Nếu như coi Tiền Xích Bích là một cuộc đối thoại nhân thế, là đạo lý ở cõi phàm trần, là cảnh giới của con người nhập đạo… thì Hậu Xích Bích lại là một bài thi phú ở tầng ý nghĩa nhân sinh cao hơn hẳn. Cảnh thơ trong Hậu Xích Bích như hư như thực, như ảo mộng mà hiện thời xa xăm.

Tiếp theo phần 1

Vạn vật trong con mắt của nhà thơ Tô Đông Pha luôn mang trong mình vẻ đẹp e ấp của thiếu nữ tuổi xuân thì

Nét đặc sắc trong thơ Tô Thức chính là tức cảnh sinh tình, thường là cái duyên dáng của ánh trăng tròn vành vạnh, sự ảo diệu của lớp sương mù. Thơ ông không mang cái hồn cô quạnh, luôn có tri âm hay bạn đồng hành, bóng dáng con người với lời ca tiếng hát, khiến cây đèo dẫu có xác xơ, cũng chẳng mang dáng vẻ tiêu điều. Tiếng hát với hồn thơ thi sĩ, làm cảnh kia sinh động bội phần.

Bản dịch của Hà Thượng Nhân:

Cùng năm đó, tháng mười, giữa tháng
Từ Tuyết Đường về ngả Lân Cao
Có hai ông khách đi theo
Móc sương lã chã, cây đèo xác xơ
Cúi xuống thấy mờ mờ nhân ảnh
Ngẩng lên nhìn vành vạnh trăng cao
Ngắm xem phong cảnh thanh tao
Vừa đi vừa hát vui sao cho cùng!

Ngắm xem phong cảnh thanh tao. Vừa đi vừa hát vui sao cho cùng ! (Ảnh: Pinterest.com)

Ánh trăng trong thơ của ông luôn tròn trịa, giống như thiếu nữ tinh khôi tuổi 16 tràn đầy sức sống, tuổi đẹp nhất của đời người được ví von như ánh trăng tròn giữa tháng. Nếu trong thơ ông có vài hình ảnh xác xơ hay hiu quạnh, thì lập tức có vẻ đẹp được tô lên. Trong Hậu Xích Bích tiếng hát của người bạn đồng hành khiến không gian như chốn tịch liêu nay trở nên ấm cúng.

Đọc thơ Tô Thức, người ta cảm nhận được cái tĩnh của cảnh vật trong thơ, cái đẹp của sự bình an tự tại, cái duyên của nét trăng thanh, hay tiếng hát trong veo của từng ngọn gió. Thơ ông vẽ một bức tranh yên bình, nhưng không phải tập trung vào vẻ yên tĩnh, mà dùng cái tĩnh để miêu tả tâm thái người làm thơ, dùng cái tĩnh để vẽ lên nét động. Một tâm tĩnh ước chế vạn niệm động. Khi cảnh tĩnh, nó mới thực sự đẹp và tâm tĩnh mới thực sự tịnh.

Cảnh đẹp lên thơ nhớ tri kỉ, tìm tâm giao bên chén rượu nồng nàn

(Ảnh: pinterest.com)

Tô Thức sử dụng việc xuất hiện của hình ảnh con người trong thơ luôn luôn là người đồng hành trên một chuyến đi mà có cùng tâm nguyện, một là cũng có tâm hồn thi sĩ như ông hoặc cùng tâm cầu đạo như ông. Với ông đời con người đâu chỉ ăn với mặc, mà điều quan trọng hơn hết thảy là tìm được một người bạn tâm giao, khi có được liền cùng trà cùng tửu, ngâm thơ, thưởng họa, đàm chuyện đạo chuyện đời thì chén rượu nhạt cũng cảm thấy ấm lòng tri kỉ.

Tiếc có khách lại không có rượu
Rượu lại không đồ nhậu, buồn chưa!
Trăng trong gió mát đang chờ
Khách rằng : “ xẩm tối bất ngờ giăng câu
Tóm ngay được ở đâu chú cá
Giống cá lư dưới chỗ Tùng Giang
Tìm đâu được hũ rượu ngang?
Ta bàn với vợ, vợ rằng :”chớ lo”
Tôi vốn có một vò rượu quý
Ðã lâu nay cất kỹ để dành”
Thế rồi rượu cá sắm sanh
Xuôi dòng Xích Bích lại thành cuộc chơi!

Chuyến xuôi thuyền trên Xích Bích, có bạn đồng hành có rượu ngon. Một chuyến đi vô cùng lí tưởng, ngoạn non sơn rừng núi mà thảnh thơi an nhàn,

Sự tự tại khoan thai trong ý thơ của Tô Thức, chính là góc yên bình của một con người coi nhẹ ham vui hưởng lạc sa hoa, lấy sự giản dị bình yên mà tao nhã. Đâu cứ phải là cung son thiếp bạc, hay mĩ nữ ca múa mới là say mê, đâu cứ phải sơn hào hải vị, rượu cao hương mới gọi là thưởng thức. Đôi khi chỉ là chén rượu nhạt, nhưng được tìm được một tâm giao, hay được thả mình nơi thiên nhiên đất trời rộng lớn, hít mùi hương của hoa lá cỏ cây, tay chạm vào từng làn sương khói vương trên mặt nước, đó đã đủ là cõi tiên rồi.

Ông vô tình nhắn gửi thông điệp, hạnh phúc và bình yên thực sự chính là nơi tâm mình. Đời dẫu có sóng to bão lớn, thì trong tâm luôn có góc bình yên.

Nếu ví danh- lợi- tình là những ngọn sóng lớn, vùi dập con người trong kiếp bể dâu, thì buông bỏ lòng tham chấp truy cầu, biết thỏa lòng thế nào là đủ, đó chính là xây cho mình một góc tâm giản dị, bình yên mà chẳng lệ thuộc ở đời. Con sóng kia dẫu to dẫu lớn, chẳng làm sờn tâm một con người coi nhẹ những hư không, cái mà một con người bình thường khó mà hiểu, chỉ những người trong tâm luôn chứa tâm tìm cầu Đạo, đó mới thực sự ngộ được những cái được mất ở đời.

Nếu ví danh- lợi- tình là những ngọn sóng lớn, vùi dập con người trong kiếp bể dâu, thì buông bỏ lòng tham chấp truy cầu, biết thỏa lòng thế nào là đủ, đó chính là xây cho mình một góc tâm giản dị, bình yên mà chẳng lệ thuộc ở đời. (Ảnh: mytour.vn)

Vượt xuất khỏi cảnh giới phàm trần, là đi trên con đường siêu nhiên thoát tục

Trong thơ Tô Đông Pha, có một cách khoe rất khéo léo và tinh tế, ông khoe với đời về cảnh giới tư tưởng của ông, cái mà phàm nhân chẳng bao giờ có được.

Khúc sông chảy muôn vời sóng nước
Sườn núi cao ngàn thước chênh vênh
Núi cao trăng sáng mông mênh
Nước ròng, đá núi gập ghềnh phô ra
Ta vén áo dần dà bới cỏ
Ngồi lên trên những chỗ cheo leo
Ngửng trông tổ cắt ngặt nghèo
Cúi nhìn u hiểm thủy triều Bằng ố di
Hai người khách chẳng đi tới được

Ông vẽ lên bức tranh huyền ảo đẹp như chốn thiên đường, trong khi ông còn đang ngẩn ngơ với tiên cảnh, chiêm ngưỡng phóng tầm mắt tới tận cuối chân trời, ông như cưỡi mây, đạp gió. Vẻ đẹp núi non hùng vĩ thu gọn trong tầm mắt, thì nhìn xuống hai vị khách đồng hành như chẳng thể đi tới được.

Đây chính là sự ranh giới để phân biệt đâu là người, đâu là tiên, người phàm có muốn lên cao cũng chẳng lên được, tầm mắt nhìn chỉ là hạn hẹp, bậc siêu phàm ngắm gọn núi sông, thu tầm mắt là giang sơn một mối. Người phàm cố leo lên chẳng đặng, người siêu phàm một niệm đã trên mây.

Phải chăng đây chính là sự khác biệt của cảnh giới tư tưởng của Tô Đông Pha với một con người phàm trần. Cái mà ông rất khéo léo để khoe với đời. Cũng là bộc lộ một ý nghĩ thâm sâu, con người muốn bước vào tiên cảnh, buộc phải bỏ đi những tâm tưởng xấu xa, phải thuần tịnh tâm thân với bước vào được cảnh giới ấy.

Tiếng gọi nhau dội ngược cỏ cây
Ta nghe tê tái lòng này
Phập phồng lo sợ ở đây rợn người
Bèn trở lại, thuyền xuôi mặc sóng
Sắp nửa đêm in vắng bốn bề
Chợt nghe chim hạt bay khuya
Lẻ loi, cánh giống bánh xe rộn ràng
Giữa trời rộng kêu vang lảnh lót
Vừa phương Ðông , đã thoát phương Ðoài
Thế rồi khách bỏ mặc ai

Cái khác biệt tạo lên sự cao thấp trong cảnh giới, rồi bất chợt ông nhìn xuống nơi những người bạn đồng hành, tiếng gọi ấy khiến ông sợ hãi. Giống như cái sợ của một bậc tiên nhân khi nhìn vào cuộc sống của con người cõi trần tục.

Nhưng cũng có ý cho rằng, khổ thơ này nói lên rằng, tầng thứ của Tô Thức vẫn chưa đủ cao để đi lên tiếp con đường du ngoạn cõi tiên của mình, ông bị giới hạn nó mà buộc phải đi xuống. Bởi chính cái sợ mà ông không thể lên cao.

Một số nhà thiền sư cho rằng, đoạn thơ chính là sự phân tầng về cảnh giới tư tưởng, Tô Thức đã siêu xuất khỏi người thường, nên cái ông nhìn thấy là sự phi phàm đối với người trần thế. Nhưng cái ông thấy chưa phải là tất cả, chỉ là thấy trong tầng thứ cho phép của tư tưởng cảm ngộ bản thân ông ở vị trí đó mà thôi.

Ta lim dim một giấc dài như mơ
Mơ thấy một phơ phơ đạo sĩ
Mặc áo lông từ chỗ lâm cao
Gặp ta người vội vái chào:
“Cuộc chơi Xích Bích thế nao, vui không?”
Hỏi họ tên nhưng ông chẳng nói
Ta biết rồi: vừa mới hôm qua
Tiếng kêu trong vắt gần xa
Cái con chim hạc chính là ông thôi!
Lão đạo sĩ chỉ cười lặng lẽ
Ta giật mình mở cửa nhìn ra
Vắng tanh nào thấy đâu là!

Cũng có lẽ do tâm thức thôi thúc cầu Đạo, nên luôn bắt gặp trong thơ ông là cảnh giới của Đạo phi phàm. Còn gì lí thú hơn khi cùng một vị tiên nhân đàm đạo, được dạo chơi trong cõi tiên ngay giữa đời thường. (Ảnh: xinhuanet.com)

Tới đây người đời như cảm thấy những gì ông mô tả giống như trải nghiệm của ông về một giấc mơ lạc chốn bồng lai tiên cảnh. Trong cái mơ mà có thực, trong thực lại ngỡ tưởng như mơ.

Cũng có lẽ do tâm thức thôi thúc cầu Đạo, nên luôn bắt gặp trong thơ ông là cảnh giới của Đạo phi phàm. Còn gì lí thú hơn khi cùng một vị tiên nhân đàm đạo, được dạo chơi trong cõi tiên ngay giữa đời thường. Một lần nữa người ta thêm hiểu cuộc vui chơi nào ở đời rồi cũng sẽ phải dừng chân. Để cuối cùng con người ta tìm về với Đạo, tìm tới cái chân thực của sinh mệnh mình. Cái đó được Tô Thức ví von như một người chợt tỉnh giấc mê.

Phải nói rằng, hai tác phẩm thi phú của Tô Đông Pha, xứng đáng là một áng thiên thư phú họa. Nó được bình chọn là 2 viên ngọc sáng của cổ văn được lưu giữ tới tận ngày nay. Trong thơ ông không chỉ là cái đẹp tầm thường, hay cái thú tiêu diêu tự tại giản đơn, mà thơ ông chính là phá vỡ những rào cản phong bế bấy lâu trong tâm trí, đưa tư tưởng thoát tục nhập siêu. Gửi cho hậu nhân những lời tự tình chiêm nghiệm, để làm sao hạnh phúc an hòa trong chính dòng đời vồn vã, hay triết lý về tìm cầu chân Đạo, để ta có thể tiếp cận được cảnh giới cao hơn.

Càng về sau người đời càng thấu, giá trị bên trong mỗi ánh thơ ca của ông, nên gọi đó là một kho tàng quý báu khiến hậu nhân mãi mãi ghi tạc trong lòng.

Tịnh Tâm