String Quartet No. 12 cung Mi giáng trưởng Opus 127 của Beethoven là một tác phẩm tứ tấu đàn dây, dành cho 2 violon, 1 viola, 1 cello, được hoàn thành vào năm 1825. Tác phẩm đem đến cảm giác yêu đời, sảng khoái, trở thành một ấn tượng tròn trĩnh, hài lòng cho thính giả

Tác phẩm bao gồm bốn chương với một màn trình diễn cho toàn bộ tác phẩm mất khoảng 36 phút đến 38 phút. Beethoven ban đầu lên kế hoạch thêm hai chương bổ sung: một giữa chương 1 và chương 2, và một giữa chương 3 và chương 4.

  • Chương 1: Maestoso (2/4) – Allegro (3/4) in E♭ major
  • Chương 2: Adagio, ma non troppo e molto cantabile (12/8) – Andante con moto (C) – Adagio molto espressivo (cut C) – Tempo I (12/8) in A♭ major
  • Chương 3: Scherzando vivace (3/4) in E♭ major
  • Chương 4: Allegro (cut C) in E♭ major

Clip là trọn vẹn tác phẩm biểu diễn bởi nhóm tứ tấu Orion String Quartet:

Chương 1 mở đầu với những câu chủ đề rất ngọt ngào ẩn chứa biết bao trải nghiệm tinh thần của tác giả. Và mặc dù được chơi trên cung nhạc Mi giáng trưởng mượt mà, nhưng chương 1 chia làm 2 phần rất rõ rằng:

  • Phần 1 nhịp 2/4 tốc độ Maestoso
  • Phần 2 nhịp 3/4 tốc độ Allegro.

Đây là một trong những tác phẩm quý giá của tác giả trong thời kỳ cuối, nên trong tác phẩm thính giả có thể cảm nhận được những kinh nghiệm âm nhạc mà cả đời ông đã tích góp, tất cả đã trở thành một phong cách cổ điển lãng mạn hoàn hảo.

Chương 2 được chia làm 4 phần vô cùng tinh tế:

  • Phần 1 nhịp 12/8 du dương đầy lòng mong mỏi bi mẫn với tốc độ chậm Adagio, ma non troppo e molto cantabile
  • Phần 2 nhịp 4/4 tốc độ Andante con moto
  • Phần 3 nhịp C bổ đôi, tốc độ Adagio molto espressivo
  • Phần 4 quay về nhịp 12/8 với Tempo I

Và tất cả được chơi trên cung nhạc La giáng trưởng, đối với tứ tấu đàn dây sẽ tạo nên những hơi thở tinh thần trầm ấm, lôi cuốn.

Chương 3 quay trở về cung nhạc Mi giáng trưởng với hình thức Scherzando và tốc độ vivace, nhịp 3/4, nên rất sinh động lôi cuốn, thể hiện niềm lạc quan như bất tử của nội tâm.

Chương 4 giống như một sự bùng nổ lạc quan tiếp nối với chương 3, nhưng có phần hoa mỹ, vui tươi, hài hước hơn. Được chơi trên cấu trúc nhịp C bổ đôi, tốc độ nhanh Allegro. Và như vậy nhiệm vụ của chương kết này tạo một cảm giác yêu đời, sảng khoái, trở thành một ấn tượng tròn trĩnh, hài lòng cho thính giả.

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827)

Ludwig van Beethoven là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như: Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight)Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring)Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.