El Greco được biết đến là một họa sĩ, một nhà điêu khắc và một kiến trúc sư Phục hưng nổi tiếng của Hy Lạp. Một trong những bức họa nổi tiếng nhất của ông là bức: The disrobing of Christ – Đức Chúa bị lột áo. Đây là tác phẩm để lại dấu ấn rất sâu sắc trong lòng người xem.

El Greco sinh ở Crete, là trung tâm nghệ thuật hậu Byzantine Ngay từ khi còn rất trẻ ông đã sớm trở thành một cây bút gạo cội về nghệ thuật khi mới ở tuổi 26. Năm 1570 ông qua Rome, thời gian này trong phong cách nghệ thuật của ông mang đậm nét trường phái và phục hưng của Ý. Sau này khi chuyển tới Toledo, Tây Ban Nha, ông đã thực hiện những bức họa làm nên tên tuổi của ông.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng ấy là bức họa The disrobing of Christ – Đức Chúa bị lột áo. Đây là bức họa mà toàn bộ câu chuyện bi kịch của Đức Chúa gói gọn và biểu lộ qua từng nét vẽ.

Chúa Giê-su qua ngòi bút của El Greco

Đã có rất nhiều những họa sĩ danh tiếng vẽ về Chúa Giê-su. Nhưng mỗi người đều mang một vẻ riêng, một góc nhìn riêng và chọn cho mình cách biểu lộ riêng biệt. Ở El Greco người ta dễ dàng nhận thấy nhất có lẽ là cách sử dụng màu sắc trong bức họa của mình.

Bức “The disrobing of Christ” – Đức Chúa bị lột áo của El Greco. (Ảnh: Statenvertaling)

Ở bức The disrobing of Christ – Đức Chúa bị lột áo, lấy Chúa Giê-su làm hình ảnh trung tâm, El Greco sử dụng tông màu đỏ cho chiếc áo mà Đức Chúa đang mặc làm nổi bật nhân vật trên nền màu ảm đạm. Có nhiều người cho rằng, việc sử dụng tông màu đậm đó mang theo hàm ý về con đường đi của Đức Chúa nhuốm đầy máu của Ngài.

Đây là khung cảnh được khắc họa khi quân lính áp giải Chúa Giê-su ra pháp trường. Xung quanh Ngài là sự nhốn nháo lộn xộn, tiếng la hét, tiếng chửi bới, những lời nhục mạ. Nhưng ta lại thấy sự tĩnh lặng của Đức Chúa thể hiện qua ánh mắt Ngài ngước nhìn lên bầu trời một cách bình thản. Lúc này là tâm thái của người không sợ gì cái chết. Cái chết chính là sự giải thoát để trở về.

Nhưng bàn tay của Đức Chúa ôm lấy ngực của mình như cảm nhận chính cơn đau nhói trong tim mà xót thương cho những con người mà Ngài vẫn đang muốn cứu rỗi họ.

Hình ảnh được cho là tinh tế nhất trong bức họa có lẽ chính là sự phản chiếu của chiếc áo màu đỏ mà Đức Chúa mặc được phản ánh khéo léo trên bộ áo giáp của người lính đứng kế bên Chúa Giê-su. Sự sáng bóng của bộ áo giáp càng làm tăng lên hình ảnh nhuốm màu đỏ tươi như để mô tả cho bàn tay vấy máu của những binh lính tham gia vào việc hành quyết đánh đập dã man Đấng cứu thế của họ. Tội lỗi đó sẽ chẳng bao giờ được gột rửa.

Ở đây như chứa theo thông điệp cho cái kết của những số phận của kẻ bức hại Đức Chúa, phỉ báng và bàn tay nhúng đầy máu của Giê-su.

Sợi dây thừng như tượng trưng cho lòng từ bi của Chúa với con người. (Ảnh: Dkn.tv)

Có nhiều nhà bình luận cho rằng, chi tiết chiếc dây thừng trói chặt tay của Đức Chúa mà bị người đàn ông mặc áo màu xanh với đôi mắt hung tợn đang gồng hết sức nhằm lột chiếc áo mà Chúa Giê-su đang mặc giống như là sợi dây của lòng từ bi, sự thương xót mà Đức Chúa đang dùng để cảm hóa sự hung tợn ngu muội của con người.

Càng đi về phía trước thì tông màu sáng lại càng được khéo léo tô vẽ. Phía trước là hình ảnh người đàn ông mặc áo màu vàng đang đục cây thập tự giá. Hình ảnh những người phụ nữ đau khổ nhìn cây thập tự giá mà lòng xót xa.

Nếu như con người ta coi cái chết là bước cuối cùng của con đường, thì ở đây người xem có thể nhận thấy sự khéo léo trong nét vẽ của El Greco được phản ánh rất rõ nét.

Với Đức Chúa cái chết là sự trở về với vĩnh hằng. Ngài dùng cái chết của mình để cảm hóa, để cứu rỗi những linh hồn quỷ dữ. Chính vì vậy mà con đường Chúa đến với cây thập tự giá mang theo ánh sáng của con đường trở về với thiên đường.

Nhiều nhà phê bình nghệ thuật đã ví El Greco như bậc thầy trong việc sử dụng tông màu. Ánh sáng mà ông tạo ra như những chi tiết rất đắt trong bức họa của ông.

Người đàn ông mặc áo vàng đang đục cây thật tự giá và người phụ nữa nhìn cây thật tự giá với vẻ mặt buồn đau. (Ảnh Dkn.tv)

Trong nền màu ảm đảm, thỉnh thoảng lại điểm thêm những sắc màu tươi tắn. Mà cách sử dụng những gam màu tươi đó lại rất khéo léo, khiến bức tranh trở nên sống động và nổi bật. Không chỉ vậy, sự tinh tế này càng làm rõ hơn ý nghĩa ẩn chứa bên trong mà họa sĩ muốn gửi gắm cho người chiêm ngưỡng nó.

Vì sao những họa sĩ thường lựa chọn vẽ những tranh về Công giáo để thể hiện ngòi bút của mình?

Có rất nhiều họa sĩ thường tìm về chủ đề công giáo để họa tranh. Đối với họ đây như là sự trở về nguồn cội. Bởi lẽ trong tâm họ có chứa lời của Kinh thánh. Vẽ về Chúa chính là cách thể hiện cảnh giới tư tưởng của mình trong con đường nghệ thuật. Tức mượn cây bút mà vẽ lên tư tưởng của chính mình về cảm nhận và tình cảm của người họa sĩ tới vị Chúa của họ. Trung Hoa hội họa gọi đây là Họa tâm.

Nếu như Raphael là một họa sĩ vẽ tranh Công giáo thành công nhất với hàng loạt những bức họa danh tiếng thì El Greco cũng là lấy cảm hứng từ kho tàng tranh Công giáo mà khắc họa lên những cảm ngộ của bản thân mình và sự kính trọng trong góc tình cảm thiêng liêng mà ông dành cho Chúa.

Bức “La Crucifixió de Crist” của El Greco

Tuy nhiên trong tranh của El Greco có những nét riêng. Sự bứt phá và làm chủ được màu sắc đã khiến ông được mệnh danh là cây họa của những bảng màu kiểu Tây Ban Nha. Sau này người ta chiêm ngưỡng những bức họa của ông, thì lại càng thấy được sự tinh tế và khéo léo trong cách họa của El Greco.

Khi ông họa những bức tranh về Chúa, nhiều nhà phê bình hội họa cảm nhận được sự tôn kính trong ông. Người họa sĩ dùng cây bút mà họa lên tâm tình của cảnh giới tư tưởng mà bản thân ông có được khi thấm nhuần kinh thánh.

Tịnh Tâm