Mẫu Đơn và những nỗi lòng thi nhân…

Chân thi Bạch Cư Dị  và “Đêm tiếc hồng phai thắp nến xem”

Trù trướng giai tiền hồng mẫu đơn,
Vãn lai duy hữu lưỡng chi tàn.
Minh triêu phong khởi ưng xuy tận,
Dạ tích suy hồng bả hoả khan.

Bản dịch của Điệp Luyến Hoa

Trù trướng giai tiền hồng mẫu đơn (Ảnh: pinterest.com)

Buồn rũ trước thềm cánh mẫu đơn,
Chiều buông đôi nhánh mới khô tàn.
Sớm mai gió nổi bay đi hết,
Đêm tiếc hồng phai thắp nến xem.

Có vẻ như vẫn còn mơ hồ, còn chưa hiểu về “đôi nhánh” còn sót lại qua mấy ngày mưa gió nặng nề. Gió mưa của số phận, của những cơn bão cung đình đưa 2 thân phận đi về cát bụi.

Sợ ngày mai, hai cành hoa đi rồi, nên tối nay thắp nến ra ngắm xuân sắc của hoa lần cuối.

Có đau buồn nào hơn mình tiễn đưa mình khi sinh mệnh tứ đại của mình ông Trời chưa kêu mà đã “Dạ!”. Nó gợi nhớ câu chuyện chôn hoa trong Hồng Lâu Mộng…

Nó cũng gợi nhớ tới nhạc phẩm Donna Donna lời Việt nhiều người biết:

“Ánh đèn vàng hiu hắt
Khói trầm cay đôi mắt
Em nằm đó…sao thôi cười thôi khóc”

Thật nao lòng! Thực ra, bông Mẫu Đơn láy đi láy lại như một ám ảnh không nguôi của Chân thi họ Bạch.

 “Gửi Bạch Cư Dị” của Từ Ngưng, nỗi lòng của kẻ bị lưu đày

“Nơi kinh kỳ mỗi mùa hoa thắm
Bao ngựa xe đi ngắm Mẫu Đơn
Giang Châu Tư Mã chạnh buồn
Năm năm cứ nhớ phố phường Tràng An”.

Nơi kinh kỳ mỗi mùa hoa thắm. Bao ngựa xe đi ngắm Mẫu Đơn (Ảnh: pinterest.com)

Thi nhân Lưu Tích Vũ và bài thơ “Uống Rượu Ngắm Hoa Mẫu Đơn”: Hoa không nở vì người già

Ẩm tửu khán mẫu đơn

Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm tuý sổ bôi
Đãn sầu hoa hữu ngữ:
Bất vị lão nhân khai.

Dịch nghĩa:

Hôm nay rượu đối hoa
Đành lòng say mấy chén
Buồn thẳm khi hoa nói:
Không nở cho người già.

(Ảnh: pinterest.com)

Không gian ở đây là phía truớc mặt rất gần. Người ẩm tửu với hoa mẫu đơn có thể tỏ tường, tận mặt mà nhìn nhau. Kẻ nhìn tận mặt người e cúi đầu rất thân thiết, tri âm tri kỷ.

Ngày hôm nay, giữa thanh thiên bạch nhật, truớc đóa hoa Mẫu Đơn (hình như chỉ là một đóa), ta uống rượu.

Hẳn không là bất chợt, thoáng qua. Dành cả ngày để lặng lẽ tâm sự vô thanh với hoa. Hoa không thể uống thì mình uống với riêng hoa. Cũng là hai kẻ tri âm bầu bạn.  

Cam tâm tuý sổ bôi. “Cam tâm” đành lòng, có cái gì đó vui vẻ, yên ổn nhưng vui gượng kẻo mà… Vui ngoài mà bối rối, cam chịu ở bên trong

“Túy sổ bôi” nghĩa là “say mấy chén”. Đành lòng vui nên vừa uống mấy chén đã say. Nếu không có tâm sự với hoa, nếu bình thường uống rượu thì mấy chén này chưa thể say. Có thể hiểu: Đối ẩm với hoa, uống say rồi, vẫn còn thêm mấy chén nữa, cho say hơn

Đành lòng vui nên vừa uống mấy chén đã say (Ảnh: pinterest.com)

Chỉ lo buồn, sầu thảm khi nghe hoa có nói thành lời..”. Người ẩm tửu quá say nên đã sống trong một thế giới khác ngoài thực tại. Tác giả xác nhận lời của hoa là có thật. Hoa đã nói thành âm thanh, bằng giọng người rõ ràng.

Bất vị lão nhân khai” là tiếng nói của hoa. Nhà thơ chỉ kể lại cái điều mà Thiên Nhĩ Thông của mình nghe được ở một không gian khác. Các nhà thơ xưa, là những người đã sống trong văn hóa tu luyện, đã qua tu Đạo, tu Phật, họ quả thực đã câu thông được với những sinh mệnh của vũ trụ. Chẳng phải trong kinh A Di Đà, mọi sinh mệnh của thế giới Cực Lạc đều có thể đối thoại được với nhau hay sao?

Lời của hoa: BẤT VỊ LÃO NHÂN KHAI..Câu thơ có 5 tiếng này khiến cho lời của hoa ngắn như một phủ định triệt để, ngắn như một tuyên ngôn. Nó dường như là một nhát dao dứt khoát cắt đứt quan hệ mà người ẩm tửu tưởng rằng hoa và mình là tri kỷ. Hoa nói chuyện vô thanh với mình suốt một ngày…

Không vì người già mà nở

Lời của hoa quá bất ngờ, nó làm dậy sóng lòng người (lòng ta và lòng thi nhân). Ai có nỗi bẻ bàng bị tình phụ có thể thấy mình trong đó.

Không vì người già mà nở (Ảnh: pinterest.com)

Cảm hứng này từng có bài Mẫu Đơn của Tiết Đào:

“Hương nồng tỏa gợi tình sâu lắng
Lời chẳng trao, hàm ý thiết tha
Chỉ muốn bên hiên nhàn gối chiếu
Đêm khuya, thương nhớ, ngỏ cùng hoa..”

“Không vì người già mà nở” đâu phải lời nũng nịu gái trai? Đó là khí tiết, là phẩm chất của một loài hoa không chấp nhận bạo quyền để vâng mệnh làm vừa lòng bạo quyền.

Tôi tin vào tôi. Tôi là tôi. Như núi Kính Đình tôi vững chãi, ngạo nghễ mặc thường nhân…

Lưu thi nhân đã cho hoa nói nhưng thực ra hoa đang phát ngôn cho nhân cách, cho lòng tự tôn của chính mình. Cứ đến thời là tôi nở. Bản chất quốc sắc thiên hương là của tôi. Chẳng vì một nguyên nhân nào khiến tôi phải phụ thuộc.

Không chịu nhún nhường trước cường bạo, vì nhân cách của mình mà nở (Ảnh: pinterest.com)

“Không vì người già mà nở” có nghĩa là cũng không vì người trẻ mà tôi khoe sắc, lẳng lơ. Không vì bất cứ ai. Theo thiên tính theo thiên thời mà tôi nở.

Lưu là 1 trong “nhị Vương bát Tư Mã” định khôi phục sự đổ đốn cho nhà Đường nhưng kế hoạch  “Vĩnh Trinh cách tân” đã thành mây khói. Lưu bị giáng chức đi đày. Rồi Đường Hiến Tông phục hưng, sùng Phật. Rồi 4 vị vua kế tiếp điên đảo triều chính. Đường Vũ Tông diệt Phật sùng Đạo Giáo, ngộ độc đan dược chết tuổi 36… Lưu là nhà chính trị. Có lẽ vậy mà ẩn mình trong hoa Mẫu Đơn thể hiện ý chí không lay chuyển của kẻ sỹ trong thời loạn…

Hôm nay, trước hoa, uống. Bùi ngùi, mấy chén, say (Ảnh: pinterest.com)

Có lẽ, cái hay nằm ở bàn lề khép mở 2 tâm trạng. Nó nằm ở hai tiếng ĐẢN SẦU (chỉ thấy buồn thăm thẳm).

Tưởng rằng mình đủ tư cách uống rượu trước một loài hoa nhân cách, khí tiết. Nên mình tương giao với hoa giữa thanh thiên bạch nhật. Cả 2 đều chính nhân quân tử đối diện, đâu cần có những nghi lễ. Cuộc tương ngộ này không phải là cần e ấp, truy hoan tình cảm gái trai.

Nó không cần bóng đêm để than thở, không cần nhiều người để có không khí lễ hội. Trước hoa Mẫu Đơn, thân già trải qua bao đọa đầy đang cần một đối tượng để tự vấn.

Câu 1 tự tin. Câu 2 thiếu tự tin. Đã ” đành lòng” buông xuôi nghèn nghẹn với mình với Hoa lại còn tìm một giải pháp thoát mình mới đối diện được với Hoa. Đó là uống say để quên thân phận già nua, thất bại; quên thân phận tài cao, chí khí nhưng bị hất ra ngoài thế sự. Về già, mong chén rượu đục như Đỗ Phủ. Chỉ nhờ rượu thăng hoa mình thành người khác thì mới có thể ngắm hoa Mẫu Đơn giữa ban ngày, không khoảng cách.

Người già nhưng tâm không thể già (Ảnh: pinterest.com)

Không hiểu có duyên nợ gì với loài hoa này mà Lưu Vũ Tích làm rất nhiều thơ cho Hoa. Đây là bài “Thưởng Mẫu Đơn”:

“Ngoài sân thược dược đẹp riêng mình,
Sen trước ao tranh một chút tình.
Duy chỉ mẫu đơn là quốc sắc,
Nở hoa chính lúc rộn kinh thành”

Thược dược có vẻ đẹp riêng; ngay cả sen mà ở trong ao cũng vừa đủ nối với hồn nhà thơ chỉ “chút tình”. Loài hoa chung thủy mà tri âm với Lưu vẫn là Mẫu Đơn.

‘Quốc sắc thiên hương’ vẫn là mẫu đơn (Ảnh: pinterest.com)

Bì Nhật Hưu vốn nổi tiếng bởi những bài thơ tự sự mô tả nỗi khổ đau của tầng lớp dưới đáy. Người ta thường nhớ tới ông trong “Lời than của bà già nhặt hạt giẻ” (Tượng uấn thán) với câu chuyện người phụ nữ già nua, cô quạnh nhặt hạt giẻ để cầm đói qua ngày bên đồi, nơi bời bời lúa chín sắp vào kho của quan…

“Cuối thu, quả dẻ chín
Rụng lăn dưới cỏ đồi
Lưng còng, bà tóc bạc
Nhặt dẻ, đạp sương mai
Hồi lâu được một nắm
Hết ngày đầy giỏ cời “..

Nhưng trước hoa Mẫu đơn, ông cùng hòa mình vào cảm hứng chung của các thi nhân cương cường giữ phẩm tiết :

“Hoa rụng cánh tàn mới toả thơm,
Tên hay người gọi “Bách hoa vương”.
Khoe rằng vẻ đẹp không đâu sánh,
Đệ nhất nhân gian một thứ hương.”

Khoe rằng vẻ đẹp không đâu sánh. Đệ nhất nhân gian một thứ hương. (Ảnh: pinterest.com)

La Vinh