Chẳng có vi lô hiu hắt,
Chẳng có lá đổ rừng chiều…

Dịch Thủy chiều nay,
không trắng tuyết.
Bạc đầu Kinh Kha,
Một chén quan hà, uống mãi chẳng thèm say..

Nghe cửa bể,
đổ đầy đom đóm…
Răng rắc chốn Thái Hư kia, từng mảnh, rụng rơi đầy…

Ta ôm một khối mê
Lão-Bệnh-Tử,
nắm chặt tay…
Mê mệt, khổ đau, rên xiết đêm ngày.

Danh vọng đủ đầy
Tiền tài luyến tiếc
Tình trao mắt biếc,
Biết bao giờ buông bỏ được đây?

Ước được như Trăng, Sao
Tỏa sáng một mình.
Tâm tự minh,
Ra ngoài Bệnh, Lão,Tử, Sinh kiếp Người..

Người mà
đến thế
Thì thôi…

La Vinh

Chú thích:

  • Kinh Kha: là người nước Vệ, là môn khách của Thái tử Đan nước Yên và là người rất nổi tiếng vì đã ám sát bất thành Tần Thuỷ Hoàng (cai trị từ 221 TCN đến 210 TCN). Câu chuyện về Kinh Kha được chép lại ở thiên Thích khách liệt truyện trong cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên.
  • Dịch Thủy: là tên của dòng sông ở biên giới nước Triệu, nơi Kinh Kha đã ứng tác hai câu thơ với các bạn đi tiễn: Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn/ Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản. Dịch: Gió hiu hắt chừ, Dịch thuỷ lạnh ghê/ Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về.
  • Quan hà: Là cửa ải và sông, chỉ sự xa xôi cách trở
  • Thái Hư: Chỉ khoảng không rất lớn

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa và Nghệ thuật Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm: