Hội họa Trung Hoa truyền thống không chỉ lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên xung quanh mà còn phản ánh thế giới nội tâm của người nghệ sĩ. Đó là sự nhân cách hoá bối cảnh hoặc đối tượng thông qua đó để thể hiện đạo đức và giá trị con người trong văn hóa truyền thống.

Hội họa Trung Hoa có lịch sử lâu đời và truyền thống tốt đẹp. Trong lĩnh vực nghệ thuật thế giới, nó có hệ thống độc đáo của riêng mình. Có ba chủ đề chính trong những bức tranh Trung Hoa, đó là: nhân vật, phong cảnh và hoa điểu. Tùy theo kỹ thuật và thủ pháp, có sự khác biệt trong cách vẽ, cách dùng cọ vẽ tự do và tả ý. Các công cụ để vẽ gồm bút lông, mực, giấy và nghiên mực. Tạo hình chủ đạo là dùng các đường nét làm khung, bổ sung màu sắc chỉ để phụ họa.

Do có sự tương đồng, hội họa và thư pháp thường liên quan chặt chẽ với nhau. Các bức tranh được kết hợp với thơ, thư pháp và thậm chí điêu khắc. Chúng ngày càng được kết hợp chặt chẽ để tận dụng các tính năng nghệ thuật của thơ, sách, tranh và ấn tín. Một số người phương Đông hay nói câu này: “Thư pháp và hội họa là không thể tách rời”.

Sự phát triển của hội họa Trung Hoa cũng dài như sông Hoàng Hà và sông Dương Tử chảy trên lãnh thổ này; từ thời Chiến quốc, nhà Tần và nhà Hán cho đến nhà Thanh. Trong lịch sử hơn 2.300 năm, các họa sĩ đã xuất hiện với số lượng lớn, theo những ghi chép về lịch sử các bức tranh của các triều đại trong quá khứ, có trên 10.000 người. Công việc sáng tạo nghệ thuật cần cù, chăm chỉ của họ đã để lại vô số tác phẩm xuất sắc. Đây cũng là căn cứ trọng yếu cho những truyền thuyết cổ xưa, và cũng là những đóng góp nổi bật trong lịch sử văn minh vùng đất người Hán.

Nguồn gốc và nền tảng hội họa Trung Hoa

Vào thời điểm nền văn minh gần đây nhất của loài người (trước lần văn minh này của nhân loại) bị thần linh hủy diệt do đạo đức suy đồi, nền văn hóa của thời kỳ đó cũng bị mất đi phần lớn. Với sự khởi đầu của nhân loại mới, con người chỉ biết sử dụng các công cụ thô sơ bằng đá. Trong thời đại đồ đá mới, tổ tiên xa xưa của chúng ta đã sử dụng các màu đơn giản như đen, trắng, đỏ, sử dụng các đường nét thô sơ để vẽ những đồ vật quen thuộc, hay những nhân vật và con vật họ yêu thích lên các đồ gốm.

Hội họa trong thời kỳ này đều đơn giản, tái hiện cuộc sống và thờ phụng thần linh, đồng thời thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của cuộc sống, đó là giai đoạn đầu tiên của hội họa Trung Hoa.

Thời Chiến quốc “Nhân vật ngự long bạch họa” – Duy Cơ (Ảnh: epochtimes)

Trải qua thời Hạ, Thương, Chu, tiến vào thời Chiến quốc và nhà Hán, cùng với việc khai sáng văn minh bởi các vị thần hạ thế, nghệ thuật hội họa đã phát triển đáng kể. Những bức tranh ở Trường Sa, Hồ Nam đã được khai quật, như: “Nhân vật quỳ phượng bạch họa“, “Ngự long nhân vật đồ“, “Mã vương đôi hán mộ bạch họa” v.v.

Chúng ta có thể hiểu rằng vào thời điểm này, con người không chỉ yêu cầu một mô tả chung chung về các đối tượng vẽ tranh; mà đã biết phân biệt từ nhân vật đến thiên nhiên, từ trên trời đến hạ giới; cảnh vật đã mở rộng, phong cảnh rất phong phú, mặc dù hình dạng vẫn khá đơn giản, nhưng rất biểu cảm và truyền thần.

Do đó, có một sự phản ánh sâu sắc hơn về thần linh. Các hình ảnh với nét vẽ, hình thức vẽ và ngôn ngữ đã trở thành những yếu tố và truyền thống cơ bản nhất cho sự phát triển của hội họa Trung Hoa sau này. Thời kỳ này là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của hội họa Trung Hoa.

Phát triển lý luận hội họa trong thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều

Trong các triều đại Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, nghệ thuật hội họa vô cùng phồn vinh. Các họa gia nổi tiếng thời này gồm có Cố Khải Chi, Tạ Hách, Lục Tham Vi, Trương Tăng Diêu v.v.

Cố Khải Chi (Ảnh: wikipedia)

Vào thời điểm này, tranh phong cảnh, hoa điểu và thú là những đối tượng chính được vẽ bởi các họa gia. Đặc biệt là các bức tranh phong cảnh, đã tách ra khỏi việc làm nền cho nhân vật để trở thành những bức tranh độc lập. Trong thời kỳ này, một nhóm các nhà phê bình kiệt xuất đã xuất hiện. Cuộc tranh luận của họ có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ sau này. Trong số đó, Cố Khải Chi của triều đại Đông Tấn và Tạ Hách của Nam triều là những đại diện tiêu biểu nhất.

Cố Khải Chi đưa ra hai lập luận nổi tiếng là “Lấy hình truyền thần” và “Thiên tưởng diệu đắc“. Ông chỉ ra rằng, họa gia khi vẽ không chỉ theo đuổi hình ảnh thực bên ngoài, mà còn theo đuổi bản chất của tinh thần bên trong. Trong suy nghĩ của ông, vẽ hình sẽ truyền được cảm xúc, đó phải là cảm xúc của họa sĩ. Ngoài việc hiểu hình dạng của các nhân vật và thần linh, cần thêm vào trong tranh nhận thức cuộc sống của riêng họa gia.

“Đại địch phi tuyền đồ” – Tạ Hách (Ảnh: catalog.digitalarchives.tw)

Thiên tưởng diệu đắc” của ông có nghĩa là việc họa gia chuyển tải khái niệm thăng hoa cùng trong sống của mình vào các bức tranh. “Thần linh và vạn vật”, đạt được sự hòa tan; sau đó là “sự kỳ diệu” khi được chìm trong hình dạng và tinh thần của họa gia. Từ đó các tác phẩm sẽ tạo ra những hình ảnh nghệ thuật điển hình và lý tưởng hơn.

Việc xây dựng hai lập luận này đã làm sáng tỏ và hệ thống hóa quan niệm của những vị tiền bối

Trong cuốn sách “Cổ họa phẩm lục” của Tạ Hách, đã đưa ra “sáu pháp luận” nổi tiếng, bao gồm: “khí vận sinh động, cốt pháp dụng bút, ứng vật tượng hình, màu sắc phù hợp, vị trí tiến hành và truyền thành hình ảnh“. Đây có thể coi là sự hệ thống hóa sớm của hội họa Trung Hoa.

“Cổ kim đàm tuyên hòa họa phổ” – Lục Tham Vi (Ảnh: junhomepk)
“Ngũ tinh nhị thập bát túc thần hình đồ quyển” – Trương Tăng Diêu (502 ~ 549) (Ảnh: epochtimes)

Trong thời kỳ này, Phật giáo đang rất hưng thịnh. Nghệ thuật hội họa trong Phật giáo cũng rất nổi bật. Hang động Đôn Hoàng nổi tiếng là kho tàng nghệ thuật tráng lệ của thế giới. Nhiều bức tranh tường đã được bảo tồn. Vào thời điểm đó, đã có không ít họa gia là người tu luyện. Ví dụ, câu chuyện “Vẽ rồng điểm mắt” của Trường Tăng Diêu đã được truyền lại từ lâu.

Truyền thuyết kể rằng Trương Tăng Diêu đã vẽ một vài con rồng trên tường của tự viện, trông giống như thật, nhưng không có mắt. Mọi người khi xem đã yêu cầu ông vẽ mắt để hoàn thiện con rồng. Nhưng Trương Tăng Diêu lại nói: “Nếu ta vẽ mắt cho rồng, rồng sẽ bay đi mất“. Mọi người không tin, yêu cầu ông lập tức vẽ mắt rồng. Khi Trương Tăng Diêu vừa vẽ xong đôi mắt, đột nhiên trời có mây, sấm sét; con rồng đột nhiên phá vỡ bức tường mà bay lên bầu trời rồi biến mất.

Sự thịnh vượng và trưởng thành của hội họa trong triều đại nhà Tùy và nhà Đường

Triều đại nhà Tùy (581 – 618), trở thành cầu nối cho sự chuyển giao hội họa từ triều đại Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều sang nhà Đường. Nghệ thuật vẽ tranh chủ yếu được triều đình quý tộc hoàng gia sử dụng với mục đích thẩm mỹ và thờ cúng. Thể loại tranh thời này bao gồm tranh tường trong điện thờ và tranh cuộn.

Các đối tượng được miêu tả gồm non nước cảnh vật, cũng có những câu chuyện về con người. Phong cách hội họa có xu hướng phong phú hơn. Trong số các tác phẩm được lưu truyền, cái tên phổ biến nhất là “Du Xuân Đồ” của Triển Tử Kiền. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên trong lịch sử hội họa sơn thủy Trung Hoa. Từ giai đoạn mới chập chững của tranh sơn thủy với “Nhân đại vu sơn, thủy bất dung phiếm” (người lớn hơn núi, không nhìn thấy nước) bước vào một kỷ nguyên mới của “Thanh lục đậm màu, công phu tinh tế” đầy màu sắc.

“Du xuân đồ” – Triền Tử Kiền, nhà Tùy (Ảnh: wikipedia)

Nhà Đường là thời kỳ huy hoàng nhất trong nền văn minh thần truyền 5.000 năm của Trung Hoa. Cùng với đỉnh cao của các bộ môn nghệ thuật khác nhau như văn học, thơ ca, âm nhạc, khiêu vũ, điêu khắc và thư pháp, hội họa cũng đã bước vào giai đoạn thịnh vượng. Vào thời điểm này, các bức tranh đã được chia thành các chủ đề: phong cảnh, hoa điểu, quỷ thần, ngựa chiến, nhà cửa v.v..

“Giang phàm lâu các” – Lý Tư Huấn (Ảnh: Pinterest)

Các họa sĩ nổi bật có thể kể tới Diêm Lập Bản, Lý Tư Huấn, Ngô Đạo Tử, Vương Duy, Tào Phách, Hàn Kiền, Trương Huyên, Chu Phưởng, Biên Loan v.v … Họ đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, như các tác phẩm: “Lịch đại đế vương đồ”, “Bộ liễn đồ“, “Giang phàm lâu các đồ“, “Tống tử thiên vương đồ”, “Tuyết khê đồ“, “Ngũ ngưu đồ”, “Quắc quốc phu nhân du xuân đồ”, “Trâm hoa sĩ nữ đồ” v.v.. Tất cả đều đã trở thành kiệt tác của thời đại; không chỉ đối với các thế hệ tương lai, mà cả các nước phương Đông khác, luôn có tác động vô cùng sâu sắc.

”Bộ liễn đồ” – Diêm Lập Bản (Ảnh: wikiwand)

Điều quan trọng nhất về các bức tranh thời nhà Đường là các họa sĩ thời đó đã có thể đối mặt với hiện thực. Tư liệu của họ không chỉ chạm đến các sự kiện chính trị xã hội lớn thời bấy giờ, mà còn chú ý đến các hoạt động khác nhau trong cuộc sống hàng ngày của con người.

Mặc dù các đối tượng của các bức tranh chỉ giới hạn trong hoàng gia và những người giàu có, nhưng việc tạo hình của các nhân vật này tạo được những đặc trưng nhất định. Đối với việc mô tả cảnh quan thiên nhiên, hai phong cách khác nhau của màu xanh lá cây phản ánh sự rộng rãi của ý tưởng nghệ thuật và sự phong phú của kỹ thuật thể hiện từ các họa gia.

“Tuyết khê đồ” – Vương Duy (Ảnh: m.guohuas)

Các bức tranh thời nhà Đường rất gần với nghệ thuật, văn học đương đại (thơ ca, âm nhạc, thư pháp, khiêu vũ). Ví như Ngô Đạo Tử sau khi xem Bùi tướng quân múa kiếm đã vẽ lên bức “Hữu nhược thần trợ“. Trương Húc xem Cửu nương Công Tôn múa kiếm mà viết lên một trang Thảo thư. Thi nhân Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị bàn luận không ít về họa thơ. Họa sĩ Vương Duy thì lại có “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, trong họa có thơ); loại quan hệ mật thiết này ảnh hưởng lẫn nhau, cùng nhau làm nên một lịch sử hội họa đời Đường kiệt xuất.

(Còn tiếp)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Clip hay: 

videoinfo__video2.dkn.tv||8d5a9c0d1__

Xem thêm: