Trong lịch sử Trung Hoa, có không ít những mĩ nhân được ví là quốc sắc thiên hương, nhưng làm khuynh đảo triều chính, nước mất nhà tan, binh đao li tán. Nhưng lịch sử lại luôn dành những lời tán tụng tới những người phụ nữ không đẹp mà có tài, có trí tuệ vô song. Họ tuy “xấu” về ngoại hình nhưng thành tựu mà họ mang lại cho đất nước lại được người đời truyền tụng.

Một trong năm người phụ nữ được cho là ‘xấu nhất’ trong lịch sử Trung Hoa xưa mà chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả đó là Vương hậu của Tề Tuyên vương, quân chủ nước Tề thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa. 

Bà nổi tiếng là người đàn bà có tài, trí tuệ vô song, giúp chồng là Tề Tuyên vương quản lý rất tốt nước Tề. Tuy nhiên dung mạo của bà tương truyền là cực kì xấu xí, được mệnh danh là một trong ‘Ngũ xú Trung Hoa’.

Hình ảnh của bà là cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm sân khấu mà đời sau vẫn khắc họa để nhớ tới bà.

Chung Vô Diệm một vương hậu tài đức, trí tuệ hanh thông lỗi lạc

Ngay từ khi sinh ra, dung mạo của bà đã nói lên ý nghĩa cho cái tên của bà, Vô Diệm có nghĩa là không có diện mạo, ý nói xấu xí.

(Ảnh: AFamily)

Bà được miêu tả là một người đàn bà với trán dô, mắt trũng sâu như miệng hố, bụng to, mũi hếch, yết hầu trồi lên như đàn ông, da đen như hắc ín, đầu đã to mà lại ít tóc, lưng gù, chân như cột đình…

Chính vì bà xấu quá nên đến 40 tuổi mà Chung Vô Diệm vẫn chưa lấy được chồng. Thế nhưng, điều đáng kinh ngạc hơn cả là người đàn bà sở hữu vẻ ngoài xấu xí ấy lại trở thành vợ của Tề Tuyên Vương, một ông vua nổi tiếng háo sắc trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Tề Tuyên Vương (đầu thế kỷ 3 trước Công Nguyên) là một ông vua nổi tiếng về những trò vui thú thác loạn sắc dục. Tuyên Vương coi khinh trung thần mà coi trọng nịnh thần Vương Hoàn có tính ham rượu và chơi ngông. Tề Vương dùng tiền ngân khố mà xây Tuyết Cung, mở vườn săn để thỏa sở thích ngông cuồng.

Không những thế, nhà vua còn tín nhiệm nhóm Tắc Hạ quy tụ các triết gia, văn gia, chính trị gia, chuyên đàm thiên thuyết địa, không có gì thực tiễn, ưa nghe những lời xu nịnh bợ đỡ, nên dưới thời của Tề Vương 76 thành viên Tắc

Hạ đều được ăn lương Đại phu nhưng không giúp việc triều đình.

Dưới thời Tề Tuyên Vương chấp chính, chính trị rối loạn hủ bại, xã tắc bất an, bách tính lầm than cơ cực. Nguy cơ ngoại bang xâm lấn ngày càng mạnh khi nhà vua bỏ bê triều chính để hưởng thú vui sắc tửu.

Năm 316 trước Công nguyên, Yên Vương đem vương vị trao cho đại thần Tử Chi, dẫn đến đại loạn. Mạnh Kha là khanh tướng của Tề Vương, khuyên Tuyên Vương thừa cơ phạt Yên. Khuông Chương được giao nhiệm vụ lãnh đạo quân Tề tấn công nước Yên.

Sau 50 ngày, Khuông Chương chiếm toàn bộ lãnh thổ nước Yên, giết chết Yên Vương, bắt sống Tử Chi. Quân Tề còn tru sát bách tính, dân Yên phản kháng khiến Khuông Chương phải triệt thoái.

Mạnh Kha khuyên Tề Tuyên Vương lấy nhân đức mà mưu đồ dựng nước, không nên giết hại dân mà nên lập vua ở đất Yên. Nhưng Tề Tuyên Vương không nghe những lời trung chính.

Vào thời điểm nước sôi lửa bỏng, thì xuất hiện một người đàn bà vô cùng xấu xí, dung mạo bà được coi là đến quỷ dạ xoa còn phải kinh sợ. Người đó chính là Chung Ly Xuân.

Bà bất chấp cái chết có thể lấy đi cái đầu của mình, quyết tâm đến kinh đô đòi gặp bằng được Tè Vương mà can gián.

(Ảnh: Kknews.cc)

Tương truyền, hôm đó Tề Tuyên Vương mở đại yến vui đùa cùng với mĩ nữ và các quan lại. Trong lúc nhà vua đang vui vẻ, say mê yến tiệc thì ở ngoài ngọ môn có một người đàn bà trán rộng mắt sâu, hầu lộ, mũi cao, răng lồi, cổ bạnh, xông thẳng vào triều. Lính ngọ môn thấy người cổ quái như vậy liền chặn người đàn bà lại. Người đàn bà không hề kinh sợ mà bình tĩnh xưng danh: “Ta ở huyện Vô Diệm, họ Chung Ly tên là Xuân, tuổi gần 40 còn kén chồng. Nghe đại vương mở yến ở Tuyết Cung, ta đến yết kiến, xin vào hậu cung quét dọn”.

Nhìn thấy nhan sắc của Chung Ly Xuân, bọn lính đều bưng miệng cười, không cho vào. Tuy nhiên, trước thái độ kiên quyết của Chung Ly Xuân, một tên lính vào tâu với Tuyên Vương. Chung Ly Xuân được vào bái kiến Tuyên Vương. Vừa nhìn thấy dung mạo của Chung Ly Xuân, Tuyên Vương đã bịt mũi bảo Chung Ly Xuân phải đứng cách xa. Trong khi đó, bá quan văn võ đều ôm bụng cười ngặt nghẽo trước nhan sắc xấu xí của người đàn bà họ Chung. Tuyên Vương hỏi: “Phi tần trong cung quá nhiều, người nào cũng đẹp, mụ thì xấu quá. Chốn hương đảng chẳng ai hỏi tới mụ. Giờ mụ đến đây xin xỏ ta điều gì? Hoặc mụ có tài gì lạ không?”.

Chung Ly Xuân liền trợn mắt, hếch răng, vỗ vào đầu gối bình bịch, nói: “Nguy lắm! Nguy lắm!… Thiếp trợn mắt là thay vua nhìn vào cái nạn binh lửa, hếch răng thay vua trị tội những kẻ chống lại lời can gián, cất tay thay vua đổi kẻ sàm nịnh, vỗ gối thay vua đạp phá yến này”. Tuyên Vương nghe Ly Xuân nói vậy liền nổi giận, mắng: “Quả nhân làm sao có bốn điều ấy? Mụ nhà quê dám nói càn. Hãy lôi cổ ra ngoài!”.

Chung Ly Xuân bình tĩnh nói: “Khoan! Để thiếp kể bốn tội đó của đại vương rồi sẽ chịu chết. Thiếp nghe Vệ Ưởng nước Tần dùng biến pháp canh tân nước Tần thành một cường quốc, không bao lâu họ sẽ đánh ra ải Hàm Cốc, cùng với Tề quyết đề kháng.

Tất nhiên, Tề không cự lại Tần. Nay, đại vương trong triều không có lương tướng, ngoài biên thiếu canh phòng. Thần thiếp trừng mắt thấy đại vương thế đó”. Rồi Chung Ly Xuân lại tiếp lời: “Đại vương tham rượu, đắm sắc, bao nhiêu trang quốc sắc đại vương bắt đem về, bỏ bê triều chính.

Người trung nghĩa, bậc trí thức can gián, đại vương không hề nghe. Thần thiếp hếch răng nói với đại vương những lời đó. Bọn Vương Hoàn ưa xu nịnh, đám tắc Hạ khoa ngôn, đại vương tin bọn ấy, lương phạn cứ cấp đủ cho chúng, nhưng nước Tề ta chẳng nhận được gì. Bệ hạ bị chúng mê hoặc, xã tắc sắp đảo điên, nên thần thiếp mới thay đại vương đuổi bọn chúng! Đại vương xây Tuyết Cung, mở Liệp Uyển làm dân cùng nước kiệt, thiếp vỗ vào gối thay đại vương phá bỏ những thứ ấy đi”.

Hình vẽ minh họa Chung Ly Xuân. (Ảnh: Baidu.com)

Nói xong những lời can gián ấy, Chung Ly Xuân bèn quỳ lạy mà nói: “Hết lời! Đại vương giết đi”. Trước những lời lẽ thống thiết mà hợp tình, hợp lý của Chung Ly Xuân, Tề Tuyên Vương như bừng tỉnh, bèn than rằng: “Nếu không có lời Chung Ly nữ, ta không bao giờ thấy được những lỗi lầm của mình”.

Vậy là, Tuyên Vương lập tức dẹp bỏ hết yến tiệc, đem Chung Ly Vô Diệm về cung phong làm Vương hậu, đuổi tên Vương Hoàn, giải tán nhóm Tắc hạ… Sau đó, với sự trợ giúp của nàng Chung, vua Tề đã làm cho nước mình trở nên cường thịnh. Người có tài có đức trong thiên hạ thấy nhà vua sủng ái người đàn bà vừa già, vừa xấu nhưng đức hạnh đó càng tin tưởng, ra mặt cống hiến.

Chung Vô Diệm là một vương hậu có dung mạo xấu xí vô cùng, nhưng cái gì làm lên vẻ đẹp và sự kính nể của người đời dành cho bà? Phải chăng đó là tài năng, là trí tuệ là bản lĩnh hơn người và hơn hết thảy, bà đem trái tim bao dung và độ lượng của một người phụ nữ để hiểu thấu lòng dân, hiểu đạo trời. Để rồi từ đó bà đem tài trí của mình mà bình thiên hạ, mang lại cho muôn dân hạnh phúc ấm no.

Phải nói rằng, bà là một nhân vật hoàn toàn có thật trong lịch sử Trung Hoa cổ đại minh chứng cho câu thành ngữ: ‘‘cái nết đánh chết cái đẹp’’. Một người phụ nữ đẹp về dung mạo sẽ chẳng thể trường tồn với thời gian, nhưng một người có tâm hồn đẹp, lấy trí tuệ và tài năng là điểm hấp dẫn của mình thì cái đẹp đó mới thực sự là trường tồn.

Chung Vô Diệm qua góc nhìn nghệ thuật sân khấu

Những giai thoại lưu truyền về Chung Vô Diệm khiến đời sau ghi nhớ về bà là một người phụ nữ tài đức vẹn toàn, người ta dường như quên đi vẻ bề ngoài của bà. Trong con mắt hậu nhân bà là nguồn cảm hứng cho biết bao đề tài thơ ca, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu…

Trước tiên là vở tuồng cổ có tên Chung Vô Diệm. Đây là vở tuồng cổ mang nhiều giá trị mẫu mực của sân khấu tuồng truyền thống, Chung Vô Diệm cũng là một vai Đào Võ rất được yêu thích.

Khuất Nguyên là một nhà thơ, một chính trị gia nổi tiếng đã ca ngợi về tài năng và đức hạnh của bà bằng những lời thơ đẹp nhất, ông nói đức hạnh của bà tỏa sáng như ngọc dạ minh châu, bà là một người phụ nữ hoàn hảo.

Năm 1985 bộ phim truyền hình có tên Chung Vô Diệm của đạo diễn Trịnh Du Sinh lần đầu được trình chiếu đã thu hút rất nhiều khán giả với hình ảnh khắc họa về cuộc đời của vương hậu nước Tề khiến người xem tán thưởng say mê.

(Ảnh: Vietbao.vn)

Đến năm 2001 Hãng phim truyền hình của điện ảnh HongKong cho ra mắt bộ phim cùng tên của đạo diễn Trần Pháp Lai. Bộ phim một lần nữa lại gây tiếng vang trong lòng dân chúng về hình ảnh của một Chung Vô Diệm tài năng kiệt xuất, trí dũng song toàn, đạo đức, phẩm hạnh sáng trong như viên ngọc.

Câu chuyện về Chung Vô Diệm trong con mắt của hậu nhân dường như đã làm quên đi hình ảnh xấu xí mà thay vào đó là một vương hậu hoàn hảo từ tài năng tới đức hạnh. Bà xứng đáng được người đời ghi nhớ bởi những cống hiến của bà cho xã tắc muôn dân.

Tịnh Tâm