Beethoven khoảng 30 tuổi khi ông viết bản Sonata này. Ông đã tự đặt tên cho mình ở Vienna là nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc và đang bắt đầu khám phá những thay thế cho các phương pháp cổ điển của thế kỷ XVIII

Opus 27 của Beethoven gồm 2 tác phẩm được chính ông đặt cùng tên là “Quasi una fantasia”, mà cho đến nay người ta vẫn chưa biết chính xác tại sao ông lại đặt nhan đề này cho cả 2 bản Sonata. “Quasi una fantasia” khi gắn với Sonata có thể hiểu là “Sonata trong tưởng tượng”

Bản No. 2 chính là bản “Sonata Ánh trăng” lừng danh

Bản No. 1 là: Piano Sonata No. 13 in E-flat major “Quasi una fantasia”, Op. 27, No. 1 – bản Sonata dành cho độc tấu piano số 13 trên giọng Mi giáng trưởng, được viết trong năm 1800-1801. Tác phẩm được tặng cho Công chúa Josephine von Liechtenstein. 

Tác phẩm gồm 4 chương:

Chương 1: Andante – Allegro – Andante

Chương 2: Allegro molto e vivace

Chương 3: Adagio con espressione

Chương 4: Allegro vivace

Clip là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn trực tiếp bởi nghệ sỹ Anna Vinnitskaya

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Cấu trúc âm nhạc của chương 1 gồm 5 phần có thể phân chia theo sơ đồ ABACA. Tức là bắt đầu phần 1 là chủ đề A, rồi sang chủ đề B, rồi tái hiện A, sau đó sang chủ đề C rồi lại tái hiện chủ đề A. Tất cả đều được viết trên giọng Mi giáng trưởng, ngoại trừ chủ đề C được viết trên giọng Đô trưởng. Còn về nhịp cũng rất sinh động, bắt đầu bằng nhịp chậm Andante, sau đó đột biến lên nhịp nhanh Allegro rồi lại dịu đi về nhịp Andante.

Chương 1 ẩn chứa những khung cảnh tuyệt đẹp trong trí tưởng tượng của Beethoven (Nguồn ảnh: Pixabay)

Chương 1 như gợi lên những giấc mơ ngọt lành trong sáng, chất chứa mọi nỗi niềm ước ao thơ mộng, trong đó, phần trung tâm bùng lên những cao trào như muốn phá vỡ sự mơ hồ mộng mị để trở nên lộng lẫy, lãng mạn, thực tế và mãnh mẽ.

Đây là một chương nhạc vô cùng lạ lùng đối với bản Sonata, bởi những mầu sắc hòa âm rất mới, gây cảm giác chơi vơi lãng mạn… (Nguồn ảnh: sohu.com)

Cấu trúc âm nhạc của chương 2 dựa trên motif sôi động tươi tắn của Scherzo, và được viết trên giọng Đô thứ, riêng điệp khúc viết trên La giáng trưởng.

Phải thừa nhận rằng đây là một chương nhạc vô cùng lạ lùng đối với bản Sonata, bởi những mầu sắc hòa âm rất mới, gây cảm giác chơi vơi lãng mạn, lấp lánh cuồn cuộn, dường như là chơi vơi cuồn cuộn trong nỗi cô đơn nguyên thủy của con tim.

Nhưng nó được lấp đầy ngay bởi phần Trio trên giọng La giáng trưởng có phần rộn ràng nao nức. Và rõ ràng không phải tự nhiên mà Beethoven lại đặt tên cho Sonata là “Trong sự tưởng tượng”. Điểm nổi bật còn lại của chương nhạc chính là sắc thái nhấn mạnh mẽ tinh tế ào ạt đến say đắm.

Chương 3 gợi lên khung cảnh lãng mạn, trữ tình…

Cấu trúc âm nhạc của chương 3 giống như của một bản tình ca lãng mạn, biểu hiện trên sơ đồ ABA, tức là bắt đầu chủ đề A, sau đó đến điệp khúc B rồi tái hiện lại A. Tất cả 3 đoạn đều được viết trên giọng La giáng trưởng. Và thính giả cũng đã biết Beethoven thiên tài ra sao khi ông soạn nhạc trên nhịp chậm Adagio.

Như vậy chương 3 như để thính giả rơi vào những tương tư lặng lẽ trong coi lòng mệnh mông vô tận, với những nét nhạc đậm chất trữ tình cùng những câu láy nốt thánh thót con tim. Nếu để ý kỹ hơn câu chủ đề của chương 3, thính giả có thể thấy Beethoven thả vào một vài nốt nhạc mang cảm tính ngây ngô như của người mới học chơi trước khi rơi hẳn vào sự bồng bềnh của lãng mạn. Chính điều đó đã khiến chương nhạc của ông tăng thêm sự trong sáng tuyệt vời.

Chương 4 vẫn là chương nhạc tổng hòa đỉnh cao của bản Sonata… (Nguồn ảnh: steemit.com)

Cấu trúc âm nhạc của chương 4 có thể biểu thị trên sơ đồ sau ABACAB, tức là gồm 6 phần gồm: Chủ đề A nối sang chủ đề B, rồi tái hiện A, chuyển sang chủ đề C, tái hiện A rồi tái hiện B kết thúc.

Có thể nói chương 4 tuy tạo nên cảm quan tinh thần khá khác biệt với cả 3 chương trước nó, bởi tính mạnh mẽ, tích cực xuất hiện dồn dập.

Tuy nhiên chương 4 vẫn xuất hiện rất nhiều những màu sắc quý trong hòa âm là đặc thù của những chương trước, chúng được tái hiện rất tế nhị và đầy nghệ thuật, riêng chủ đề mở đầu của chương 3 thì được tái hiện rất rõ ràng, tạo nên sự tương phản vô cùng lãng mạn. Cho nên có thể thấy, chương 4 vẫn là chương nhạc tổng hòa đỉnh cao của bản Sonata

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương