Hương sắc Việt Nam là món quà của ban biên tập Nghệ thuật thời báo Đại Kỷ Nguyên dành tặng những người con đất Việt gắn bó với văn hóa truyền thống nên thơ của nước nhà và mong muốn vẻ đẹp này được lưu giữ mãi không phai với thời gian…

Thiên nhiên thơ mộng hiền hòa, con người Việt Nam hồn hậu và hiếu khách và những sản vật địa phương mộc mạc dân dã khiến khách lạ nhớ mãi… Nhưng duyên ngầm Việt Nam thực sự nằm ở đâu khiến người ta không thể quên?

Người Việt xa quê, khi khám phá những vùng đất mới, trải nghiệm cuộc sống đầy màu sắc, cuốn vào cuộc sống văn minh xứ người, vào những câu chuyện ngọt ngào, lãng mạn nơi xứ lạ, luôn giữ gìn trong sâu thẳm “góc nhỏ linh hồn Việt” khiến chỉ cần nhìn thấy thôi, đã thấy bóng dáng quê hương Việt Nam thân thương không thể nào quên…

Duyên ngầm ấy là từ đâu? Từ cánh cò, vần thơ, tà áo dài, chiếc nón lá, đôi guốc mộc? Hay từ một cái gì đó xuyên suốt tất cả những điều đó? Phải chăng mỗi chúng ta tự nhìn vào trái tim mình để tìm ra câu trả lời cho riêng mình?

Về quê mẹ đi em

(Tác giả: Hữu Điệp)

Em có về thăm quê mẹ không em
Mùa xuân đến hoa nhãn lồng sắp nở
Khóm hồng trước nhà khoe màu rực rỡ
Mùi bưởi thơm ngỡ hương tóc thủa nàọ

Về nghe em ngắm én liệng xôn xao
Mùa xuân đến đồng biếc xanh màu lúa
Con sông long lanh vẫn như muôn thủa
Thương cánh bèo trôi biêng biếc dập dềnh

Em có về thăm quê mẹ không em
Nghe gà gáy gọi bình minh giục giã
Quê mình vẫn còn bao nhiêu vất vả
Chợ quê nghèo ít thịt cá nhiều rau

Về nghe em ta lại nắm tay nhau
Đi dưới nắng trưa như thời áo trắng
Ta đã hứa dù gừng cay muối mặn
Dẫu muôn trùng xa vẫn nhớ tìm về

Nón bài thơ e lệ nép trong tay…

Chiếc nón lá là biểu trưng cho nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Người phụ nữ Việt Nam đội chiếc nón lá trên đầu như một hình ảnh đẹp của người phụ nữ dịu dàng, thơ mộng. Ấy là duyên ngầm đi xa không quên…

Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Chiều mùa thu mây che có nắng đâu?
Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu
Sẽ làm khô làn môi em dịu ướt

Có sao đâu mà em phải cúi đầu từ khước
Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước
Thì mười ngón tay em sao bỗng quấn quít đan nhau
Nửa vầng má em bỗng thắm sắc hồng đào 
Đôi chân bước anh nghe chừng sai nhịp…?
(Thu Nhất Phương)

Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón. Chiều mùa thu mây che có nắng đâu?

Không đơn thuần mang tính biểu tượng, chiếc nón lá đã gắn với cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ Việt chân chỉ trên ruộng đồng hay e ấp với màu áo trắng học trò…

Nón lá là bảo vật đặc sắc mang đậm nét Việt Nam. Khách du lịch nước ngoài rất thích sở hữu những chiếc nón lá như một món quà lưu niệm khi về nước .

Chiếc nón lá gốc Huế mỏng và thanh thoát nhất, nhẹ nhàng nhất trong số nón lá các vùng miền…

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…

Đi liền với nón lá, chính là chiếc áo dài. Kể từ thế kỉ thứ 18, chiếc áo dài đã được tôn vinh để trở thành quốc phục của Việt Nam. Cho đến tận ngày nay thì vẫn tồn tại 3 kiểu áo dài khác nhau và làm nên nét duyên ngầm người Việt…

Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát 
bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông 
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng 

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn 
Mà mùa thu trải nắng ở chung quanh 
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung 
Bay vội vã vào trong hồn mở cửa 

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn. Mà mùa thu trải nắng ở chung quanh

Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa 
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn 
Thơ học trò anh chất lại thành non 
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu 

Em không nói đã nghe từng giai điệu 
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh 
Anh trông lên bằng đôi mắt chung tình 
Với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt 

Em không nói đã nghe từng giai điệu. Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết 
Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu 
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau 
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại 

Để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại 
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời 
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi 
Những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng 

Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn 
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng

(Áo lụa Hà Đông – Thơ Nguyên Sa)

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng. Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng

 

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết. Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu

Áo dài truyền thống với độ dài chấm đất, được may ôm vừa vặn với cơ thể người phụ nữ, với các đường ben và xẻ tà ở ngang eo, tạo ra một vùng hình tam giác chỉ vừa đủ để khoe nước da của người mặc nó. Áo dài cách tân với hai vạt áo được thu ngắn lại, chỉ vừa ngang đầu gối, giúp thuận tiện cho việc di chuyển và phù hợp để mặc trong nhiều dịp khác nhau. Áo dài cưới trang trọng hơn chiếc áo dài truyền thống với những phần thêu hay đính kết bằng tay giúp làm tôn nên vẻ sang trọng và lộng lẫy của cô dâu trong ngày kết hôn.

Lụa tơ tằm làm nên duyên ngầm Việt Nam

Nếu không có lụa tơ tằm, thì áo dài hay nón lá chắc cũng sẽ không mềm mại duyên dáng đến thế…

Em về Vạn Phúc cùng anh,

Áo lụa em mặc thêm thanh vẻ người…

Lụa Lãnh Mỹ A được NTK Công Trí ví như quốc bảo của dân tộc, để sản xuất ra những thước lụa chất lượng thường tốn rất nhiều thời gian và công sức của người làm ra nó.

Lụa quê Việt Nam là lụa nguyên chất, làm từ 100% tơ tằm tự nhiên. Loại chất liệu sang trọng và quyền quý này thật sự có giá trị rất lớn và không khó để nhận ra điều đó. Ai đến Việt Nam đều tìm mua cho chính mình, cho người thân và bạn bè làm quà ở nhà “một chút duyên dáng Việt Nam”…

Tranh thêu tay, tranh cát, tranh Đông Hồ

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Bàn tay nghệ nhân thủ công của các nghệ nhân Việt Nam luôn là một điều khiến cho du khách nước ngoài cảm thấy ngưỡng mộ và kính nể. Tranh thêu tay là một loại hình nghệ thuật đã có từ lâu đời mà qua thời gian, những nghệ nhân đã hoàn thiện để tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật trau chuốt và tỉ mẩn nhất. Những tấm tranh thêu tay với hàng trăm nghìn mũi chỉ thêu nhiều màu được khâu tỉ mẩn trên một tấm vải lụa và căng trên tấm khung làm bằng gỗ quý có giá trị rất lớn.

Những bức tranh thêu tay thường được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống thường nhật, hay thậm chí cả chân dung của người mua. Khách du lịch khi đến Việt Nam còn có thể đặt riêng cho mình một món quà mà ở đó, nội dung và ý tưởng đều do du khách truyền đạt lại cho các nghệ nhân. Sau 1 thời gian ngắn khoảng 1 tuần, khách hàng đã có thể nhận được món quà lưu niệm của mình. Chính vì lẽ đó mà tranh thêu tay thường có giá trị không hề thấp.

Tranh thêu tay có giá trị thẩm mỹ rất cao, làm nên nét duyên ngầm của đất Việt

Guốc mộc xinh xinh

Guốc mộc là một loại giày truyền thống cho ông bà ta ngày xưa. Trải qua bao nhiêu tháng năm lịch sử, ngày nay Việt Nam vẫn lưu giữ được bản sắc và lịch sử của cha ông với bộ 3 “đặc sản” truyền thống là áo dài, nón lá và guốc mộc

Về đây nghe em, về đây nghe em 
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc 
Kể chuyện tình bằng lời ca dao 
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai 
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới 
Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu 

Bất kể một người phụ nữ nào khi tham dự những sự kiện mang tính dân tộc hay trao đổi văn hóa với các quốc gia khác thì dễ dàng có thể nhận ra là họ đều mang đủ 3 món đồ này (áo dài, nón lá, guốc mộc), như một cách thức truyền tải về niềm tự hào dân tộc và vẻ đẹp kiều diễm, duyên dáng của người con gái Việt Nam.

Guốc mộc ngày nay tuy vẫn được giữ gìn như một phần của lịch sử dân tộc và vẫn còn nhiều thợ thủ công làm ra chúng. Khách du lịch ngày nay vẫn có thể được chiêm ngưỡng những đôi guốc mộc khi tham gia vào những buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật như Cải lương và Ca trù.

Những đôi chân đi không mỏi, họ lên đường với trái tim rộng mở để khám phá thế giới. Mỗi người một cách riêng, nhưng tất cả đều nói rằng, về tới Việt Nam, là thấy sự duyên dáng ngọt ngào, từ cảnh sắc tới con người, một điều gì đó kỳ lạ lắm, là duyên ngầm đất Việt không thể nào quên…

Hà Phương Linh