Vào những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỉ trước, quà Tết thường rất giản dị, mộc mạc. Các món quà nghiêng về bộc lộ tình cảm yêu quý, kính trọng, sự quan tâm đến nhau giữa người với người hơn là mang giá trị vật chất. Quà người bình dân dành làm quà biếu thường chỉ là những món quà theo đúng nghĩa của nó, cái tình của người nghèo dành cho nhau.

Người ta biếu món quà mà mình cho là quý nhất, rất ít khi hiểu rằng người nhận có thích nó hay không. Đó có thể là phong bánh khảo, gói chè mạn, vài lạng đường hay dăm lá trầu, mấy quả cau, cút rượu nếp; thảng hoặc, có người còn biếu một cành đào chúm chím nụ xuân, một cây quất chín mọng trái vàng…

Người được biếu quà thường là các bậc bề trên hoặc người ruột thịt trong nhà như ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì hai bên nội ngoại. Cũng có lúc, học trò biếu quà cho thầy giáo. Vào thời ấy, tuyệt nhiên không nghe thấy có chuyện cấp dưới biếu quà cho cấp trên. Có hay không, tôi không biết hoặc chưa được biết…

Ảnh: Botoquanmoc.com

Biếu quà cũng có những quy tắc nhất định, tuy không thành văn nhưng ai cũng phải nhớ và thực hiện cho đúng khuôn phép, bởi đó là một biểu hiện của sự trưởng thành, sống có trước có sau, biết trên kính dưới nhường. Ví như, các con phải biếu cha mẹ trước tiên. Quà biếu cha mẹ, con cái phải tự mang đến biếu mới được cha mẹ chấp nhận. Sau khi biếu quà cha mẹ xong, anh em đồng vai phải lứa mới được biếu quà cho nhau. Món quà ấy, các bậc bố mẹ sai con cái mình mang tới cho cô dì chú bác đã được coi là phải phép. Riêng quà biếu thầy, trò phải đi cùng với bố, mẹ hoặc ông, bà thì thầy mới tiếp đón.

Ngoài quà biếu, con cái trong gia đình, tùy theo hoàn cảnh, có thể góp lễ để cha mẹ cúng bái tiên tổ và làm cỗ đãi con cháu. Lễ có thể góp bằng tiền hoặc hiện vật, như lít rượu, con gà, vài cân gạo nếp, gạo tẻ… Việc góp lễ, chỉ có cha mẹ biết, anh em không ai được rõ ai góp nhiều hay góp ít hơn.

Vào ngày mùng một Tết, mỗi gia đình thường cử một hai đứa trẻ thay mặt cả nhà đi mừng tuổi. Chúng mừng tuổi ông bà, cô dì, chú bác bằng một phong bánh khảo, ba lá trầu, một quả cau và một bài chúc muôn thuở: “Năm mới năm me, cháu chúc ông bà (hay cô, bác…) khỏe bằng năm bằng mười năm trước, thóc tiền như nước, đi một bước mười bước vui, con đàn cháu đống, sống thọ bách niên..”. Chúng vui như Tết khi được người lớn mừng tuổi. Năm xu. Nhiều thì một hào (Tính theo giá trị tiền bây giờ, chỉ vào khoảng năm đến mười ngàn đồng, đủ mua một nắm xôi nhỏ).

Ảnh: Botoquanmoc.com

Nói về quà Tết, người ta hay nói “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Riêng thầy giáo của tôi lại bảo: “Chính xác ra thì phú chỉ sinh ra lễ, quý mới sinh ra được nghĩa con ạ”. Vì sao ư? Vì giàu có mới sinh ra các thủ tục nhiêu khê bó buộc con người. Chỉ có quý nhau mới sống trọn tình vẹn nghĩa theo lẽ tự nhiên. Nói khác đi, phú sinh lễ là lý, quý sinh nghĩa là tình. Người Việt duy tình, ít duy lý. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của Nho giáo, người ta vẫn phải cố gắng duy lý. Câu “Của biếu không bằng cách biếu” có thể bắt nguồn từ đây chăng. Thành ra, quà biếu Tết là tình đấy, mà khi đem biếu vẫn phải thực hiện đủ các bước của lý. Dĩ nhiên, ở đâu đó, trong những hoàn cảnh cụ thể, người ta chỉ làm theo thói quen một cách cảm tính. Khi cái tình che đi cái lý, nó tự đi vào cuộc sống và lâu ngày trở thành phong tục. Cái phong tục vừa có tình vừa có lý.

Năm 1964, chiến tranh lan rộng trên cả nước. Bom đạn, ly tán, tử sinh và nhiều thứ khác nữa đã làm xáo trộn cuộc sống bình thường. Lại do thường đói ăn, thiếu mặc và thiếu đủ mọi thứ tối thiểu khác trên đời, người ta không còn đi biếu quà Tết nữa. Trẻ con buồn hơn cả, vì Tết không còn tiền mừng tuổi.

Từ sau năm 1975 đến năm 1996, dư âm của chiến tranh vẫn chưa dứt. Tục biếu quà Tết vẫn chưa phục hồi hẳn mà thu hẹp đối tượng nhận quà lại. Lúc này, quà chỉ còn dành cho ông bà, cha mẹ.

Ảnh: Botoquanmoc.com

Tục biếu quà Tết thực sự trở lại từ năm 1997, khi Việt Nam được Mỹ gỡ bỏ cấm vận và bước vào thời kỳ phát triển. Ban đầu, tục biếu quà Tết giữ được những nét đẹp vốn có của truyền thống. Người ta hoan hỉ biếu nhau những tấm lòng qua những món quà dân giã hợp với khả năng của mình. Cặp bánh chưng xanh, cây giò lụa, mấy trái cam, trái quýt, trái dừa, dưa hấu… Lòng thành là chính. Quà chỉ là cái cớ để đến với nhau. Để ghi nhận một mối qua hệ trong sáng, chân tình. Nhưng càng về sau, việc biếu quà Tết càng biến dạng, thậm chí trở thành gánh nặng vật chất và tâm lý đối với nhiều người. Xã hội trọng vật chất, nhìn nhận và đánh giá con người qua vật chất khiến các giá trị tinh thần bị coi nhẹ. Ai đem danh lợi nhiều nhất cho mình thành kẻ được trọng vọng nhất. Có lẽ vì vậy mà người được biếu đầu tiên, với món quà Tết hậu hĩnh nhất (ví như giỏ trái cây, chai rượu ngoại và chủ yếu là một món tiền to) là các “sếp” trực tiếp hoặc gián tiếp. Tiếp sau đó mới là những người thân.

Điều buồn là, khi nhận quà Tết, không rõ tự bao giờ, ảnh hưởng gì từ xã hội, người ta hay so kè, ngắm nghía, đánh giá món quà bao nhiêu tiền, có xứng đáng với mối quan hệ của kẻ biếu và người nhận không. Người ta còn lấy mình để đo người, rằng tại sao kẻ biếu không biếu món quà mình thích nhận. Tại sao là quà mà hình thức lại xấu xí, chất lượng kém cao… Rất ít người nhận quà biếu Tết còn nhớ được, rằng, người ta biếu quà mình là do còn nhớ tới mình, dành cho mình sự kính trọng, mến yêu. Càng ít người nhận quà không hiểu quà biếu còn là một lời nhắc nhở. Món quà đắt giá nhắc ta phải cố gắng để bằng người, ít nhất ở cái tâm. Món quà giá trị vật chất nhỏ nhắc ta nhớ thuở hàn vi hoặc nhắc cho ta biết hoàn cảnh của người biếu còn khó khăn, cần ta giúp đỡ, san sẻ… Ở thành phố, do xã hội thiếu an toàn, ngày nay trẻ con không còn được tự mình đi mừng tuổi nữa. Chúng phải đi cùng bố mẹ. Tiền mừng tuổi, khó mà tưởng tượng được, gấp hàng chục lần ngày xưa. Người lớn quý trẻ, đâu biết mừng tuổi nhiều như vậy, cũng là một biểu hiện của thói trọng vật chất. Biểu hiện này ngấm vào người ta lúc nào, từ đâu, chẳng mấy ai biết để tự sửa mình.

Ảnh: CafeBiz

Qua báo chí, tôi được biết, trong chốn quan trường, nơi làm kinh tế, việc người ta lợi dụng quà Tết để hối lộ, một việc không bình thường đã trở thành bình thường. Theo VTV1, vào dịp trước Tết, người ta lại được chứng kiến cảnh xe hơi của người đi biếu quà đậu thành hàng dài ở Hà Nội, gây ra nạn ùn tắc giao thông trên đường phố. Khó coi quá! May mà chính phủ từ mấy năm nay đã ra lệnh cấm…

Biếu quà Tết, xét ở góc độ đạo đức lối sống, hình như vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi. Bởi làm người phải biết kính trên nhường dưới, biết yêu thương và chia ngọt sẻ bùi cùng những người thân yêu. Bởi làm việc ấy, người ta biết mình xứng đáng là một người con có hiếu, người anh, người chị, người em có tấm lòng bao dung, biết sống có phải trái, trước sau. Chưa làm xong việc ấy, người ta chưa thể an tâm, tự thấy mình như có lỗi với người, với mình. Khi hoàn tất việc biếu quà Tết, niềm vui như đã được nhân đôi, nỗi buồn như tiêu tan vơi nửa… Đó quả thực là một tập tục đẹp nên lưu giữ và truyền đến muôn đời. Việc xác định giá trị vật chất thế nào là món quà rất dễ mà cũng rất khó. Song có lẽ, món quà tinh thần mới thực sự là quà biếu Tết có giá trị cao nhất. Vì ở đó, giá trị đích thực của con người được tôn vinh, nhân cách con người được dịp bày tỏ; vẻ đẹp của sự quan tâm, kính trọng, yêu mến được phát lộ thật khiêm nhường song lại không hề kém phần rực rỡ…

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__

Từ Khóa: