Thanh sứ được biết đến là “tuyệt phẩm sứ”, là sản phẩm sứ tốt nhất, nó đã trở thành dòng sản phẩm gốm sứ sớm nhất, từ 3.000 năm trước  vào thời kì Hạ Thương. Thanh sứ cũng là đồ gốm sứ nguyên thủy được sản xuất chủ yếu. Trong thời hậu kì Đông Hán, công nghê nung gốm sứ đã đạt đến kỹ thuật thành thục, nhiệt độ nung có thể lên đến chừng 1.300℃, màu men rất sáng và thanh, men kết hợp với gốm thuần rất chặt chẽ. Các thủ pháp trang trí và đề tài trang trí chủ yếu vẫn theo những đồ sứ nguyên thủy.

Các loại màu sắc của bátThanh sứ – Thời Nam Tống (Ảnh: zhlbl)

Đồ sứ được thoát thai từ gốm, phát minh của sứ là từ những kinh nghiệm nung đốt gốm trắng và gốm in hoa văn của người Trung Hoa thời cổ đại, từng bước từng bước dần dần được hình thành. Giữa thời nhà Thương, Trung Hoa xuất hiện thời kỳ đầu tiên về đồ sứ. Trong quá trình nung lớp thân với công nghệ thuở xưa, lớp men vẫn còn thô ráp xù xì, và cũng vì được nung trong một nhiệt độ khá thấp nên nó được gọi là “sứ nguyên thủy”. “Sứ nguyên thủy” được chế xuất từ đất Cao Lĩnh (Cao Lĩnh là tên núi ở Giang Tây, Trung Quốc), nung ở nhiệt độ trên dưới 1.200℃, khá cứng rắn, khó hấp thụ nước, được tráng một lớp men màu xanh lục, có thể trải qua thời gian dài sử dụng mà không bị bào mòn, dễ dàng trong việc làm sạch, mặt ngoài khá hoa mỹ. Với sự cải biến của công nghệ cùng với sản lượng sản xuất, sứ dần dần thay thế đồ gốm và trở thành món đồ hàng ngày trong cuộc sống của người dân.

“Tuyệt phẩm sứ” – Thanh sứ

Thanh sứ được biết đến là “tuyệt phẩm sứ”, là sản phẩm sứ tốt nhất, nó đã trở thành dòng sản phẩm gốm sứ sớm nhất từ 3.000 năm trước, vào thời kì Hạ Thương. Thanh sứ cũng là đồ gốm sứ nguyên thủy được sản xuất chủ lưu. Trong thời hậu kì Đông Hán, công nghê nung gốm sứ đã đạt đến kỹ thuật thành thục, nhiệt độ nung có thể lên đến chừng 1.300℃, màu men rất sáng và thanh, men kết hợp với gốm thuần rất chặt chẽ. Các thủ pháp trang trí và đề tài trang trí chủ yếu dọc theo những đồ sứ nguyên thủy, sử dụng nhiều việc khắc hoa văn hay các thủ pháp in ấn con dấu. Nếu là đồ để trang trí thì thường dùng những hoa văn như dây cung, gợn nước, kẻ ô vuông, hoa văn dạng lưới hay hình tam giác các loại. Đến thời Đường, Ngũ Đại là thời kì phát triển của Diêu sứ, sau đó cường thịnh trong thời Tống. Tại thời điểm này, thanh sứ với lớp men ngọc trong suốt, sáng bóng và thanh lịch, đạm nhã xinh đẹp tuyệt trần, đại diện cho tiêu chuẩn cao nhất của men ngọc bấy giờ, đặc biệt là màu sứ bí ẩn làm nó trở thành một sản phẩm vượt trội.

Bôi uống rượu huynh đệ Mai Tử – Long Tuyền Thanh sứ (Ảnh: teapotway)
Long Tuyền Thanh sứ (Ảnh: jianshu)
Bình Thanh sứ có nắp hình lá sen (Ảnh: auction.artron)

Tựa như màu ngọc bích, như mây mù sương núi

Trong triều đại nhà Đường, thưởng trà và “đấu trà” là một làn gió mới rất hưng thịnh, nhu cầu về Diêu Thanh sứ của hoàng gia ngày một tăng lên khiến cho lúc này Diêu Thanh sứ cũng có được một bước nhảy lớn. Đặc điểm của đồ sứ là có phong cách đặc biệt, trong suốt nhẵn nhụi. Hơn nữa, các hoa văn trên đồ sứ phần lớn là những đường cong đơn giản và trơn tru như những cánh sen hay hoa mẫu đơn, là những loài hoa mà mọi người rất yêu thích. Hoàng đế Tống Huy Tông của triều đại nhà Tống cuồng si Thanh sứ, ông đổ gần như các nguồn lực tài chính quốc gia để chỉ xây dựng một lò nung sứ. Khó trách cổ nhân khen ngợi Thanh sứ: “Tự khuê bích chi sắc, yên lam chi khí“. Thanh sứ được biểu hiện ra bên ngoài với màu sắc lục lam của nó, men màu xanh là men màu sớm nhất, là một sự hình thành của men ngọc, chủ yếu là chất sắt oxy hóa định lượng trong men là bao nhiêu, lượng chất này có một mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ với màu men. Một số Thanh sứ có màu sắc không thuần như màu vàng hoặc vàng sẫm là do lượng sắt không phù hợp.

Bình Thanh sứ (Ảnh: sohu)

Vẻ đẹp của Thanh sứ nằm trong sự dịu dàng tao nhã của nó, không lạnh không nóng, sắc men lưu chuyển, hình dáng diễm lệ nhã nhặn, không quá phức tạp, có vẻ tĩnh nhưng lại là chuyển động. Cảm giác như gần với ngọc bích, một loại cảm giác ôm trọn, khiến cho tâm hồn con người được tĩnh lại. Màu sắc men Thanh sứ vô cùng phù hợp với tinh thần “hòa tan và chất phác” của Đạo gia.

Đoạt đắc thiên phong thúy sắc lai (đạt đến đỉnh cao của màu sắc)

Vẻ đẹp của sắc men Thanh sứ là đến từ thiên nhiên. Trong thời cổ đại, màu xanh lam và xanh lục đều cùng gọi chung là màu xanh. Men xanh phía Nam thời cổ đại là màu men đầu tiên của đồ sứ. Vì thế nó được gọi là Thanh men, màu xanh này không thuần túy xanh, nó có: trắng, xanh của trời, xanh hồng, xanh của cây mai, xanh của vỏ đỗ, xanh của ngọc bích v.v. Trong đó có màu xanh của cây mai và xanh hồng là đạt đến đỉnh cao của gốm sứ thượng đẳng. Triều Đường có lò Việt Diêu, Tống đại có Long Tuyền Diêu, Quan Diêu, Nhữ Diêu, Diệu Châu đều là hệ thống lò nung Thanh sứ.

Ấm Thanh sứ (Ảnh: collection.sina)
Bình Nhữ Diêu Thanh sứ (Ảnh: collection.sina)

Thanh sứ với lớp men xanh làm chủ, nhưng trong những ánh sáng khác nhau, góc độ quan sát khác nhau, màu sắc cũng sẽ có những biến hóa bất đồng. Cảm nhận khi chạm vào Thanh sứ là một sự trơn nhẵn như chạm vào mỡ động vật, mềm mại xinh đẹp, bóng và óng ánh như ngọc. Sự vi diệu của Thanh sứ là không thể diễn tả qua lời nói đơn thuần, vì thế mà người xưa thường mượn vật hay các thủ pháp ẩn dụ, thuật ngữ hùng biện khác để thể hiện. Thời Đường có Lục Quy Mông từng tán thưởng vẻ đẹp này như: “Cửu thu phong lộ việt diêu khai, đoạt đắc thiên phong thúy sắc lai” (Gió thu để lộ Diêu Thanh, đoạt được đỉnh cao trong sắc ngọc bích xanh biếc). Văn nhân thích thưởng trà của triều Đường, khi dùng chén Thanh sứ rót ly trà ấm, có thể làm thay đổi màu sắc của nước trà và thậm chí cả vị của trà.

Ngoài ra, loại Nhữ Diêu Thanh sứ (thanh sứ nung trong lò Nhữ Diêu) là một loại có sắc thiên thanh, tức màu xanh của trời, gọi là “vũ quá thiên thanh“, loại sứ này có một màu xanh ẩn chứ nét duyên dáng sâu xa, vô cùng ý vị. “Vũ quá thiên thanh vân phá xử, giá bàn nhan sắc tác tương lai” (Sau cơn mưa, bầu trời tan vỡ, màu sắc này là cho tương lai), là lời khen ngợi của một văn nhân cổ đại ca ngợi vẻ đẹp của men sứ Nhữ Diêu, giống như sau khi qua một cơn mưa, giọt nước trên lá sen tự nhiên rơi xuống mặt nước; ngày trời trong trẻo, bầu trời tràn ngập màu xanh lam bỉ ẩn. Do đó, sự tinh tế của men ngọc không chỉ là sự thay đổi giữa nhiệt độ nóng lạnh trong lò, mà còn là sự thay đổi theo thời tiết, nắng mưa trong những mùa khác nhau.

Bát hoa sen Nhữ Diêu Thanh sứ thời Tống (Ảnh: sns.911ddcc)

Cổ nhân yêu ngọc, cũng yêu Thanh sứ: “Xanh như ngọc, minh như gương, gõ vào nghe như tiếng khánh”; ngọc và sứ có sự tương đồng. Sự theo đuổi một nghệ thuật thẩm mỹ dịu dàng, óng ánh ấy làm mỹ thuật của đất nước Trung Hoa càng lan tỏa. Do đó, sứ vẫn còn mãi xanh, là một sự tiếp nối của quan niệm thẩm mỹ hiện đại với thời kỳ cổ đại.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Từ Khóa: