Chùa Sensoji biểu tượng của Asakusa. Đây là ngôi chùa cổ xưa nhất ở Tokyo, được tất cả người dân yêu mến với cái tên “Asakusa Kanon”. Sensoji được biết đến không chỉ là một ngôi chùa Phật giáo cổ nhất ở Asakusa, thuộc Tokyo mà còn là nơi được xây dựng dành riêng cho việc thờ phụng Quan Âm Bồ Tát mang đầy màu sắc huyền thoại.

Chùa Sensoji có kiến trúc vô cùng độc đáo, mang nét đẹp cổ kính, mặc dù trải qua chiều dài lịch sử hơn nghìn năm nhưng chùa vẫn sừng sững và lộng lẫy. Ngày nay, khi khách du lịch Nhật Bản hay du khách thập phương, khi đến viếng thăm sẽ được kể về truyền thuyết ly kỳ hình thành nên ngôi chùa cổ kính này.

Tìm hiểu về lịch sử nguồn gốc tên gọi của chùa Sensoji

Asakusa (浅草) là tên riêng của một khu vực thuộc quận Taito, Tokyo. Nơi đây vốn là một khu vực giải trí chính của Tokyo vào thời gian đầu thế kỷ XX cho đến khi bị phá hủy nặng nề trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Sau đó, dù được khôi phục lại sau chiến tranh nhưng nơi này không còn là khu giải trí chính như trước đây nữa, mà lại được nhiều du khách biết đến nhờ ngôi chùa Senso-ji nổi tiếng.

Thực ra chữ 浅草 có hai cách đọc, một là Asakusa, hai là Senso. Do ngôi chùa này nằm trong khu vực Asakusa nên người ta dùng chung chữ Hán tự để đặt tên cho chùa, nhưng lại chọn cách đọc khác đi là Senso. Gọi là chùa Senso hay chùa Senso-ji chứ không gọi là chùa Asakusa. (Senso-ji: 浅草寺, theo tiếng Hán có nghĩa là Thiển Thảo Tự).

Chùa Sensoji là ngôi đền cổ xưa nhất của thủ đô Tokyo, được hoàn thiện vào năm 645 (Nguồn ảnh: 500px.com)

Huyền thoại về tượng Quan Âm Bồ Tát chùa Sensoji

Tương truyền rằng vào năm 628, trong khi đang thả lưới đánh cá trên dòng sông Sumida, hai anh em Hinokuma Hamanari và Hinokuma Takenari đã tìm thấy một tượng Phật Quan Âm cao khoảng 5.5cm vướng vào trong lưới đánh cá của mình.

Mặc dù họ đã tìm đủ mọi cách đưa tượng Phật về lại dòng sông nhiều lần nhưng bức tượng vẫn quay trở lại với họ. Khi họ đem về cho trưởng làng xem thì vị trưởng làng Hajino Nakatomo ngay lập tức nhận ra đây là một bức tượng linh thiêng và quyết định thờ cúng thánh vật này. Ông đã xuất gia và sửa ngôi nhà của mình thành một ngôi chùa nhỏ để mọi người trong làng cùng đến cầu nguyện. Đây được cho là nguồn gốc của Senso-ji

Đến năm 645, nhà sư nổi tiếng Shokai Shonin khi đến thăm Asakusa, biết được câu chuyện về tượng Quan Âm nên đã xây thêm một khu thánh điện để thờ cúng. Đây chính là khu chính điện của chùa Senso-ji ngày nay. Trong một giấc mơ của mình ông mơ thấy điềm báo và quyết định phải giấu bức tượng đi, không cho người thường nhìn thấy. Tục lệ này đã được duy trì từ đó.

Cho đến khoảng giữa thế kỷ thứ IX, khi đến thăm Asakusa, thượng sư Ennin đã cho tạo một bức tượng Quan Âm giống hệt với bức tượng gốc để mọi người có thể nhìn thấy và thờ nguyện. Còn bức tượng gốc được cho là đã bị mưa lũ cuốn trôi.

Kaminarimon (雷門) – Cổng Sấm, biểu tượng của Asakusa

Cổng Sấm Kaminarimon là cổng chính thứ nhất của ngôi chùa (Nguồn ảnh: 500px.com)

Để bắt đầu đi vào chùa Sensoji cần đi qua cổng Kaminarimon ( Thunder Gate – Cổng Sấm). Cổng Sấm là cổng chính thứ nhất của ngôi chùa. Cổng được xây dựng đầu tiên vào năm 942 bởi nhà cầm quyền của quận Musashi là Tairano Kinmasa. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, cổng đã bị phá hủy rất nhiều lần và sở hữu hình dáng như hiện nay từ năm 1950.

Trước kia cổng được đặt gần Komagata nhưng đến thời Kamakura (1192-1333) cổng được xây dựng lại ở vị trí như ngày nay.

Ngay giữa cổng được treo một cái đèn lồng lớn màu đỏ có ghi chữ Cổng Sấm. Phía dưới có ghi chữ 松下電器, tức là tập đoàn Matsushita Electric. Phía trên có treo tấm bảng đề 3 chữ: Kim Long Sơn, tức là núi rồng vàng.

Đèn lồng lớn màu đỏ cao 4m, chu vi 3.4m, nặng đến 670kg (Nguồn ảnh: Shutterstock)

Bức tượng Phật Quan Âm trong chùa Sensoji vốn được vớt lên từ sông Sumida. Ngôi chùa này có mối liên hệ chặt chẽ với con rồng có liên quan đến nước.

Đáy đèn lồng là chạm khắc bằng gỗ trong rất đẹp mắt (Nguồn ảnh: verdekiwi)

Hai bên của đèn lồng là bức tượng của hai vị thần: Thần Raijin (Thần Sấm) và Thần Fujin (Thần Gió). Bởi vậy tên gọi chính xác của cổng phải là Furaijin Mon – Cổng Sấm và Gió. 

Thần Raijin (Thần Sấm) bên trái và Thần Fujin (Thần Gió) bên phải (Nguồn ảnh: mhgroup-jp.com)

Con đường mua sắm Nakamise dori (仲見世)

Phố mua sắm Nakamise dài khoảng hơn 200m (Nguồn ảnh: Flickr)

Qua khỏi Cổng Sấm là một con đường mua sắm được gọi là Nakamise, dài khoảng hơn 200m và dẫn đến cổng thứ hai của chùa, cổng Hozomon. Đứng từ đầu phố đã có thể trông thấy rõ cổng Hozomon ở phía cuối phố. Đường được lát gạch và hai bên đường là những cột nhà được sơn màu đỏ son. Khu phố này đươc hình thành vào năm 1685. Phố Nakamise tấp nập với hàng quán ở hai bên, chủ yếu là bán đồ lưu niệm và bánh kẹo mang đậm nét văn hóa Nhật Bản

Nơi đây có các cửa hàng nhỏ nằm sát cạnh nhau, bày bán đủ mọi mặt hàng quà lưu niệm truyền thống Nhật Bản, như: những chiếc lồng đèn, yukata, áo happi, quạt giấy sặc sỡ sắc màu, búp bê,… Nhiều món ăn nhẹ truyển thống được bán dọc theo phố Nakamise. 

Những món ăn truyển thống được bán dọc theo phố Nakamise. (Nguồn ảnh: matcha-jp.com)

Cổng Hozomon (宝蔵門)

Cổng chính thứ 2 của ngôi chùa: Cổng Hozomon (Nguồn ảnh: 500px.com)

Khi đi hết con đường mua sắm, bạn sẽ đến được cổng thứ hai của đền thờ gọi là Hozomon (宝蔵門).

Đây là cổng chính thứ hai của ngôi chùa, Hozo có nghĩa là ngôi nhà kho báu, bởi vì có nhiều kho báu của đền Sensoji được cất giữ ở đây. Cổng này do tướng quân Taira no Kinmasa xây dựng cùng năm với Cổng Sấm. Trước đây cổng còn có tên gọi là 仁王門 (Niomon) vì ở hai bên cổng là hai vị thần bảo vệ Nio của Đức Phật.

Phía mặt trước của ổng Hozomon với một chiếc đèn lồng lớn ở giữa với chữ Kobunacho, có nghĩa là: Làng Thuyền Nhỏ (Nguồn ảnh: clarissalum.com)

Ngay dưới lớp mái vòm phía trên là tấm biển đề chữ Senso-ji. Tấm biển này lần đầu tiên được gắn lên cổng vào năm 1692 bởi hoàng tử xuất gia Ryosho, một thành viên gia đình hoàng gia đồng thời là sư trụ trì chùa Manjuin, một ngôi chùa danh tiếng ở Kyoto.

Kiến trúc của cổng vẫn được giữ nguyên vẹn từ cuối thế kỷ XII đến thế kỷ XVII dù nó được dựng đi dựng lại nhiều lần do bị hư hỏng vì hỏa hoạn.

Cổng Hozomon đứng vững vàng hơn 250 năm trước khi lại bị thiêu rụi trong lần Tokyo bị oanh tạc vào tháng 3 năm 1945. Năm 1964 cổng được tái xây dựng lại bằng bê tông.

Nét độc đáo của cổng là chiếc giày rơm khổng lồ được treo ở mặt sau của cổng. Chiếc giày này nặng tới 500kg, được kết từ 2,500kg rơm do tỉnh Yamagata tặng cho chùa từ năm 1941.

Phía mặt sau cổng Hozomo với hai bên là một đôi giầy rơm khổng lồ (Nguồn ảnh: liveinternet.ru)
Do giày bằng rơm nên này đã được thay nhiều lần, chiếc giày hiện đang treo là chiếc thứ 7 tỉnh này tặng cho chùa. (Nguồn ảnh: hiveminer.com)

Ngay trước mặt cửa Hozomon là sân chính và chùa Sensoji; phía bên phải là khu lăng mộ Kasakura còn ngay bên trái là ngôi chùa năm tầng và điện Dempoin.

Điện Quan Âm Kannondo (観音堂)

Kannondo là đại điện chính của đền thờ Sensoji được tái xây dựng bằng bê tông vào năm 1958 (năm Chiêu Hoà thứ 33). Đại điện cũ được xây dựng lại vào năm 1649 nhưng đến năm 1945, đại điện bị cháy trong cuộc không kích của Mỹ vào Tokyo.

Khu chính điện: Điện Quan Âm Kannondo (Nguồn ảnh: Asiabooking)
Tấm biển đề chữ Quan Âm Đường. (Nguồn ảnh: pantip.com)

Cửa đại điện được mở vào ngày 13 tháng 12 hàng năm, tuy nhiên các tín đồ chỉ được phép thắp hương và đứng xem tượng Phật Quan Âm ở phía ngoài, còn khu vực đặt tượng Phật quan trọng ở phía trong thì không ai được phép vào.

Đây là nơi để rửa tay trước khi vào chính điện. Ở Nhật thông thường trước khi vào chùa cầu nguyện là phải rửa tay. (Nguồn ảnh: gakutomo)
Bàn thờ bên trong Quan Âm Đường (Nguồn ảnh: edo.net)

Đại điện quay mặt về phía Nam, bên trong đại điện được chia thành 2 khu vực: khu vực dành cho tín đồ ở phía trước và khu vực đặt tượng Phật quan trọng ở phía trong.

Tháp 5 tầng uy nghiêm: Gojunoto (五重塔)

Chùa tháp 5 tầng cũng được xây dựng bởi tướng quân Taira no Kinmasa vào năm 942, mái ngói của chùa được làm bằng hợp kim nhôm. Busshari (tro của Đức Phật) và Reihai (bài vị của Đức Phật) được đặt ở đây.

Khu vực ngôi tháp 5 tầng của chùa Sensoji còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lễ hội hàng năm. Nổi bật nhất là lễ hội Sanja Matsuri, được tổ chức vào tháng năm. Đây vừa là dịp để khách du lịch Tokyo hòa mình vào không khí sôi nổi của buổi lễ mang đậm màu sắc cổ truyền Nhật Bản, vừa là một cách chào đón ngày hè độc đáo ở thành phố sầm uất này.

Busshari (tro của Đức Phật) và Reihai (bài vị của Đức Phật) được đặt ở đây. (Nguồn ảnh: Viator.com)

Chùa tháp này cũng đã nhiều bị phá hủy bởi hỏa hoạn và bom đạn và đã được xây dựng lại nhiều lần. Tổng chiều cao của chùa là 53m, trong đó hàng cột đỡ cao 5m.

Cổng Nhị Thiên Nitenmon (二天門)

Cổng Nhị Thiên là cổng phía đông của đền Sensoji. Cổng ở hướng đông của Điện Quan Âm và ở phía tây của đền thờ thần đạo Asakusa.

Cổng này chính là cổng Zuishin Mon của đền thờ thần đạo Toshogu ở Asakusa. Vào năm 1642 đền thờ Toshoga bị cháy nhưng cánh cổng này vẫn còn tồn tại.

Cổng Nhị Thiên còn có tên gọi là cổng Yadaijin Mon bởi hình ảnh của hai vị thần Toyoiwamadonomikoto and Kushiiwamadonomikoto của đền thờ Toshogo. Tuy nhiên tên gọi này đã được đổi thành Niten Mon (Niten có nghĩa là hai vị thần) bởi vì hai trong số bốn vị thần ở nhà trữ kinh Phật của đền Tsurugaoka Hachimangu Shrine ở Kamakura được di chuyển đến và đặt ở đây vào đầu triều đại Minh Trị.

Hoàng Lâm