Đất trời sắp chuyển mình sang xuân, thay chiếc áo nhuốm màu ảm đạm giá lạnh, khoác lên mình vẻ tươi tắn của ánh nắng xuân. Ta thả hồn lắng nghe từng giọt đàn rơi như những giọt sương tuyết tan trên cành lá. Đó chính là âm hưởng của giai điệu Dương Xuân Bạch Tuyết- Khúc nhạc trác tuyệt được thể hiện bằng tiếng cổ cầm thánh thót.

Trong thập đại danh khúc bất hủ của nghệ thuật âm nhạc Trung Hoa cổ xưa, có một nhạc khúc mang trong mình sự vui tươi, mang hơi thở mới đầy sức sống, khiến tâm ta nhưng được thư thả. Nhắm mắt lắng nghe sự chuyển mình của trời đất, rồi ngẫm tưởng tới sự chuyển dời của thế sự.

Nhắm mắt lắng nghe sự chuyển mình của trời đất, rồi ngẫm tưởng tới sự chuyển dời của thế sự. (Ảnh: pixabay.com)

Cổ cầm là thứ nhạc cụ rất kén chọn người chơi và kén chọn cả người nghe. Sự quyền quý tới bí hiểm của mỗi cung dây cất lên như một thứ âm thanh đầy mê hoặc. Người chơi nhạc cụ này khó thể hiện cho thấu suốt thần thái của bản nhạc, người nghe lại càng không dám vội vàng khẳng định mình hiểu hết ý tứ của từng nốt nhạc, tiết tấu – nhất là khi cổ cầm chỉ được chơi khi lòng người tĩnh lặng và có kẻ tri âm hiểu thấu lòng mình.

Đại Kỷ Nguyên xin được gửi tới độc giả bản nhạc huyền thoại bằng tiếng cổ cầm để ru hồn ta về với một cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tận hưởng trọn vẹn hương sắc đất trời vào xuân qua từng nốt nhạc tinh tế.

Sau tất cả những ồn áo náo nhiệt, ta muốn tìm một chốn bình yên, khi đông tàn được xua đi là ánh xuân ngập tràn từng ngọn cỏ

Sau những ngày ngủ đông vùi mình trong giá lạnh, cây cối vạn vật như hoang tàn xơ xác, cành cây khẳng khiu trút bỏ hết chiếc lá xanh, một mình chống chọi với giá lạnh. Không thấy hơi thở nào ấm cúng cho tới ngày giọt nắng đầu tiên lấp ló sau đám mây, từng chút lạnh giá dần dần ấm áp trở lại, vạn vật như bừng tỉnh sau giấc ngủ vùi.

Tiếng tí tách bên giọt thềm, tiếng chim hót thánh thót như một bản nhạc du dương khiến ta như say mê mà khép hờ đôi mắt.

Tiếng cổ cầm vang lên từng nhịp nhẹ nhàng, cách ngắt nhịp như tiếng giọt sương tan trên cành cây, nhỏ giọt, nhỏ giọt.

Tiếng cổ cầm vang lên từng nhịp nhẹ nhàng, cách ngắt nhịp n như tiếng giọt sương tan trên cành cây, nhỏ giọt, nhỏ giọt. (Ảnh: pinterest.com)

Bắt đầu là những nốt nhạc réo rắt trầm bổng với những nhịp ngắt đầy mê hoặc. Như có tiếng suối chảy, như có tiếng thác đổ – vừa mạnh mẽ dứt khoát lại vừa có gì đó lưu luyến, vấn vương.

Dương Xuân Bạch Tuyết, ấn tượng ban đầu không phải một sự bí ẩn, một khúc bi ca với cung âm buồn bã, mà là một bản nhạc vui tươi mà chẳng kém phần du dương.

Dương Xuân Bạch Tuyết, ấn tượng ban đầu không phải một sự bí ẩn, một khúc bi ca với cung âm buồn bã, mà là một bản nhạc vui tươi mà chẳng kém phần du dương. (Ảnh: japanair.com)

Âm nhạc lấy căn bản là dây Giốc trên cung dây của cổ cầm, chính là lời chào đón mùa xuân, đánh thức vạn vật tỉnh giấc ngủ vùi. Sự sáng khoái tới thanh tịnh, hòa mình với nhịp sống của đất trời, con người như thu nhỏ lại nằm trọn trong vòng tay của đất trời vào xuân.

Mùa xuân đến mang theo sắc hoa tươi thắm làm rợp lên cả một vùng trời đầy sức sống. Một khu vườn, một cánh rừng, một dòng suối nhỏ rồi đến cả một con sông lớn cũng tràn đầy sinh khí của một mùa mới.

Dương xuân bạch tuyết mang âm hưởng của mùa xuân, mùa của sự sống, của hi vọng. Mùa của vạn vật đâm chồi nảy lộc, khát khao tươi mới sau những tháng ngày ảm đạm u sầu.

Nếu như ai đã từng nghe Cao Sơn Lưu Thủy – bản đàn của tình tri kỷ Bá Nha – Tử Kỳ thì hẳn sẽ  không thể quên bức tranh hữu tình được dệt lên bằng tiếng đàn, tình trong cảnh, cảnh phô tình.

Có những nỗi lòng bình yên như đứng trước một ngọn núi cao mây trôi lững lờ, khi tâm tư lại ngổn ngang cồn cào như một dòng nước chảy xiết về một nơi nào đó xa khuất nẻo đường mây, vô phương vãn hồi hay truy tầm… thì khi lắng nghe Dương xuân bạch tuyết, cũng có cẩm nhận về bức tranh thiên nhiên đất trời như sự khởi sắc đầy tươi vui, nhưng cũng âm thầm gói ghém những tâm sự suy tư của một bậc quân tử.

Tiếng cổ cầm như lời của một đấng trung quân hiên ngang trước bão tố thi phi, tinh khiết như nhành mai mà chẳng một nỗi run sợ

Tiếng cổ cầm như lời của một đấng trung quân hiên ngang trước bão tố thi phi, tinh khiết như nhành mai mà chẳng một nỗi run sợ. (Ảnh: pinterest.com)

Tích xưa kể lại rằng: Dương Xuân Bạch Tuyết là bản đàn gắn liền với lời giãi bày của Tống Ngọc với vua nước Sở. Khi còn làm quan, Tống Ngọc thường bị gian thần ghen ghét, đưa chuyện. Ông chẳng được kẻ sĩ khen ngợi bao giờ. Sở vương thấy làm lạ mới thắc mắc thì nhận được câu trả lời đầy chính trực của Tống Ngọc:

“Khách có kẻ ca hát nơi kinh đô, thoạt đầu hát khúc Lý Hạ Ba Nhân, trong nước khen hay và họa kể lại mấy ngàn người. Rồi hát bản Dương A Dạ Lộ, người khen và họa, rút xuống còn có vài trăm. Đến bài Dương Xuân Bạch Tuyết, khen và họa, còn lại chỉ có vài mươi người… Là vì khúc hát ý càng cao, thì người họa lại càng ít.

Bậc thánh nhân hành vi trác việt, siêu nhiên và xử sự theo mình, người trong thế tục hiểu sao được hành vi của thần!”

Qua đó mà thấy rằng, bản Dương xuân bạch tuyết hoàn toàn không phải là một bản nhạc tầm thường, có gì đó siêu phàm, bứt phá khỏi sự ràng buộc hay những định kiến của con người. Nó mang tầm ý nghĩa thâm sâu mà không phải ai cũng hiểu được.

Từ ý tứ, giai điệu đến cách thể hiện đều của Dương xuân bạch tuyết đạt đến mức xuất chúng tựa như một bậc thánh nhân. Nó có cái thần thái riêng, cái khí khái riêng khiến cho người ta có thể đem ra so sánh với phẩm chất của một đấng trung quân.

Lắng nghe từng nốt nhạc thánh thót nối tiếp nhau, người ta không chỉ thấy được một bức tranh thiên nhiên xinh đẹp trong thời điểm chuyển giao đất trời vào xuân, mà ở đây ta thấy sự gắng gượng yếu đuối của chút hơi lạnh mùa đông như lời nói thị phi của kẻ tiểu nhân bị khuất phục trước khí chất của một bậc quân tử ngạo nghễ ở đời.

Ánh nắng của mùa xuân như lời của một đấng nam nhi tiết tháo, đủ xua tan đi mọi gièm pha, ganh ghét ở đời. Đủ làm tan chảy từng bông tuyết, thay cho đất trời chiếc áo màu trắng ảm đạm, lạnh lẽo ngự trị suốt những tháng ngày đông giá.

Trong tiếng đàn trầm bổng như thái độ ung dung, khoan thai, hòa ái, coi danh tiếng ở đời nhẹ nhàng như nước chảy bên tai, làm lòng người yên ả, sảng khoái, mơ màng.

Khẽ nhắm đôi mắt, nghe tiếng cổ cầm Dương xuân bạch tuyết, mà ta mường tượng tới một nhành mai gầy cô độc nhưng mang đầy đủ khí tiết của một bậc quân tử, coi nhẹ lời khen chê thế gian, lấy sự thanh tao chính trực của bản thân mà đo lòng của chính mình. Lời thị phi chẳng làm cho tâm kia ô uế. Ganh ghét hơn thua chẳng đo được lòng quân tử.

Nhành mai gầy cô độc nhưng mang đầy đủ khí tiết của một bậc quân tử, coi nhẹ lời khen chê thế gian, lấy sự thanh tao chính trực của bản thân mà đo lòng của chính mình. (Ảnh: cpc.vn)

Những trò chơi của định mệnh như hạt nắng nghịch ngợm trên ngọn nhành mai, chẳng đủ làm cho nhành mai gãy rụng, mà càng làm cho bông mai khoe sắc đua hương.

Dương xuân bạch tuyết quả thật là một bản nhạc kiệt tác mà khiến người đời qua nhiều thế hệ không thể giải đáp được hết những ẩn khúc bên trong. Chỉ biết rằng, âm thanh reo rắt ấy không khiến người ta bi lụy, không phải là những phút trầm tư tĩnh mặc, mà đó là một bức tranh đầy sức sống, sinh động và cuốn hút.

Mặc dù người nghe vẫn cảm nhận được một chút hồi hướng như vẻ bức bối, nỗi lòng giãi bày tâm sự của một bậc trung quân, nhưng còn rất nhiều những ẩn khúc phía sau mà chưa được sáng tỏ.

Bản nhạc được nghe đi nghe lại rất nhiều lần, nhưng nó vẫn còn chứa đựng những bí ẩn phía sau mà cho tới tận hôm nay, chính những bí ẩn đó đã tạo lên giá trị của Dương xuân bạch tuyết. Nó vẫn là một phần không thể thiếu của Thập đại kiệt tác cổ cầm – và tuồng như là khúc nhạc duy nhất có những niềm vui của một mùa mới khởi đầu cho sự sống hồi sinh.

Tịnh Tâm