Chúng ta đã được chiêm ngưỡng nhiều bức họa được vẽ trên các chất liệu như: giấy, lụa, sành, sứ… Nhưng có một loại tranh đặc biệt độc đáo, nó được vẽ trên kính, mà người Huế gọi nó là tranh gương. Dòng tranh này có giá trị nghệ thuật đặc sắc cần được bảo tồn và lưu truyền.

Đến nay, các bức tranh gương có giá trị đều do triều Nguyễn để lại và đang được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế (16 bức) và các cung điện, lăng tẩm ở Huế như cung Diên Thọ (điện chính), lăng Minh Mạng (điện Sùng Ân), lăng Thiệu Trị (điện Biểu Đức), lăng Tự Đức (điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm), lăng Đồng Khánh (điện Ngưng Hy) và điện Huệ Nam (điện Hòn Chén).

Tranh gương (Ảnh: hueworldheritage.org)

Xuất xứ của dòng tranh gương vẫn còn nhiều thắc mắc

Có rất nhiều người nghiên cứu về xuất xứ của loại nghệ thuật độc đáo này. Phần đa ý kiến cho rằng, tranh gương cố đô Huế có xuất xứ từ Trung Quốc. Nguyên là vua Thiệu Trị (1841-1847) có tập thơ “Thần kinh nhị thập cảnh” vịnh 20 cảnh đẹp của đất Huế, đã gởi các bài thơ này qua Trung Quốc đặt vẽ. Dựa trên nguồn cảm hứng này, các nghệ nhân Trung Quốc thời đó đã khắc họa 20 bức tranh theo 20 khung cảnh trong tập thơ. Mỗi bài thơ này được thể hiện thành một bức tranh gương, sau đó mới mang trở về kinh đô Huế, treo tại các miến điện.

Nét độc đáo của tranh gương triều Nguyễn- cung đình Huế

Nếu ai đã từng tới Huế, thì không khỏi ngỡ ngàng và yêu thích những bức tranh gương đang được trưng bày tại đây. Một loại thể hiện nghệ thuật trên chất liệu mới lạ đã có từ trăm năm nay.

Tranh gương cung đình Huế là một loại hình tranh mang bản sắc riêng của Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo. Tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng, khá cầu kỳ, thực sự là những bức tranh độc lập.

Tranh gương cung đình Huế là loại tranh mang nét độc đáo đặc biệt (Ảnh: hueworldheritage.org)

Chủ đề của tranh gương cung đình Huế về cơ bản có 3 loại chính. Loại tranh cao cấp “thi họa” hay tranh thơ ngự chế chủ yếu mô tả và ca ngợi 20 cảnh đẹp được vua Thiệu Trị xếp hạng, tranh minh họa các bài thơ đề vịnh các mùa trong năm, vịnh các cảnh mà vua bất chợt tức cảnh đề thi…

Loại tranh thứ hai không đề thơ nhưng có đề rõ chủ đề là loại tranh minh họa cho các điển tích trong lịch sử Trung Hoa.

Loại tranh thứ ba là tranh vẽ tĩnh vật. Với người thưởng lãm hay du khách, những bức tranh này có thể chỉ đơn thuần là cảnh đẹp của thiên nhiên, của non nước hữu tình, nhưng với những nhà nghiên cứu, bên cạnh giá trị nghệ thuật, mỗi bức tranh gương chính là giai thoại lịch sử quan trọng để phục dựng, trùng tu các di tích có liên quan.

Chất liệu để vẽ loại tranh này là bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương theo kiểu vẽ âm bản để nhìn mặt trước thành dương bản.

(Ảnh: hueworldheritage.org)

 

Kỹ thuật vẽ ngược chiều đòi hỏi họa sĩ, nghệ nhân phải hết sức tài hoa, khéo léo và có trí tưởng tượng cực kỳ phong phú  mới có thể thực hiện được.

Do kỹ thuật phức tạp, sự tư duy về mặt hình tượng là rất riêng. Người vẽ phải tưởng tượng phía bên kia (mặt trái) để nhìn xuyên từ  kính qua (mặt phải) đòi hỏi dự phối hợp giữa tư duy, kỹ thuật, chất liệu và đặc trưng phản ánh. Tất cả tạo nên nét riêng, độc đáo, tinh tế của tranh gương và đó cũng chính là những đặc trưng mà không có loại hình mỹ thuật nào của Huế có được

Đặc biệt trong đề tài, màu sắc của tranh gương dường như là ngôn ngữ của một mảng nghệ thuật riêng biệt, không nhất quán. Tại lăng Tự Đức, điện Hòa Khiêm, cung An Định hiện lưu giữ được những tranh gương tuyệt đẹp, mỗi bức có chiều rộng khoảng 9 tấc, cao 6 tấc. Bức tranh được lồng trong một khung thếp vàng, chạm nổi những vòng hoa, trái, lá… Theo một số tài liệu, khi sơn thếp vàng dùng trong tranh là vàng thật, bằng một chất kết dính đặc biệt, không làm phai màu của vàng và giữ được độ óng ánh của màu kim loại này. Do đó, trải qua thăng trầm thời gian, những bức tranh vẫn rực rỡ, tươi tắn như mới, có độ phát quang, lan tỏa giữa các màu.

Bức tranh được lồng trong một khung thếp vàng, chạm nổi những vòng hoa, trái, lá…(Ảnh: khoahocdoisong.com)

Quá trình khôi phục dòng tranh đặc sắc này cần thời gian nghiên cứu và sự bền bỉ

Có một vài ý kiến cho rằng, lí do mà dòng tranh mang giá trị nghệ thuật lớn như thế này gần như không còn phát triển tại Huế là vì nó được truyền từ Trung Quốc, trải qua năm tháng lịch sử mà bị thất truyền.

Do kĩ thuật vẽ loại hình tranh gương này rất đặc biệt, bức họa được vẽ theo dạng vẽ ngược, tức là cái gì kết thúc sau phải vẽ trước, nên càng đòi hỏi sự tài hoa và truyền dạy.

(Ảnh: hueworldheritage.org)

Chính vì vậy mà sau  2 năm mày mò tìm hiểu, thử nghiệm, hiện nay họa sĩ Dương Văn Kính đã có thể tạo nên những sản phẩm tranh gương trang trí khổ nhỏ về chủ đề phong cảnh, tranh dân gian làng Sình, tranh Đông Hồ và sen Huế để quảng bá du lịch, tạo sản phẩm lưu niệm mới cho du khách khi đến cố đô Huế. Anh mạnh dạn dùng màu chuyên dụng cho tranh gương của Pháp, loại màu này cho phép nhìn bức tranh 2 mặt gần như nhau chứ không chỉ một mặt như tranh gương trước đây.

Tranh gương xứ Huế dẫu trải qua những năm tháng của lịch sử, nhưng màu sắc và tuổi thọ của nó như thách thức với thời gian. Nó tạo lên một nét rất riêng của Huế.

Tranh gương ở Huế vẫn mang một nét đẹp rất riêng và thu hút được những đôi mắt có tính thưởng thức nghệ thuật cao. Ảnh chụp tại Hội chợ Thương mại quốc tế Festival Huế 2016 (Ảnh: infonet.vn)

Quá trình phát triển của xã hội cuốn theo các trào lưu tư tưởng nghệ thuật mới, có những dòng tư tưởng được coi là biến dị về phong cách nghệ thuật cũng như ý tứ nghệ thuật, cái mà ngày nay người ta gọi đó là nghệ thuật đôi khi là sự phản cảm thì sức hút của nó tới công chúng chỉ là một giai đoạn thời gian ngắn ngủi, nhưng với những kiệt tác nghệ thuật cổ xưa thì sức hấp dẫn của nó chưa bao giờ là nguội.

Nó không chỉ là giá trị tinh thần của dân tộc mà hơn thế, chính là tinh hoa trí tuệ của người xưa. Cái mà cho đến ngày nay, thế hệ đời sau vẫn mãi phải kiếm tìm để có được. Bảo tồn giá trị xưa chính là bảo tồn và di lưu truyền thống, tìm về văn hóa nghệ thuật nguồn cội.

Tịnh Tâm