chữ Nhàn thì mình đã về được tới quả vị giác ngộ cao của mình. Ai là người tu luyện và được chứng thực những trải nghiệm tu luyện trong Đạo Gia thì mới biết đây là hạnh phúc đích thực, không hề có tính ẩn dụ, giấu giếm những niềm đau người thường.

(Ảnh: Pinterest.com)

Ta có thể thấy niềm vui này tinh khiết đến nhường nào trong bài “Tức Sự”:

Hiên, song nho nhỏ; mái le te

Quan như ẩn sỹ chốn sơn khê

Sông xanh, sóng biếc, buông câu thả

Ung dung đọc sách dưới sum suê

Mưa tạnh, hơi sương luồn cửa sổ

Gió tung, tuyết múa rộn sân, hè

Bên song, an giấc không trần lụy

Tâm nhàn tự đến cõi vô vi

(Thái Quang Vinh dịch)

“Ðỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão”

(Trong tiếng đỗ vũ kêu ý chừng xuân đã muộn)

Ở đây có một điển tích thường xuất hiện trong văn học phương Đông. Đó là loài chim Đỗ Vũ. Theo wikipedia thì sách “Sưu thần ký” kể rằng Đỗ Vũ là tên một vị vua nước Thục thời Chiến Quốc. Ông có tính hoang dâm vô độ nên dưới thời ông tại vị chính sự nước Thục không ổn định.

Đỗ Vũ nhân nhà Chu suy yếu bèn tự xưng đế hiệu tức Thục Vọng Đế (蜀望帝) Ông từng thông dâm với phu nhân của vị tướng quốc lúc ấy là Biết Linh (鳖灵) và bị lộ tẩy. Vì thẹn quá, ông bèn nhường ngôi cho vị tướng quốc này. T

uy nhiên sau khi nắm trong tay quyền lực thì Biết Linh ngược đãi Đỗ Vũ khiến ông phải hậm hực mà bỏ nước ra đi. Khi ông chết linh hồn hóa thành một loài chim suốt ngày chỉ kêu “quốc, quốc”. Người ta bảo đấy là Thục Đế nhớ nước nên mới kêu như vậy. Dân gian người Việt chúng ta đặt tên cho giống chim đó là chim Cuốc.

Trong văn học cổ điển người ta thường dùng tích Đỗ Vũ (hoặc Đỗ Quyên,Tử Quy) để nói nên việc nhớ nhung quê hương đất nước khi phải đi phiêu bạt nơi đất khách quê người. Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:

“Khúc đâu êm ái xuân tình,

Ây hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên”

là lấy điển tích này.

Đến thời điểm đầu mùa Hạ cuối mùa Xuân thì loài chim này bắt đầu kêu chủ yếu vào những đêm trăng mờ tĩnh mịch, giọng kêu nghe thảm thiết bi ai gợi cho lữ khách tha phương động lòng nhớ cố hương, nhớ kỷ niệm quá khứ.

Tất cả những điều này của điển cố dễ gợi cho ta về tâm sự nhớ thương buồn bã với hiện cảnh của tổ quốc, của nhân dân. Càng dễ suy diễn hơn là vì tác giả của bài thơ luôn mang tâm sự “tiên ưu” như vậy!

Điều này dường như không băn khoăn khi ta đọc “Cuốc kêu cảm hứng” của Nguyễn Khuyến:

“Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.”

Còn trong bài thơ của Nguyễn Trãi, đây là tiếng kêu của một loài chim báo hiệu sự chuyển mùa: Xuân đã cuối và Hạ đã sang. Quy luật thường hằng của tự nhiên vốn vậy.

Có phải vì tiếc Xuân mà Nguyễn Trãi nghe tiếng Tử Quy kêu?

Với tâm Nhàn của một Đạo Sỹ thì bất cứ ngoại giới nào cũng chẳng làm cho cái Tâm ấy bất định lung lay. Xuân đi thì đã có Hạ về. Nhận thức được cái trôi chảy của thời gian ấy trong tâm Nhàn và lẽ uyên áo của Lão Trang, tiếng Cuốc chỉ là tiếng thời gian chuyển mùa mà thôi!

Hết phần 1. Mời độc giả đón đọc tiếp phần 2

La Vinh