Thơ Đường vốn ý ở ngoài lời, được coi là “ký thác”, nói lên tâm tình của người viết, ghi lại cảm xúc thật sự của mình trước hiện thực đời sống. Các nhà thơ sau thời Sơ Đường, mà điển hình là Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị, đã làm thơ “ký thác” theo 2 khuynh hướng chính là trữ tình, lãng mạn, hoặc hiện thực xã hội… Và trải qua bao nhiêu bể dâu những bài thơ ấy vẫn còn sừng sững cho đến ngày nay…

Tiếp theo Phần 1

Lâm Hòa Tĩnh (967-1028), một hiền sĩ ở Cô Sơn (Hàng Châu, Trung Quốc) vào đời Tống. Họ Lâm không vợ con, chỉ thích trồng hoa mai và nuôi chim hạc, nên người đời nói về ông: “Cưới mai làm vợ, nuôi hạc làm con”. Lâm Bô có để lại bài thơ “Mai hoa” được nhiều thế hệ truyền tụng. Đây là 4 câu đầu:

Chúng phương hoa lạc động huyên nghiêm
Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên
Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiên
Ám hương phù đông nguyệt hoàng hôn… “

(Hoa rụng hết, chỉ còn hoa mai tươi đẹp dưới bóng nắng,
Chiếm cả vẻ đẹp của mảnh vườn con.
Bóng cành thưa nằm ngang giữa làn nước trong nơi cạn,
Hương thoảng đưa nhè nhẹ dưới ánh trăng buổi hoàng hôn...)

Hai câu thực của bài thơ trên lại được cô đúc thành một câu:

“Ánh hương phù động, ảnh hoành tà.”

Cụ Giản Chi dịch:

“Chập chờn hương thoảng, bóng cành xiên ngang”

Ảnh: pinterest.com

Người ta khen rằng chỉ 7 chữ mà dịch giả lột tả đầy đủ vẻ đẹp của hoa mai!

Hai câu thơ khuyết danh này giải thích:

“Gió đông buốt giá dầu chưa đến
Vẫn cứ đâm chồi tỏa ngát hương.”

Nguyễn Trãi viết rất nhiều về Mai.Đây là hai câu trong ” Ngôn chí 15″:

“Quét trúc, bước qua lòng suối
Thưởng mai, về đạp bóng trăng”

Nguyễn Du thì :

“Cố chịu khổ với giá buốt trong ba tháng nữa
Để được vui mừng ngắm hoa mai nở trên đầu non”

Và thật hào sảng, đầy tự tin khi Cao Bá Quát coi Mai là “duy ngã độc tôn” cùng với mình:

“Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai”

Như vậy, mai là một loài hoa chứa đựng tất cả phẩm chất tuyệt vời của những người đang muốn vươn tới cảnh giới Giác Giả nhờ trải qua những hoàn cảnh dập vùi, những nghịch lý bon chen. Mai luôn luôn khoe sắc khiêm nhường mà tỏa hương thanh khiết… Mai là biểu tượng mà người xưa lấy đó để khắc kỷ và tin tưởng con đường Đạo Đức của mình sẽ đạt cảnh giới cao.

Những bài thơ của Lư Đồng thường rất dài. Hiếm khi ta gặp được 4 câu tứ tuyệt như thế này.

Thử lấy một tác phẩm của Ông để cho thấy ông luôn muốn làm người, tức là đưa mình vào khuôn phép Đạo Đức như thế nào?

Bài thơ này thực ra là một bức thư tạ ơn quan gián nghị gửi tặng cho mình một gói trà. Đời sau, người ta đặt tên cho tác phẩm là TRÀ CA.

Ông nói về món quà bất ngờ:

“Mặt trời lên cao trượng rưỡi, đang lúc ta ngủ say.
Bỗng quân lính đập cửa làm kinh động Chu công
Nói có thư của quan gián nghị.
Gói lụa trắng có ba dấu niêm phong.

Mở gói như thấy dung mạo ông gián nghị
Tự tay lựa ba trăm lá trà hình trăng non”

(Ảnh: Pinterest.com)

Vốn đã muốn thoát tục, giờ được thứ trà này, tác giả thưởng thức nó như một thứ tôn giáo:

“Khép cổng tre không tiếp khách tục
Đội mũ mão nghiêm chỉnh, tự tay đun nước.
Mây xanh lùa gió thổi không ngớt
Ánh sáng bồng bềnh màu hoa trắng ngưng kết trên mặt chén trà.”

Con người hiện đại khó mà thưởng trà được thế này. Bởi phải có tâm không phàm nhân mới chạm được sự tịnh không tinh tế:

“Chén thứ nhất trơn miệng thông họng.
Chén thứ hai xua tan sự cô đơn phiền muộn.
Chén thứ ba dốc sạch nỗi lòng
Chỉ còn bốn nghìn cuốn sách

Chén thứ tư toát mồ hôi
Mọi nỗi bất bình trong đời thoát hết ra ngoài theo lỗ chân lông.

Chén thứ năm xương thịt đều trong sạch.
Chén thứ sáu thông lên cõi Tiên.
Chén thứ bảy không nhấp nổi
Chỉ thấy lớp lớp gió mát sinh ra từ hai bên nách”

Một cảm giác lâng lâng như được thoát tục:

Núi Bồng Lai ở đâu ?
Ngọc Xuyên Tử cưỡi gió này sắp đến đó”

Nhưng chúng ta thật bất ngờ. Ông quan gián nghị trong triều kia chắc sẽ bất ngờ không kém:

“Các vị Tiên trên núi xa nơi hạ giới
Địa vị thanh cao cách biệt mưa gió.
Đâu biết trăm vạn muôn số phận chúng sinh
Rơi xuống ngục sâu chịu đau khổ.

Nhân đây xin hỏi quan gián nghị:
Dân chúng có được hưởng sung sướng chăng?”

Thật quá ngạc nhiên. Chỉ có Chân đến triệt cùng, nhà thơ mới có được câu hỏi đó!

Trong quan hệ người thường với nhau theo quan hệ “tiền trao cháo múc” thì ta cho đây là hành động xúc phạm “bỉ thử” nhau.

Nhưng tri âm tri kỷ, họ nói cho nhau để cùng “tu thân” dù bây giờ người thì ở chốn lều cỏ “nước lã cơm rau tùy phận”; người thì đang lãnh trọng trách “kinh bang tế thế” ở trong triều.

Các vị Tiên trên núi xa nơi hạ giới. Địa vị thanh cao cách biệt mưa gió. (Ảnh: Pinterest.com)
(Ảnh: Pinterest.com)

Đọc trang nhật ký ngày xuân của người xưa, có ai chợt tỉnh để hứa với mình:

“Nhất sinh đê thủ bái hoa mai?”

La Vinh