“Lắng đọng đêm về” là bộ sưu tập những bản nhạc đặc biệt phù hợp với tiếng lòng đêm khuya mà Ban biên tập Nghệ thuật Đại Kỷ Nguyên lựa chọn và biên soạn dành tặng độc giả, để trải nghiệm những cung bậc của tâm hồn khi cơn sóng náo nhiệt của một ngày tất bật qua đi, khi ta được trở lại là chính mình, thưởng tặng riêng cho mình một vài phút giản dị mà quý giá với âm nhạc, liều thuốc quý nhất của tâm hồn…

Từ trong bóng tối, trong khó khăn, giọng hát, tiếng đàn của họ đã mê hoặc hàng triệu khán giả trên khắp thế giới. Âm nhạc của họ là thứ âm nhạc được cất lên từ sâu thẳm trái tim và tiếp thêm năng lượng sống cho những ai nghe nó.

Âm nhạc của họ còn luôn có những nét giống nhau về sự vĩ đại tinh thần, tình yêu, tâm hồn, khiến thính giả chìm sâu trong lòng bi mẫn mênh mông rồi suy niệm về cuộc đời, cuộc sống với những màu sắc khác, màu sắc của sự hồn nhiên, của sự cao thượng và tình thương vô bờ. Một thứ âm nhạc đủ sức nâng người ta lên.

Hoàn cảnh sống khắc nghiệt, rốt cuộc sẽ nâng ta lên hay dìm ta xuống?

Nghệ sĩ khiếm thị Andrea Bocelli- “giọng Tenor thứ tư” của âm nhạc Italia

Đối diện với những khó khăn ập tới, một nhà soạn nhạc thiên tài sẽ như thế nào? Khi Beethoven bị điếc, ông đã ra sao? Ông đã cho ra đời những tác phẩm vĩ đại nhất.

Với một người có nghị lực bình thường, có lẽ những phẩm tính tốt lành ấy sẽ bị chìm sâu hoặc gần như biến mất trong những hoàn cảnh sống khắc nghiệt.

Một người bình thường khi khó khăn ập đến sẽ trở nên toan tính, ích kỷ, mưu mô và suy nghĩ ra đủ những lọc lừa để tồn tại. Nhưng ở một người vĩ đại khi khó khăn ập đến sẽ chỉ như lấy lửa thử vàng, khó khăn chỉ làm lộ ra những phẩm tính tuyệt vời của họ, ngay cả những khó khăn khắc nghiệt nhất.

Andrea Bocelli, nghệ sĩ khiếm thị

Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tới quý độc giả những nghệ sĩ vĩ đại nhưng cuộc đời không dành cho họ ánh sáng mặt trời, không dành cho họ vinh quang, mà chỉ có ánh sáng tâm hồn lấp lánh trong họ mà đủ chiếu sáng rực rỡ xung quanh:

Andrea Bocelli biểu diễn Besame mucho. Ông là nghệ sĩ khiếm thị,  “giọng Tenor thứ tư” của âm nhạc Italia – bên cạnh 3 danh ca nổi tiếng là Luciano Pavarotti, José Carreras và Plácido Domingo.

Tác giả

Gluck, bức chân dung vẽ bởi Joseph Duplessis, năm 1775 (Bảo tàng Kunsthistorisches, Viên),

Với Christoph Willibald Ritter von Gluck (2 tháng 7 1714 – 15 tháng 11 1787), nhà soạn nhạc opera người Đức, cuộc sống cũng khắc nghiệt với ông. Sau nhiều năm sống tại cung điện Habsburg ở Viên, tầm ảnh hưởng phong cách opera của Pháp trong các tác phẩm của ông đã thôi thúc Gluck chuyển tới Paris tháng 11 năm 1773.

Ông tạo ra một xu hướng mới, với 8 vở opera xuất sắc cho sân khấu Paris.

Một trong những tác phẩm cuối trong số này, Iphigénie en Tauride, được thừa nhận là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông.

Dù rất nổi tiếng và được công nhận đã mang đến một cuộc cách mạng cho opera Pháp nhưng thành công của ông tại Paris chưa bao giờ đạt tới đỉnh cao, sau phản ứng nghèo nàn dành cho tác phẩm Echo et Narcisse, ông rời Paris để trở về Vienna sống phần còn lại của cuộc đời trong nỗi buồn và sự khắc nghiệt.

Nhưng âm nhạc của ông đủ sức lay động bất cứ ai, nó êm ái và đi thẳng vào sâu thẳm nhất của trái tim thính giả:

Christoph Willibald Gluck Dance Of The Blessed Spirtis From Orpheus And Eurydice

Để có thể thưởng thức âm nhạc cổ điển một cách sống động mỹ mãn nhất, chúng ta nếu không thể ngồi trực tiếp trong nhà hát lớn một cách trang nghiêm chăm chú, thì với link nhạc hay đĩa CD như ở đây, độc giả hãy cố tạo cho mình một không gian tĩnh lặng riêng, đeo tai nghe, nhắm khẽ mắt để có thể thưởng thức tương đối trọn vẹn những kiệt tác này của nhân loại ….

Kim Cương – Hà Phương Linh