Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu thời đại, thực sự có tác dụng phản ánh các giá trị và thẩm mỹ của người đương thời. Đồng thời, ở chiều ngược lại nghệ thuật cũng ảnh hưởng đến bầu không khí xã hội và con người.

Từ cổ chí kim, vũ trụ luôn vận hành theo quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”: bất kỳ sự vật nào đều có một quá trình từ hình thành đến phát triển, duy trì, suy tàn và cuối cùng là diệt vong. Đồng thời khi sắp đi vào bước cuối hủy diệt, cũng có nghĩa là một cuộc sống mới đang tới gần.

To lớn như toàn bộ thiên thể và các thiên hà, nhỏ bé như các tế bào, từ vật chất đến sinh mệnh, bao gồm cả sự hưng thịnh và sụp đổ của mọi đế chế trong lịch sử nhân loại, sự thay thế các triều đại, sự hưng suy của các nền văn minh, tất cả đều không nằm ngoài quy luật này, tuần hoàn tiếp diễn không ngừng.

Đi cùng sự phát triển và tiêu vong của những nền văn minh này, nghệ thuật của con người cũng đã trải qua nhiều sự phát triển và suy tàn. Nghệ thuật luôn đi kèm với những bước chân của nền văn minh nhân loại, từ non nớt đến trưởng thành của kỹ nghệ, từ thô ráp xù xì đến tinh xảo hoàn mỹ, nhưng khi nền văn minh suy tàn thì cũng phải tụt dốc theo.

Nền văn minh cổ đại

Không ai biết rõ nghệ thuật của con người được bắt đầu từ khi nào. Vào thời cổ đại, chúng ta cho rằng trí tuệ của con người chưa được khai mở, nhưng hiện nay chúng ta lại khám phá ra nhiều di tích văn hóa cổ đại với kỹ nghệ tinh xảo và khéo léo. Chúng còn có nhiều màu sắc và phẩm chất đa dạng. Một số giống như các công cụ chế tạo nguyên sơ, có hình dạng đơn giản; số khác lại là các tạo vật có trình độ văn minh cao, cộng với vẻ đẹp tinh tế. Còn có những thứ có hình thù kỳ dị, thậm chí rất gần với các tác phẩm nghệ thuật hiện đại.

Trên thực tế, nhiều di tích cổ có lẽ đã tiết lộ nhiều bí ẩn cho chúng ta, đặc biệt là về một số nền văn minh cực thịnh một thời nhưng đột nhiên biến mất chỉ sau một đêm.

Nền văn hóa Hồng Sơn (1) ở miền bắc Trung Quốc, tồn tại từ 5.000 đến 6.000 năm trước, là một ví dụ. Từ số lượng lớn các đồ tạo tác bằng ngọc tinh xảo được khai quật từ địa phương này, chúng ta có thể thấy các kỹ nghệ thời kỳ đó đã phát triển rất cao, đồng thời, còn có thể thấy những di tích của thời kỳ sau khi đạo đức con người đã bại hoại.

Những bức tranh tường trong nền văn minh Minos (Ảnh: yamoi)

Ở Hy Lạp cổ đại của phương Tây, nền văn minh Minos (2) trên đảo Crete phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là vào triều đại Minos cuối cùng. Các nước Aegean phải cống nạp và bị quy phục bởi triều đại này. Tuy nhiên, quyền bá chủ hàng hải của đế chế này đã bị phá hủy hoàn toàn khi núi lửa Thera phun trào vào năm 1.500 trước Công nguyên. Ngoài những bức tranh tường và hiện vật tinh xảo, những tàn tích của cung điện hoàng gia đã để lại các bằng chứng về sự suy thoái đạo đức, như lạm sát những người vô tội, hay việc đem người sống đi cúng tế v.v..

Những bức tranh tường tinh xảo còn sót lại trong tàn tích của cung điện hoàng gia tráng lệ (Ảnh: epochtimes)

Vua Minos có rất nhiều vàng bạc và của cải, cũng như quân đội và vũ khí hùng mạnh. Hầu như tất cả các cổ vật còn sót lại đều là về đề tài chiến tranh. Chỉ có điều sức mạnh quân sự này đột nhiên bị kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 12, cùng với tất cả các cung điện và thị trấn đã bị phá hủy. Kể từ đó, Hy Lạp đã bước vào “thời kỳ đen tối” kéo dài hàng trăm năm. Dân số quốc gia này giảm mạnh, các di tích văn hóa dần khan hiếm, các kỹ thuật cũng dần bị thất truyền.

Mặt nạ bằng vàng của vua Minos (Ảnh: vr.theatre.ntu.edu)

Nghệ thuật Hy Lạp là nguồn gốc của tinh thần cổ điển phương Tây

Văn hóa Hy Lạp mà chúng ta quen thuộc được phát triển lại từ những tàn tích của nền văn minh cuối cùng. Trong giai đoạn đầu, từ những hình dạng đồ gốm đơn điệu, dần dần phát triển lên thành những đường cong phóng khoáng, tạo hình đẹp đẽ sinh động, kiến trúc trong nhiều ngôi đền trang nhã trang nghiêm, các tác phẩm điêu khắc đã dần trưởng thành từ sự cứng nhắc thời kỳ đầu đến sự hoàn hảo toàn mỹ.

Tượng Apollo trên Đền thờ Olympian Zeus (Ảnh: epochtimes)

Trong thần thoại Hy Lạp, Apollo là vị thần ánh sáng, chân lý và nghê thuật; ông sống ở Núi Parnasso với nữ thần Muse, tại ngôi đền linh thiêng đại diện cho nghệ thuật cấp cao nhất. Sự hoàn hảo, hài hòa, thanh lịch, trang trọng, hòa bình trong nghệ thuật Hy Lạp là phẩm chất cao quý được đúc kết từ trong đó, cũng chính là “tinh thần cổ điển” được nghệ thuật phương Tây tôn vinh. Ở chiều ngược lại, Dionysus, vị thần rượu nho, đại diện cho sự hỗn loạn của lòng đố kị, đam mê, nuông chiều, bất thường và phá hủy tất cả các quy tắc. Loại tính cách này cũng đóng một vai trò nhất định trong việc biểu hiện nghệ thuật.

Tác phẩm điêu khắc người phụ nữ Hy Lạp (Ảnh: epochtimes)

“Thời kỳ cổ điển” của điêu khắc Hy Lạp ước chừng bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Đây là thời kỳ hoàn thiện của nghệ thuật Hy Lạp, cũng là thời kỳ đỉnh cao của văn hóa xã hội và phát triển trí tuệ Hy Lạp. Tại thời điểm này, tác phẩm thể hiện tỷ lệ lý tưởng, cấu trúc chính xác và sự cân bằng hoàn hảo của cơ thể con người; bên cạnh vẻ đẹp ngoại hình, giá trị của những pho tượng điêu khắc này còn ở chỗ cho thấy một sự tĩnh lặng, siêu việt, cao quý và sâu sắc bên trong.

Tuy nhiên, theo các ghi chép lịch sử và khám phá khảo cổ, khi Hy Lạp cổ đại đã phát triển được nền văn minh huy hoàng, thì tiếp theo đó là cuộc sống của con người đã dần trở nên xa hoa và suy bại về mặt đạo đức, có thể quan sát được từ sự tục tĩu trong một số sản phẩm nghệ thuật của họ.

Một bệnh dịch lớn đã bùng phát ở thành phố Athens, Hy Lạp trong cuộc chiến tranh Peloponnesian, làm chết hơn một nửa cư dân và một phần tư binh lính. Ngay cả nhà lãnh đạo chính trị Pericles cũng không thể thoát. Kể từ đó, cấu trúc xã hội của Athens đã sụp đổ; trộm cắp, giết người và cướp bóc tràn lan, nền văn minh tại Athen đi vào tình trạng suy tàn.

Sau khi Hy Lạp bị chinh phục bởi Macedonia, nước này bước vào thời kỳ Hy Lạp hóa (323 ~ 146 trước CN). Vào thời điểm này, chủ đề của các bức tượng dần trở nên thực tế và sống động hơn, biểu hiện của các nhân vật bắt đầu được tô vẽ và mang tính nhân văn hơn. Trong khi lấn át phương Đông, Alexander cũng truyền bá nghệ thuật Hy Lạp đến nhiều nơi khác nhau, do đó sau này nó có ảnh hưởng sâu rộng trên khắp thế giới.

Nghệ thuật gắn liền với sự trỗi dậy và sụp đổ của Đế chế La Mã

Vào năm 146 trước Công nguyên, người La Mã đã đưa Hy Lạp vào lãnh thổ đế quốc của mình, sau đó kế thừa nghệ thuật Hy Lạp, không chỉ bắt chước theo các tác phẩm Hy Lạp, mà còn trọng dụng các nghệ thuật gia Hy Lạp.

Tượng điêu khắc đầu người chân thực thời kỳ La Mã (Ảnh: epochtimes)

Về kiến trúc xây dựng nhà cửa, người La Mã đã đạt được những thành tựu to lớn. Một mặt, họ đã cải thiện các yếu tố của kiến trúc Hy Lạp (như cột trụ), mặt khác phát triển các cấu trúc hình vòm với các đặc điểm La Mã. Trong thời kỳ hoàng gia, các tòa nhà được sử dụng để ca ngợi chiến công và tuyên dương những thành tựu của quốc gia. Vì thế mà những tòa lâu đài tráng lệ, nhà thờ, quảng trường, nhà thi đấu v.v. đã liên tục xuất hiện.

Tượng La Mã với phong cách cổ điển Hy Lạp (Ảnh: epochtimes)

Sự thực tế của người La Mã khiến họ ban đầu thể hiện truyền thống và hiện thực bằng việc dùng các pho tượng làm phương tiện biểu hiện. Sau đó, họ cũng tương thích dần với các phẩm chất lý tưởng của nghệ thuật Hy Lạp; nhiều kiệt tác chân thực gây xúc động đã xuất hiện. Các bức tranh được sử dụng để trang trí cho kiến trúc cũng được áp dụng phương pháp sáng tối một cách tự nhiên, thậm chí ngay cả một số bức tranh tường cũng mang một không khí tự nhiên và lãng mạn.

Tranh thời kỳ La Mã chủ yếu được sử dụng để trang trí nội thất (Ảnh: epochtimes)
Một bức tranh tường thời kỳ La Mã mô tả thiên nhiên. (Ảnh: epochtimes)

Theo một quy luật và kịch bản tương tự như trong lịch sử, sau khi Đế chế La Mã thiết lập được quyền lực, sự kiêu ngạo và ngông cuồng của họ cũng càng ngày càng lớn. Từ những tàn tích của thành phố Pompeii bị núi lửa phá hủy, phát hiện nhiều bằng chứng về sự sa đọa của người dân La Mã thời đó: những bức tranh khiêu dâm trên tường của các nhà thổ có ở khắp mọi nơi trong thành phố. Các cuộc đấu đẫm máu và nghẹt thở thường được tổ chức tại đấu trường; ngay cả các tín đồ Cơ Đốc giáo không được trang bị vũ khí cũng bị đẩy tới sân đấu trường cho thú dữ xé xác. Tội ác này thậm chí đã trở thành thói quen tiêu khiển của hoàng đế và hàng ngàn khán giả, còn được coi là một trong những trò giải trí.

Hậu quả là, từ năm 165 đến 266 sau Công nguyên, Đế chế La Mã hùng mạnh đã phải chịu đựng những năm tháng bệnh dịch kéo dài trong suốt một trăm năm, cùng những cái chết tới dồn dập, nền kinh tế rơi vào suy thoái. Vào thế kỷ thứ 5, những tộc người được gọi là “man di” đã xâm chiếm La Mã, đế chế vinh quang một thời này đã bị kết thúc trong bệnh dịch và chiến tranh. Cho dù Đế chế Đông La Mã còn may mắn tồn tại ở phương Đông, nhưng chỉ đến khoảng năm 541 đến 591 sau Công nguyên, một số bệnh dịch lớn đã xảy ra, kéo theo một phần tư dân số bị tử vong. Nền văn minh châu Âu một lần nữa bước vào thời kỳ đen tối: các di tích văn hóa bị phá hủy, các nghệ sĩ mai một dần, còn các kỹ thuật thì dần thất truyền. Đây lại là một bằng chứng nữa cho thấy quy luật “thành, trụ, hoại, diệt” của vũ trụ này là bất biến.

(Còn tiếp)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Chú thích:

(1) Văn minh Hồng Sơn: là một nền văn hóa thời đồ đá xuất hiện ở vùng đông bắc Trung Quốc, các di tích và văn vật được phát hiện trải dài từ Nội Mông tới Liêu Ninh có niên đại từ khoảng năm 15.000 TCN đến 2.900 TCN. Những văn vật được khai quật chủ yếu là tượng rồng hình chữ C, tượng người ngoài hành tinh, tượng hình phụ nữ, đàn ông, với chất liệu rất phong phú, chủ yếu làm từ các loại ngọc, thiên thạch v.v.. Những văn vật này được chế tác bằng những công cụ và kỹ thuật nào thì cho đến nay vẫn còn là một ẩn đố.

(2) Văn minh Minos: (theo định nghĩa của wikipedia) là một nền văn minh thời đồ đồng ở Crete, đã thống trị vùng biển Aegea, phát triển phồn thịnh vào khoảng từ năm 2.700 tới năm 1.450 TCN. Họ nổi tiếng là những người tiên phong và phát triển rực rỡ trong lĩnh vực hàng hải nhờ vị trí thuận lợi, nằm ở điểm giao nhau của các tuyến đường thương mại. Sau đó nền văn hóa của họ bị thay thế bởi nền văn hóa Mycenae. Theo truyền thuyết, vua Minos là người sáng lập nước Minos.