Tề điệt cảo của Nhan Chân Khanh, tác phẩm thư pháp nổi tiếng thời nhà Đường được khởi bút bởi một bậc trung quân, nó thể hiện trí tuệ và bản lĩnh anh hùng tráng kiệt qua từng nét bút. Bút pháp nghệ thuật của ông khiến người đời truyền tụng và ngưỡng mộ.

Nhân Chân Khanh (709 – 785) tự Thanh Thần, thường được người đời gọi là: Nhan Bình Nguyên, Nhan Lỗ Công, xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc ở thôn Đôn Hóa, huyện Trường An tỉnh Thiểm Tây. Ông được biết đến trong sử sách Trung Quốc cổ xưa là một vị quan thanh liêm, trung trực, một bậc trung quân ái quốc, vì nước mà xả thân. Nhắc tới ông, người ta liền nhớ tới những thành tích chính trị của ông, nhưng không chỉ có vậy, ông còn là một thư pháp rất nổi tiếng ở thời Đường, tác phẩm Tề điệt cảo được người đời đánh giá là “Thiên hạ đệ nhị hành thư” trong tam đại hành thư thư pháp thiếp (Đệ nhất là Lan Đình tự của Vương Hi Chi, và đệ tam là Hàn Thực thiếp của Tô Đông Pha), và là một trong 10 danh thiếp truyền thế của Trung Hoa.

Sự ra đời của tác phẩm Tề điệt cảo của Nhan Chân Khanh.

Vốn là người có tính cách ngay thẳng, không a dua xu nịnh theo tể tướng Dương Quốc Trung, anh của Dương Quý Phi, nên năm 753 Nhân Chân Khanh bị điều ra làm quan ở quận Bình Nguyên.

Quận Bình Nguyên mà Nhan Chân Khanh đến trấn nhậm thuộc Hà Bắc do An Lộc Sơn quản lý. Lộc Sơn có âm mưu tạo phản, nhưng Đường Huyền Tông chưa nhận thấy được mưu đồ. Riêng Nhan Chân Khanh lại ngầm đoán được con người Lộc Sơn trước sau cũng sẽ làm phản, liền chiêu mộ thêm binh sĩ, sửa sang thành quách ở Bình Nguyên, bên ngoài giả như không có sự bày binh bố trận chuẩn bị cho đối ứng với quân tạo phản, nên Lộc Sơn cũng không chút nghi ngờ.

Năm 755, An Lộc Sơn dấy quân làm phản từ Ngư Dương. Chiến sự nhanh chóng lan ra toàn Hà Bắc. Các thành trì khác không kịp phòng bị, rất mau bị quân Lộc Sơn hạ, riêng Bình Nguyên trụ vững trước sức tấn công của địch.

Khi ấy người anh họ của ông là Nhan Cảo Khanh làm thái thú ở Thường Sơn (nay là Chính Đinh, Hà Bắc) phái người con thứ 3 là Nhan Quý Minh liên hệ với Nhan Chân Khanh để hợp sức chống giặc.

Nhan Cảo Khanh. (Ảnh minh họa: Pinterest.com)

Nhan Cảo Khanh và quan trưởng sử Viên Lịch Khiêm bày kế giết tay chân của An Lộc Sơn, Lý Khâm Tấu trấn thủ ở ải Thổ Môn (nay là Tỉnh Kinh, Hà Bắc) cũng đoạt lại được Thổ Môn. Tình thế có chuyển biến tốt, Nhan Cảo Khanh lại phái con trưởng là Nhan Tuyền Minh áp giải tù binh về Trường An báo tiệp, đồng thời xin thêm quân cứu viện.

Không ngờ, trên đường khi qua Thái Nguyên, bị tiết độ sứ Thái Nguyên là Vương Thừa Nghiệp giữ lại, Vương muốn mạo nhận công lao, liền án binh, không cứu. An Lộc Sơn biết tin Hà Bắc có biến, phái Sử Tư Minh hồi binh trở lại Thường Sơn. Quân của Nhan Cảo Khanh bị cô lập, chiến đấu kịch liệt 3 ngày lương cạn, tên hết, cuối cùng thành bị phá và bị bắt làm tù binh.

Nhan Quý Minh bị sát hại, nhà họ Nhan bị giết hơn 30 người. Nhan Cảo Khanh bị áp giải đến Lạc Dương, vẫn anh dũng bất khuất, đầu tiên bị giặc chặt 1 chân, rồi bị lăng trì đến chết. Đến tận tháng 5 năm Càn Nguyên nguyên niên (758) Nhan Cảo Khanh mới được triều đình truy tặng chức Thái tử Thái bảo, ban thụy là Trung Tiết.

Nhan Chân Khanh khi ấy nhậm chức Thái thú Bồ Châu, sau khi nghe được tin này, liền phái con trưởng của Cảo Khanh là Nhan Tuyền Minh đến Thường Sơn, Lạc Dương để tìm di hài của Quý Minh và Cảo Khanh, chỉ tìm thấy đầu của Quý Minh và một phần di cốt của Cảo Khanh. Nhan Chân Khanh đã viết bản thảo văn tế người cháu là Quý Minh này để tạm thời an táng phần thi cốt tìm được.

An Lộc Sơn tạo phản. (Ảnh: iFuun)

Tề điệt cảo ra đời với tư cách là một bài tế cháu đã vào sinh ra tử, giữ trọn đạo trung tiêu diệt quân phản loạn An Lộc Sơn.

Bút pháp mạnh mẽ như một mãnh tướng tận trung được thể hiện trong bài tế Tề điệt cảo 

Tề điệt cảo của Nhân Chân Khanh viết theo lối hành thư trên giấy bản kích thước 28,2 x 75,5 cm, bao gồm 23 hàng, mỗi hàng từ 11 đến 12 chữ không giống nhau, tổng cộng 234 chữ.

Trong Tề điệt cảo viên bút trung phong, là lấy lối hành thư của bút pháp viên chuyển mạnh cứng triện thư làm cốt lõi, thu bút theo lối tàng phong.

Trong chữ có sự biến hóa, chuyển triết rất tự nhiên mà thâm sâu, có những chữ thể hiện tinh thần khí phách được đè bút thật mạnh, làm đậm nét của chữ, trong từng chữ có phần thể hiện hào khí của bậc anh hùng, tiết trung của mãnh tướng với dụng ý là ngợi khen tinh thần quả cảm, nên chữ đó có thể hiện được nét cứng nhưng lại rất đẹp, cái hồn của chữ rất tự nhiên. Nhưng có những chữ được thả lỏng cổ tay, với nét viết mềm mại, rồi nét dừng bút đột ngột, tất cả đều tạo thành một tâm thái mà người xem có thể cảm thụ được đó chính là tình cảm lâm ly, nỗi đau buồn khi mất đi người thân.

Đây được đánh giá là sự tài tình tuyệt vời của bút và tâm ý người cầm bút. Một nét đã phô bày tâm thái chuyển biến của từng mạch cảm xúc tình cảm của Nhân Chân Khanh.

Trong bản thảo của Tề điệt cảo từng chữ đều mang theo tâm tư, nỗi niềm bi phẫn trong lòng của tác giả. Những chữ được khoanh gạch, xóa chữ vẫn rải rác trong bài, nhưng lại tạo thành một nét độc đáo đặc sắc, nét đẹp tự nhiên không khoa trương chau truốt.

Chữ trong Tề điệt cảo mang những nét đậm mực, có nhà bình thư pháp cho rằng, công cụ mà Nhan Chân Khanh sử dụng khi viết là bút kiêm hào hoặc ngạnh hào ngắn và cùn, mực đậm và giấy bản nên tạo thành những nét mực khô sít.

Nhưng chính vì thế mà người thưởng ngoạn bức thư pháp của ông lại thấy được nét bút khô và mạch bút liền nối là một quá trình hành bút cũng như nét kì diệu trong sự thay đổi của bút phong.

Người đời sau học viết thư pháp đã lấy phong cách viết của ông mà học hỏi, nên ví Tề điệt cảo là một trong 10 danh thiếp truyền thế của Trung Quốc

Nhan Chân Khanh là một nhân tài trong chính sự, bậc trung quân ái quốc, một lòng vì xã tắc muôn dân, trong ông bộc lộ tiết khái của một quân tử, sống giữa triều đại với những ganh ghét, a dua, mà không làm sờn chí của người quân tử, ông giữ đạo hạnh tiết trung.

Cốt cách của ông thể hiện qua từng nét chữ trong nghệ thuật thư pháp khiến những người đam mê nghệ thuật này mãi kiếm tìm mà học hỏi, phải chăng muốn cảm thụ được nét chữ trong ông, thì trước tiên phải hiểu được cốt cách tinh thần của ông mới có thể hiểu được phần nào.

Thư pháp Tề Điệt Cảo (Ảnh: soundofhope.com)

Những hiểu biết và khám phá của người đời sau về tài hoa trong thư pháp của Nhan Chân Khanh cũng chỉ phần nào lí giải nông cạn. Do đó tư tưởng thâm sâu trong nghệ thuật bút pháp của ông mãi là kho báu bí ẩn mà người đời luôn tìm kiếm câu trả lời.

Tịnh Tâm